Cậu bé 3 tuổi bị điếc tai trái chỉ vì hành động rất nhiều người đang làm mỗi ngày
Sợ con bị ngứa tai hay quá nhiều ráy tai, nhiều cha mẹ vẫn thường xuyên dùng tăm bông ngoáy tai cho con mà không biết rằng hành động này rất nguy hiểm.
Gần đây, cậu bé Tiểu Minh 3 tuổi đến từ Thâm Quyến (Trung Quốc) kêu bị ngứa tai, thấy vậy cô chị gái song sinh 3 tuổi tên là Tiểu Viên đã học theo cách của người lớn, dùng tăm bông ngoáy tai cho Tiểu Minh. Không ngờ, Tiểu Viên đứng không vững, đột nhiên bị ngã xuống, khiến tăm bông trong tay của cô bé cắm vào ống tai của Tiểu Minh.
Lúc này, tai của Tiểu Minh đau dữ dội và bắt đầu chảy máu. Khi Tiểu Minh được đưa đến Bệnh viện Nhi thành phố Thâm Quyến, tai trái của của cậu bé hoàn toàn không nghe được. May mắn thay, sau khi phẫu thuật, thính giác của cậu bé về cơ bản đã trở lại mức bình thường.
Tai của Tiểu Minh đau dữ dội và bắt đầu chảy máu. Khi Tiểu Minh được đưa đến Bệnh viện Nhi thành phố Thâm Quyến, tai trái của của cậu bé hoàn toàn không nghe được.
Khi tai bị ngứa, nhiều người sẽ dùng ngón tay út để ngoáy tai, nếu tình trạng ngứa tai chưa được giải quyết, lúc này sẽ dùng tăm bông hoặc dụng cụ lấy ráy tai để đưa vào tai ngoáy. Thực sự, khi ngoáy tai còn đem đến cảm giác rất thoải mái.
Tuy nhiên, ngứa tai có nên ngoáy tai một cách tùy tiện không? Câu trả lời là không! Nghĩ rằng hành động ngoáy tai là việc nhỏ, vô hại nên rất nhiều cha mẹ cũng thường làm. Trên thực tế, hành động ngoáy tai rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi thành phố Thâm Quyến, hơn 60% trẻ em bị nhiễm trùng tai là do ngoáy tai không đúng cách. Tại sao ngứa tai không nên tùy tiện ngoáy tai? Dưới đây, bác sĩ Nghiêm Thượng ở Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Nhi thành phố Thâm Quyến sẽ chia sẻ về vấn đề này.
Ngoáy tai ảnh hưởng như thế nào?
Ráy tai được chính thức biết đến như một chất sáp do ống tai ngoài tiết ra để đảm trách nhiệm vụ bắt giữ bụi bặm, vi khuẩn, thậm chí là các côn trùng nhỏ... khi chúng xâm nhập vào trong ống tai. Sau đó, qua cử động khi nhai của xương hàm dưới thì các lông trong ống tai sẽ chuyển động nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài và đẩy khối sáp này ra ngoài gần lỗ tai.
Da của ống tai ngoài của con người tương đối mỏng, liên kết chặt chẽ với mô xương sụn, mô dưới da ít, tuần hoàn máu kém. Vì thế, khi ngoáy tai, nếu dùng lực quá mạnh có thể dẫn đến tổn thương ống tai ngoài, nhiễm trùng, gây sưng, viêm, thối tai, thậm chí là đau tai, khó chịu, ảnh hưởng đến việc nhai và há miệng, nghiêm trọng hơn có thể gây thủng màng nhĩ và mất thính giác.
Khi ngoáy tai, nếu dùng lực quá mạnh có thể dẫn đến tổn thương ống tai ngoài, nhiễm trùng, gây sưng, viêm, thối tai (Ảnh minh họa).
