Bố mẹ cần từ bỏ ngay 7 việc tưởng tốt mà hóa ra không tốt khi dạy con
7 điều đơn giản này là 7 việc mà cha mẹ phải từ bỏ để có thể nuôi dạy con mình lớn lên khỏe mạnh, tự do và hạnh phúc.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng đôi khi yêu thương đó đặt không đúng chỗ. Thay vì tôn trọng ý kiến của trẻ, cho trẻ được tự do, cho trẻ được quyền mắc sai lầm, được quyền ra quyết định thì lại có nhiều cha mẹ bảo vệ trẻ trong một vòng tròn mang danh nghĩa của yêu thương. Nâng như nâng trứng, hứng hoa, chỉ dẫn trẻ làm đến nơi đến chốn, khen ngợi trẻ quá nhiều hoặc quá nghiêm khắc với trẻ là những sai lầm của cha mẹ trong cách nuôi dạy con.
Dưới đây là 7 điều mà cha mẹ phải từ bỏ để đảm bảo cho con mình lớn lên khỏe mạnh, tự do và hạnh phúc vì được là chính mình chứ không phải là người bị gò ép về tinh thần lẫn thể chất, cố gắng sống theo sự mong đợi của cha mẹ.
1. Đưa ra lời hướng dẫn “con nên làm thế này, con nên làm thế kia”
Chúng ta không thể chối bỏ một điều là trẻ em cần phải được hướng dẫn khi trẻ tìm hiểu về những điều mới lạ, về thế giới xung quanh, nhưng điều này không có nghĩa là trẻ cần cha mẹ “cầm tay chỉ việc” phải làm gì trong mọi khía cạnh cuộc sống của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi trẻ những câu hỏi gợi mở để trẻ có thể tự suy nghĩ và đưa ra quyết định riêng của mình.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Terri LeMoyne thuộc trường đại học Tennessee, Mỹ thì trẻ em nào được cha mẹ “thả” tự do sẽ ít có khả năng bị các bệnh trầm cảm, lo âu khi trưởng thành. Trong khi những trẻ có “cha mẹ trực thăng” thì lại thường bị vướng vào những cảm xúc tiêu cực của sự thất bại.
2. Kỳ vọng không thực tế vào con mình
Hãy nhớ rằng trẻ em cũng là con người, và rằng không có người nào là hoàn hảo. Sẽ vô cùng căng thẳng với một đứa trẻ khi cha mẹ luôn tin và kỳ vọng rằng con mình là người học giỏi nhất, ngoan nhất và thậm chí là nhất trong tất cả mọi thứ, mọi lĩnh vực. Đó thật sự là một suy nghĩ sai lầm bởi chúng ta đều biết rằng mỗi người sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng khác nhau.
3. Bao bọc trẻ một cách thái quá
Trẻ em cần sự tự do để có thể trải nghiệm và đón nhận những sai lầm. Việc nhốt trẻ trong một vòng tròn mà cha mẹ cho là an toàn thì nghĩa là cha mẹ đã tước đoạt của trẻ những cơ hội được thử thách và khám phá bản thân. Dần dần, trong mắt trẻ đâu đâu cũng không an toàn ngoài vòng tay của cha mẹ. Kết quả là trẻ không có khả năng phục hồi, thái độ biết chấp nhận rủi ro trong tương lai.
4. Tước bỏ quyền quyết định của trẻ
Một kỹ năng quan trọng đối với tất cả người thành công là học làm thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn. Khả năng này cần được trau dồi ngay từ thời thơ ấu. Cha mẹ hãy giúp con đưa ra những quyết định trong việc lựa chọn cuộc sống. Chẳng hạn như cho trẻ toàn quyền quyết định trong việc chơi môn thể thao nào, chọn ngành học nào, làm việc gì. Và hãy tập cho trẻ thói quen ra quyết định từ bỏ, đồng thời cha mẹ nên chắc chắn rằng trẻ sẽ phải là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đừng cố gắng nói cho trẻ biết phải làm thế nào để viết một thư hoặc trải thảm đỏ cho cuộc sống sau này của trẻ.
5. Khiển trách khi trẻ mắc sai lầm
Mọi người đều có quyền mắc sai lầm, đặc biệt là những đứa trẻ. Ngoại trừ sai lầm này gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng thì cha mẹ tuyệt đối đừng đổ lỗi, thậm chí quan trọng hóa vấn đề hơn thực tế để la mắng hoặc trừng phạt trẻ. Trong thực tế, sai lầm chính là một “phương tiện” có giá trị đưa đến cho trẻ những kiến thức mới, những bài học mới. Ngồi xuống và nói chuyện với con về việc vì sao trẻ lại mắc sai lầm và trẻ học được gì từ những sai lầm ấy là lựa chọn tốt nhất dành cho cha mẹ.
6. Khen ngợi trí thông minh của trẻ
Trẻ nên được đánh giá cao bởi những nỗ lực hơn là ca ngợi trí thông minh, bởi nỗ lực mới giúp trẻ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống.
7. Đặt ra nhiều quy tắc trong gia đình
Một loạt các quy định gia đình quá cứng nhắc có thể khiến trẻ căng thẳng, lo âu bởi trẻ sợ mình sẽ vi phạm và bị phạt.
Ngoài ra, theo nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học thuộc Đại học Colorado-Boulder thì việc có quá nhiều các quy định trong gia đình là một trong những nguyên nhân kiềm chế sự sáng tạo ở trẻ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa một tuổi thơ nghiêm khắc và sự thiếu kỹ năng ra quyết định. Do đó, cha mẹ nên xem xét lại những quy định trong gia đình của mình. Nếu nó không cần thiết hoặc không quan trọng thì nên bỏ nó đi để trẻ được tự do phát triển.
Nguồn: Lifehack