Bi hài mẹ trẻ "giám sát" con qua camera của trường học
(aFamily.vn) - Tìm trường học tốt cho con là điều mà rất nhiều gia đình quan tâm: chăm con mình tốt, rộng rãi, thoáng mát, lắp camera… Từ cái “mắt thần” bé xíu kia đã gây ra biết bao bi hài cho chính bậc phụ huynh.
Phụ huynh gọi điện liên tục, cô sợ… chết khiếp
Đưa Bi - cậu con trai 2 tuổi tới lớp rồi phóng thật nhanh về công ty, dù bận rộn với hàng núi công việc nhưng việc đầu tiên mà chị Thủy Tiên (Quận 1, TP HCM) làm đó là bật thật nhanh máy tính, mở webcam, đánh password (mật khẩu) để vào ngắm con, xem thiên thần của mình đang làm gì trong lớp học.
Cứ khi nào thấy con thì chị mới thở phào nhẹ nhõm một cái, còn không thấy con đâu ngay lập tức chị Tiên sẽ gọi tới lớp kiểm tra. Dù cô giáo có giải thích rằng con đang đi vệ sinh, chị cũng nằng nặc bảo cho con nói chuyện với mẹ. Phải nghe thấy giọng lanh lảnh của con, chị mới an tâm dập máy, làm việc của mình. Với chị, chăm con là việc lúc nào cũng phải làm, dù bé ở nhà hay ở lớp.
Thấy con ăn nhanh, ăn chậm, chị lại gọi điện hỏi han cô xem con ăn được bao nhiêu, có đói không, khát không, sao lại ăn nhanh chậm bất thường thế.
1 ngày của con - Ảnh chụp màn hình máy tính của mẹ Ngọc Bear (Hà Nội)
Chị biết các cô giáo rất bận rộn tuy nhiên, chị phân bua rằng: “Ở nhà chăm con ăn cơm mãi mới xong 1 bát cơm vậy mà ở đây con ngồi chưa đầy 20 phút đã đứng lên, nên mình rất lo, sợ con đói, lấy sức đâu mà học tập”.
Thế rồi cứ đến giờ ngủ, thấy con cứ nhấp nhổm, quay ngang cựa dọc chưa chịu ngủ, chị lại gọi điện nhắc cô kiểm tra và lau mồ hôi cho con. Rồi có lúc thấy con hí húi chơi một mình chị cũng nhắc khéo cô “chơi cùng con, ai lại để cháu nó thế”.
Thế rồi có lần chị đang xem đến đoạn Bi thì thầm với bạn ngồi bên cạnh, chị giận sôi người khi "mạng mẽo kiểu gì mà bị giật tung người". Chị lại bấm số đến chất vấn các cô.
Tóm lại dù bé Bi đã học được hơn 2 tháng rồi nhưng trung bình một ngày không kể nhắn tin, chị gọi điện cho cô trên dưới 20 cuộc vì không nhắc cái này thì cũng nhắc cái kia.
Nhìn qua máy tính, nhiều bà mẹ yên tâm hơn khi thấy con
Cũng là một bà mẹ hay xem webcam của con đó là chị Mai Hoa (Minh Khai, Hà Nội). Cho bé Su 2 tuổi đi học là cả một sự cố gắng của chị. Chị định khi nào Su được 3-4 tuổi mới cho đi học nhưng vì Su nhát quá nên trước sự động viên của cả nhà, chị cố gắng cho con đi cho có cô có bạn.
Lắp camera là một trong những điều kiện tiên quyết mà chị chọn trường Sơn Ca cho con. Cứ đến công ty là chị lại dán chặt mắt vào màn hình máy tính để ngắm con.
Hôm đầu con khóc đã đành, hôm thứ 2, chị đau xót nhìn con khóc cả 15 phút mà chẳng có cô giáo nào đến dỗ dành, định đến trường ngay để hỏi ra ngô ra khoai. Cũng may khi gọi điện đến trường chị được biết đường truyền mạng đang gặp vấn đề "Thảo nào mà hình đứng im", chị nói.
Lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm “hóa ra không phải do con hoảng sợ”.