Tiếp theo, thường xuyên ngoáy tai còn có thể làm sưng lớp sừng của ống tai ngoài, ngăn chặn chân lông có lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến ống tai ngoài bị ngứa và chảy dịch màu vàng. Da của ống tai ngoài thời gian dài bị sưng mãn tính, còn dễ kích thích bài tiết tuyến ráy tai, ngược lại ráy tai sẽ càng nhiều hơn.
Một lần nữa, thường khi ngoáy tai dễ kích thích sự gia tăng của các tế bào vảy hoặc các tế bào cơ bản của da và gây ra các khối u nhú hoặc bệnh tuyến ráy tai của ống tai ngoài. Bởi vì u nhú ở ống tai ngoài là do nhiễm virus, công cụ lấy ráy tai thông thường không những có thể lây lan virus mà còn kích thích sự biến đổi ác tính của nó, đó là lý do tại sao không thể sử dụng dụng cụ lấy ráy tai thông thường để ngoáy tai.
Cuối cùng, việc sử dụng các công cụ lấy ráy tai không sạch cũng có thể dễ dàng đưa nấm mốc vào ống tai ngoài, làm cho ống tai ngứa, nếu nấm mốc phát triển trên màng nhĩ, mất thính giác và ù tai có thể xảy ra.
Cách xử lý ráy tai chính xác nhất
Bác sĩ Nghiêm Thượng nói rằng, tai có chức năng tự làm sạch, tại đây, dưới tác động của không khí, ráy tai bị khô đi, bong ra khỏi tai và rơi ra ngoài mà không cần chúng ta tác động đến. Như vậy, bình thường chúng ta không nên ngoáy tai hàng ngày vì sẽ làm mất đi một yếu tố bảo vệ tự nhiên cho tai khỏi bụi bặm và nhiễm trùng. Chuyên gia cũng khuyên chỉ nên ngoáy tai từ 2-3 lần/tháng.
Tuy nhiên, một số người tiết ra sáp tai quá nhiều, hoặc sáp tiết ra quá khô hay quá dính thì có thể bị kết dính thành một khối ngày càng to, gây bít kín hoặc gần kín ống tai như cái nút chặn nên thường được gọi là "nút ráy tai".
Nút ráy tai có thể gây ra các triệu chứng như ù tai, nghe kém, ngứa tai, chóng mặt, đau, hoặc ho (vì khi ráy tai quá to có thể chèn ép và kích thích dây thần kinh phế vị, vốn có nhánh nối tai với cơ hoành, kích thích này gây ra phản xạ ho).
Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tai mũi họng, họ sẽ dùng các dụng cụ lấy dị vật phối hợp với máy hút y tế lấy sạch nút ráy tai một cách nhẹ nhàng và an toàn (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Nghiêm Thượng cho hay: "Về mặt chính thống, nếu muốn tự làm ở nhà thì khuyến cáo không nên dùng tăm bông vì nó sẽ nén chặt nút ráy tai hơn và đẩy nó vào sâu hơn, cũng như không tự "đào bới" bằng cây móc ráy tai, chìa khóa hay nắp bút, que tăm... bởi nguy cơ gây tổn thương da ống tai hoặc làm thủng màng nhĩ rất cao.
Thay vào đó, nên nhỏ vào tai vài giọt dầu thực vật, oxy già hoặc dầu tắm trẻ em... để ráy tai trở nên mềm hơn và tự rơi ra ngoài. Hoặc có thể dùng vòi tắm hay bơm tiêm xịt nước ấm vào trong tai để ráy tai mềm nhão ra (lưu ý là với áp lực rất nhẹ để không làm vỡ màng nhĩ), sau đó khi nghiêng tai xuống thì dòng nước chảy ra sẽ lôi ráy tai đi theo.
Nếu đã làm hết các cách nói trên mà vẫn không làm sạch được ráy tai thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tai mũi họng, họ sẽ dùng các dụng cụ lấy dị vật phối hợp với máy hút y tế lấy sạch nút ráy tai một cách nhẹ nhàng và an toàn".
Nguồn: Sohu