Cách dạy chữ lạ bằng hình vuông, tròn, tam giác: Tiếng Anh cũng được dạy theo cách này!
Nếu mở rộng tìm hiểu có thể thấy cách đánh vần lạ trong SGK theo chương trình Công nghệ Giáo dục cũng chính là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để dạy phát âm Tiếng Anh.
Những tranh cãi nóng hổi về cách đánh vần lạ trong cuốn SGK lớp 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục (CNGD) khiến nhiều phụ huynh băn khoăn và hoang mang, đặc biệt là việc trẻ bắt đầu học đọc với các hình vuông, tròn, tam giác. Tuy nhiên, nếu mở rộng tìm hiểu thì đây cũng chính là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để dạy phát âm Tiếng Anh.
Xung quanh câu chuyện về dạy tiếng Việt theo sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa qua, có một luồng ý kiến tranh luận rộ lên xung quanh việc trẻ bắt đầu việc học đọc tiếng Việt bằng các biểu tượng hình khối là hình vuông, hình tròn, hình tam giác là một cách dạy "lạ lùng", "khó hiểu" và thậm chí có nhiều ý kiến còn lo lắng rằng điều này sẽ khiến trẻ viết tiếng Việt bằng các biểu tượng hình khối đó.
Ngay cả trong giới chuyên môn, các ý kiến, quan điểm về vấn đề này cũng rất đa chiều. Trả lời phỏng vấn trên báo Lao Động Online hôm 3/9, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng: "Cách dạy học đánh vần của một cuốn sách giáo khoa cụ thể chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để đạt đến mục tiêu được xác định trong chương trình giáo dục. Để đánh giá cách học vần theo "ngữ âm học" của TV1-CNGD, cần nắm được một số khái niệm rất cơ bản, trong đó quan trọng nhất là phân biệt được tên của con chữ (hay chữ cái), và âm vị mà chữ cái ấy ghi lại".
Chia sẻ trên VTC News, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng nói rằng: "Phải công nhận mà nói với phương pháp dạy đọc của thầy Hồ Ngọc Đại thì học trò còn bé khó tiếp nhận thật, các em còn quá bé để phân biệt âm vị, âm tố hay là ngữ âm... Mà không phải chỉ học trò, cô giáo cũng vất vả để truyền đạt cho những học trò còn bé như vậy".
Phương pháp này cũng gần tương tự với cách học phát âm trong tiếng Anh đã được áp dụng từ lâu trên thế giới.
Để thấy rằng, đây là một trong số các phương pháp dạy học tiếng Việt mà phụ huynh có thể tham khảo để lựa chọn cho con, tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một cách dạy "lạ lùng" hay "mới mẻ" như một số ý kiến nêu ra. Đây là một phương pháp dạy trẻ học phát âm và hoàn toàn không thay đổi cách viết, cách đọc tiếng Việt và phương pháp này cũng gần tương tự với cách học phát âm trong tiếng Anh đã được áp dụng từ lâu trên thế giới.
Trao đổi với cô Bạch Thị Thùy Linh (Nguyệt Ca), một giảng viên tiếng Anh với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ về cách dùng các biểu tượng trong việc dạy và học tiếng Anh, cô Nguyệt Ca chia sẻ: "Những ngày qua tôi thấy cư dân mạng sôi sục về bức ảnh chụp bài học về "Tiếng", một trong những bài học đầu tiên ở trang số 5 của sách CNGD với nhiều bình luận ác ý cũng như thái độ phẫn nộ, thất vọng. Họ cho rằng thật là kì dị khi dạy các hình vẽ vuông, tròn, tam giác thay cho tiếng? Nhưng bản chất của vấn đề lại không hề như vậy!
"Khi dạy trẻ Việt học tiếng Anh, một trong những khái niệm đầu tiên chúng tôi cũng phải dạy, đó là "syllable" (âm tiết)", cô Bạch Thị Thùy Linh chia sẻ.