Thế nhưng 3 ngày đầu bị tra tấn bởi màn khóc dai dẳng của con khiến tâm trạng chị lo lắng khôn tả, chị dần bị stress vì thấy con mếu máo liên tục, rồi mỗi khi mở máy, chị lo lắng, hồi hộp không biết con có khóc hay không?
Làm việc chẳng xong, đầu óc chị suốt ngày quẩn quanh với hình ảnh mếu méo của Su, chị quyết định cho con ở nhà với ông bà “nhát cũng được, không khóc là mình yên tâm rồi, 3 tuổi đi học cũng không muộn”.
Mặc dù ai cũng nhận ra Su khác so với trước, chỉ 3 ngày thôi nhưng Su bạo dạn hơn hẳn, ăn uống quy củ, không mè nheo, thế nhưng cũng chỉ vì cái camera mà chị quyết định cho con nghỉ ở nhà.
Những hoạt động của con tại trường được các bà mẹ liên tục update
Bật webcam mỗi khi nhớ con
Chị Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng thường xuyên ngó nghiêng vào webcam xem con đang làm gì, tuy nhiên chị không chăm con thái quá như những trường hợp trên.
Chị nhớ lại, nhiều khi mệt mỏi với hàng núi công việc, bật máy tính nhìn thấy con đang ăn, nhoẻn miệng cười, chị vui lắm. Bé Mai con chị rất nghịch, thế nhưng đến lớp một thời gian ngắn, con ngoan hơn hẳn. "Có lần, bật webcam lên xem thì thấy cô nàng đang cưỡi lên lưng một cậu bạn cùng lớp. Mình cười đau cả ruột", chị Quỳnh cho biết.
Chị Phạm Ngọc và cậu con trai Hải Phong
Tương tự, sau khi đưa cậu con trai đáng yêu tên Hải Phong đến lớp, chị Phạm Ngọc (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lại nhanh chóng phi đến cơ quan bật máy tính để xem con đang làm gì.
Với chị, được nhìn thấy con là chị thấy yên tâm để bắt đầu một ngày mới làm việc. Việc lớp có lắp camera hay không không quan trọng lắm, điều quan trọng nhất là trường gần nhà tiện đi lại, sĩ số lớp vừa phải, không quá đông, rộng rãi, thoáng mát.
Chị tâm sự: “Mỗi ngày được 'xem trộm' con học, con chơi, xem con đứng giữa phòng, tay vỗ ngực xưng to: 'Hải Phong!' rồi bắt chước các bạn tập thể dục, mình thương con lắm. ‘Trộm vía’ con thương ba mẹ không khóc lóc”.
Chị tâm sự: "Mình cũng không đặt nặng vấn đề có hay không có camera nhưng những ngày đầu đi học có nó mình thấy cũng đỡ nhớ bé nhiều và cũng cảm thấy yên tâm hơn. Mình thấy nhẹ nhõm, an tâm mỗi khi nhìn các cô vỗ về lúc con khóc".
Chị Phạm Ngọc biết: "chỉ sau một thời gian ngắn nữa thôi, con sẽ tự tin hơn, trưởng thành hơn, sẽ líu lo kể chuyện ở lớp suốt chặng đường từ trường về nhà cho mà xem".
Tóm lại, Camera lớp học không phải là một tiêu chuẩn để chọn trường cho con. Cha mẹ chọn trường cho con nên dựa vào các tiêu chí như cơ sở vật chất tốt, giáo viên có trình độ sư phạm tốt, yêu thương trẻ thơ,... Cha mẹ nên tin tưởng vào lựa chọn chọn trường của mình. Một khi đã tin tưởng và cùng hợp tác với nhà trường, chắc chắn con trẻ sẽ phát triển tốt cả về nhân cách lẫn sức khỏe.
Bậc phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên trao đổi thông tin về con trẻ, phối hợp nhịp nhàng trong dạy dỗ để bé đi vào khuôn khổ, nề nếp.
“Con không đi học đâu, con muốn ở nhà cơ!”, tiếng khóc thét của bé Lan, 3 tuổi vào mỗi buổi sáng vang khắp cả khu phố.