Bố mẹ đang vô tình khiến con hình thành hành vi xấu vì những cách dạy con này
Những điều tưởng như vô hại trong cách nuôi dạy con mà thực chất có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của trẻ sau này.
1. Không nhất quán
Bạn nói với con rằng con sẽ không được phép ăn thêm kẹo nữa. Con bạn bắt đầu ăn vạ khóc lóc và bởi không chịu nổi tiếng khóc và thấy phiền hà, bạn cho phép chúng ăn nhiều hơn so với quy định. Với cách hành xử này, bạn làm chúng tin rằng chỉ cần chúng ăn vạ khóc lóc, chúng sẽ nhận được mọi thứ mà chúng muốn. Đây là một trong những điều tối kị khi nuôi dạy con, theo các chuyên gia tâm lý.
2. Không thực hiện lời đe dọa trừng phạt
Tất cả chúng ta đã ít nhất một lần đều đe dọa trừng phạt theo kiểu rất “trống rỗng": Nếu con còn làm thế, con sẽ không được xem TV nữa/ Mẹ sẽ không bao giờ đưa con đi chơi nữa nếu con còn cư xử như vậy/ Con sẽ không bao giờ được ăn kem nữa…
Và sau đó điều gì xảy ra vẫn cứ xảy ra, còn bố mẹ quên luôn lời đe dọa/ lời hứa của mình. Đương nhiên những đứa trẻ vẫn tiếp tục làm những điều mà chúng không được phép làm lần nữa. Tại sao không khi mà chúng không phải nhận bất cứ hậu quả hay hình phạt gì?
Cách dạy con này còn khiến bọn trẻ dễ "lờn", vì chúng dần hình thành suy nghĩ "Mẹ chỉ dọa vậy thôi, không lo đâu!". Bởi vậy hãy thận trọng với mỗi lời nói ra với con. Đó là lời hứa, bạn phải thực hiện, đó là lời đe dọa, bạn phải nghiêm khắc thực hiện hình phạt nếu như con phạm lỗi...
3. Bào chữa vô ích
"Nó đang mệt/ Nó chỉ là một đứa trẻ/Chúng đang đói thôi mà".... là những câu quen thuộc mà các bậc phụ huynh đưa ra để bào chữa cho con mình. Đương nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng con cái hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Đó là điều không thể. Chúng có thể cảm thấy đói hạy mệt mỏi, hoặc đang ở thời điểm tâm trạng tồi tệ. Đặc biệt khi chúng còn nhỏ, việc thể hiện cảm xúc rõ ràng không phải dễ dàng. Và thêm nữa, ngay cả người lớn đôi khi cũng có thể bướng bỉnh, không nghe lời.
Tuy nhiên, việc thường xuyên bào chữa cho con thực sự là không tốt, nó sẽ dung túng cho nhiều hành vi xấu của trẻ và khiến trẻ có xu hướng phá vỡ các quy tắc bố mẹ đề ra.
4. Đe dọa
Theo các nhà tâm lý học, việc uy hiếp, đe dọa con là cách làm cha mẹ tồi tệ nhất. Nhiều thí nghiệm của các nhà khoa học chỉ ra rằng những đứa trẻ bị đe dọa trừng phạt bằng một hình thức hà khắc trong trường hợp chúng nói dối sẽ có nguy cơ nói dối nhiều hơn.
5. Hò hét
Sự thật là việc chúng ta cao giọng lên không có nghĩa là con chúng ta sẽ nghe và làm theo yêu cầu. Và thậm chí nếu chúng có làm theo, thì điều này cũng chỉ là nhất thời. Bằng cách lạm dụng biện pháp này, chúng ta có thể phá hỏng mối quan hệ giữa bố mẹ và con.
6. Đòn roi
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên bị đòn roi sẽ có xu hướng ngày càng hung hăng, thu mình và lòng tự tôn bị sụt giảm. Những đứa trẻ này thay vì tìm cách sửa sai thì lại nghĩ cách sao cho khỏi bị đau bởi roi vọt, trong đó có cách nói dối, trốn tránh hoặc đổ lỗi cho người khác.
7. Tươi cười, tán thưởng những hành động sai trái
Với bạn, con thật đáng yêu khi chúng dựa lưng vào một chiếc ghế và hát bài hát chúng yêu thích hay khi chúng lấy tay bốc thức ăn ở một nhà hàng công cộng nhưng với những người xung quanh, họ khó chấp nhận được điều đó. Những đứa trẻ sẽ tiếp tục cư xử theo cái cách chúng muốn nếu như bạn không nhắc nhở chúng nên làm gì ở nơi đông người.
Đương nhiên, có nhiều nguyên tắc phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ như một miếng bọt biển, chúng hấp thụ tất cả mọi thứ và không phân biệt được xấu tốt. Nếu như chúng không được cha mẹ chỉ cho biết sự khác biệt giữa điều gì là đúng và điều gì là sai thì tương lai khi chúng lớn, việc giáo dục lại sẽ còn gian nan hơn gấp nhiều lần.