Nếu bạn là một giáo viên tiểu học hay một người có chút am hiểu về ngôn ngữ thì tốt quá rồi, nhưng nếu không, bạn hẳn sẽ bối rối khi con mình hỏi "Bố mẹ ơi, thế nào là tiếng, thế nào là từ?" Bạn có chắc mình sẽ đủ hiểu biết và kiến thức để trả lời con?
Bài học về "Tiếng" là bài học đầu tiên trong sách CNGD. Khi đó trẻ con chưa hề biết đọc, và việc của giáo viên đó là giúp chúng hiểu ngay từ sớm về bản chất của tiếng trong tiếng Việt. Một câu được tạo ra bởi các tiếng. Mỗi tiếng là một lần phát âm ra âm thanh hoàn chỉnh. Tiếng Việt có đặc điểm đơn lập (không phải chắp dính hay biến hình) nên khi cần phân biệt ranh giới giữa các tiếng với nhau, chúng ta dễ dàng dùng hình ảnh để thay thế, làm trẻ con dễ dàng hiểu hơn. Hình ảnh thay thế có thể là khối hộp, là quả bóng tròn, hay khối tam giác, hay dùng tiếng vỗ tay, giậm chân để đại diện cho 1 tiếng. Với người lớn, điều này là thừa thãi vì chúng ta đều biết đếm từ 1 đến... vô tận, nhưng với một em bé 6 tuổi non nớt, thậm chí còn chưa biết đếm thành thạo từ 1 đến 10 thì lại vô cùng cần thiết. Việc lấy mỗi khối vuông đại diện cho 1 tiếng phát ra, giúp trẻ con hiểu chúng sẽ phải phát âm các tiếng rõ ràng, không dính vào nhau, có ngắt nghỉ đúng chỗ. Ở chương trình giáo dục đại trà, khái niệm "tiếng" sẽ được dạy ở lớp 4 nhưng ở mức độ cao hơn, đó là học sinh sẽ phân biệt tiếng và từ (từ đơn), từ đơn với từ ghép.
Việc học và hiểu rõ khái niệm âm tiết ngay từ khi mới đi học rất quan trọng đối với trẻ học tiếng Anh.
Khi dạy trẻ Việt học tiếng Anh, một trong những khái niệm đầu tiên chúng tôi cũng phải dạy, đó là "syllable" (âm tiết), bởi từ vựng tiếng Anh khác với tiếng Việt. Nếu trong tiếng Việt, các tiếng được viết tách rời khỏi nhau, ngăn cách bởi một đoạn khoảng cách, thì trong tiếng Anh sẽ tồn tại các từ 1-2-3-4... đến tận 9-10 âm tiết, và tất cả các chữ cái được viết dính liền với nhau. Nên việc học và hiểu rõ khái niệm syllable ngay từ khi mới đi học rất quan trọng đối với trẻ học tiếng Anh, giúp chúng biết đọc một từ thành bao nhiêu phần âm thanh, đọc với ranh giới đúng, ví dụ computer sẽ đọc thành com | pu | ter chứ không phải comp | ut | er. Đây là hình minh họa về việc học syllable (âm tiết) của trẻ học tiếng Anh. Ở đây người dạy cũng lấy các hình khối Lego để làm đại diện cho mỗi syllable.
Người dạy cũng lấy các khối Lego để làm đại diện cho mỗi syllable.
Hoặc trong video clip này, Scratch Garden đã sử dụng 3 phương pháp:
Tiếng Anh cũng dạy trẻ đọc theo kiểu đếm số âm tiết.
DOG - từ có 1 âm tiết được biểu thị bằng 1 tiếng vỗ tay.
Từ APPLE có 2 âm tiết thì quả táo sẽ được chia làm đôi.
Từ LADYBUG có 3 âm tiết.
SALAMANDER được cấu tạo từ 4 âm tiết.
Khi cho trẻ 4-6 tuổi xem clip này, các bạn nhỏ vô cùng thích thú và hiểu ngay thế nào là syllable, chứ nếu hỏi trẻ những câu hỏi nhàm chán và trừu tượng "Từ này có bao nhiêu âm tiết?" thì quả là làm khó cho trẻ."