Chạy chơi trước nhà, bé 1 tuổi bị giật điện ở... vũng nước
Bé đang chơi trước sân nhà thì bất ngờ bị điện giật ở vũng nước dẫn đến hôn mê. Nguyên nhân được xác định là do bị rò điện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho trường hợp một bệnh nhi bị điện giật nặng vì tai nạn không ngờ.
Theo đó vào tối 7/6, bé N.T.P (1 tuổi, ngụ Bình Dương) đang chơi trước sân nhà thì bất ngờ bị điện giật hôn mê. Khi người mẹ chạy ra thì thấy bé nằm cạnh vũng nước, liền chạy đến ứng cứu cũng bị giật theo.
Bệnh nhi 1 tuổi bị điện giật nguy kịch. (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhi được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu khi đã ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tại đây đã hồi sức tích cực để bé có nhịp tim trở lại trước khi chuyển tiếp đến BV Nhi đồng 2.
Thời điểm nhập viện tại đây vào ngày 8/6, bé đã P. hôn mê sâu, tổn thương tim nặng phải liên tục thở máy và truyền thuốc vận mạch, chống phù não, sử dụng kháng sinh. Tiến hành chụp CT, kết quả cho thấy bệnh nhi có tình trạng phù não lan tỏa hai bán cầu.
Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng tri giác của bé có cải thiện, thang điểm hôn mê Glasgow tăng, tình trạng tổn thương tim và hủy cơ vân có tiến triển tốt. Bé bắt đầu được tập thở. Tuy vậy, cần theo dõi thêm mới có thể đánh giá tổn thương thần kinh.
Tại BV Nhi đồng 2, anh T., cha của bệnh nhi kể lại, trước nhà anh có một trụ điện do tự tay anh lắp để câu đèn thắp sáng. Lúc xảy ra sự việc trời vừa mưa nên có vũng nước nhỏ. Điện vì thế rò vào vũng nước khiến con anh chạy chơi bị giật. Vợ anh vì cứu con cũng gặp nạn theo nhưng may mắn là không nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cho biết cần phải tiếp tục theo dõi mới có thể đánh giá được tổn thương của bệnh nhi.
Bác sĩ Lộc cảnh báo phụ huynh nên theo sát trẻ, nhất là trong mừa mưa bão. Tuyệt đối không để trẻ đến gần nguồn điện cao thế hoặc trung thế. Khi phát hiện trẻ bị điện giật, trước hết cần tìm cách ngắt nguồn điện hoặc ít nhất là cách điện để đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường. Nếu chẳng may nạn nhân đã bị điện giật và diễn tiến ngưng tim, ngưng thở cần sơ cứu đúng cách tại hiện trường.
Bác sĩ khuyên phụ huynh nên theo sát trẻ, nhất là trong mùa mưa gió.
"Những gia đình có điều kiện nên sử dụng ổ điện có tính năng phòng ngừa giật điện và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Cách sơ cứu trẻ khi bị điện giật bất tỉnh:
- Kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim
+ Vỗ mạnh 3 - 5 cái vùng ngực. Đặt trẻ lên nền cứng, nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc trên người làm cản trở hô hấp.
+ Hà hơi thổi ngạt: Quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu trẻ. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và mở miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân.
+ Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp.
Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.