Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ và nguyên tắc bố mẹ cần lưu ý để bảo vệ con

MKM,
Chia sẻ

Các bố mẹ hãy chú ý và dạy con mình cách tự bảo vệ bản thân khỏi người lạ để tránh tình huống trẻ bị bắt cóc một cách đáng tiếc.

Sau mỗi vụ bắt cóc xảy ra, cha mẹ lại lo lắng cho con cái mình, nhất là khi trẻ ra ngoài mà không đi cùng bố mẹ. Gần đây, câu chuyện cậu bé 9 tuổi người Indonesia mất tích 3 ngày mới tìm thấy một lần nữa nhắc nhở phụ huynh luôn phải dạy con những nguyên tắc để tránh rơi vào "bẫy" của những kẻ có ý đồ xấu.

Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ

Nạn nhân là cậu bé người Indonesia, 9 tuổi, tên là AL (tên đã được viết tắt), bị bắt cóc vào đầu tháng 10 năm 2018. Mẹ của bé - Enok - đã đi tìm kiếm điên cuồng đứa con của mình trước khi chấp nhận thực tế khắc nghiệt: con trai đã bị bắt cóc.

Những nghi ngờ này nảy sinh khi bố mẹ của W, bạn của AL, thông báo cho Enok về những gì đã xảy ra vào ngày AL bị mất tích. Ngày hôm đó, AL và W đang chơi game tại một quán cà phê internet ở Cicaheum, thành phố Bandung, Tây Java, Indonesia. Sau đó, một người lạ tiếp cận 2 bé. Hắn dụ dỗ 2 bé đi theo hắn. W và AL được đưa đến một khu nghĩa trang ở Cikadut. W, lúc bấy giờ sợ hãi, từ chối không đi theo người đàn ông nữa. Kẻ bắt cóc đánh W cho đến khi cậu bé bất tỉnh. Sau đó, người đàn ông để W lại trong khu phức hợp nghĩa trang và mang AL đi để thay thế.

Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ và nguyên tắc bố mẹ cần lưu ý để bảo vệ con - Ảnh 1.

2 bé trai đã bị dụ dỗ đi theo kẻ bắt cóc khi đang chơi game (Ảnh minh họa).

Khi biết AL là nạn nhân của vụ bắt cóc, Enok ngay lập tức báo cáo những thông tin cô có được cho Trụ sở Cảnh sát Bandung cùng bức ảnh của AL. Trong khi điều tra sự biến mất của AL, cảnh sát đã nhận được một báo cáo về một đứa trẻ được tìm thấy ở Sumedang, một thành phố khác cách xa thành phố Bandung, cũng thuộc tỉnh Tây Java.

Cảnh sát ở Bandung phối hợp với đồn cảnh sát của Sumedang thấy thông tin của AL phù hợp với đứa trẻ mà họ tìm thấy. Họ đã tìm ra sự kết nối: hóa ra đứa trẻ ở Sumedang chính là AL. AL đã xoay xở để trốn thoát khỏi kẻ bắt cóc mình.

Sau khi trở về vòng tay của mẹ, AL kể lại rằng kẻ bắt cóc đã bắt cậu bé phải đi bộ xuyên qua khu rừng giữa Bandung đến Sumedang. Trong suốt 3 ngày, AL không được cho ăn uống. Cậu bé buộc phải ngủ ở những khu vực ngoài trời như vỉa hè và trong nghĩa trang.

AL kể rằng sau khi đến Sumedang, lợi dụng lúc kẻ bắt cóc đang ngủ, cậu bé đã bỏ chạy. Người dân địa phương đã tìm thấy bé và đưa AL đến đồn cảnh sát Sumedang. Có được thông tin của AL, cảnh sát ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm kẻ bắt cóc.

Ngay khi biết cảnh sát đang theo đuổi mình, kẻ bắt cóc đã trốn sang thành phố Cirebon. Cuối cùng hắn đã bị bắt vào ngày 12 tháng 10 tại Cirebon. Theo Cao ủy Irman Sugema, Cảnh sát trưởng Bandung, kẻ bắt cóc, với tên viết tắt FZ, là một người nhặt rác. Hắn ta bắt cóc trẻ em để bắt chúng tham gia thu gom rác, kiếm tiền cho hắn.

Cách phòng tránh để con không trở thành nạn nhân của bắt cóc trẻ em

1. Đừng để con lang thang một mình

Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ và nguyên tắc bố mẹ cần lưu ý để bảo vệ con - Ảnh 2.

Không nên để trẻ lang thang một mình mà không có người lớn đi kèm (Ảnh minh họa).

Bố mẹ lưu ý dù bận đến mấy cũng không để con gặp bạn bè trong công viên hoặc ở đường phố một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Thậm chí, nếu không phải là bắt cóc, những nguy hiểm khác cũng có thể ẩn nấp trong bóng tối hoặc thậm chí làm tổn thương con. Đó là lý do tại sao điều quan trọng hàng đầu là luôn luôn giao con đi kèm với một người lớn đáng tin cậy mọi lúc, mọi nơi.

2. Hãy thận trọng với người lạ

Dạy cho con không tương tác với người lạ cũng là bài học quan trọng. Bố mẹ cần dạy cho trẻ biết rằng không có gì sai khi la hét và tạo tiếng ồn nếu chúng cảm thấy không thoải mái sau khi có một người lạ tiếp cận mình. Nhắc nhở con nói "Không", chạy, la lên và nói với người khác nếu con cảm thấy rằng đang gặp nguy hiểm hoặc khó chịu.

3. Chụp ảnh của con trước khi chúng đi ra ngoài

Một ý tưởng hay là chụp ảnh con trước khi chúng bước ra ngoài. Nếu con bị mất tích, bố mẹ có thể dễ dàng chia sẻ hình ảnh của chúng và cách chúng ăn mặc ngày hôm đó.

4. Luôn nắm tay con

Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ và nguyên tắc bố mẹ cần lưu ý để bảo vệ con - Ảnh 3.

Bố mẹ cần cố gắng tạo thói quen cho con luôn phải nắm tay bố mẹ mỗi khi đi ra ngoài (Ảnh minh họa).

Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ có xu hướng chạy lăng xăng khó kiểm soát. Bố mẹ cần cố gắng tạo thói quen cho con luôn phải nắm tay bố mẹ mỗi khi đi ra ngoài. Ở những khu vực đông đúc như sân bay, trung tâm mua sắm hoặc công viên, khu vui chơi giải trí, phụ huynh tuyệt đối không được rời mắt khỏi con.

5. Cho trẻ mặc quần áo dễ nhận ra

Một lời khuyên hữu ích là mặc quần áo cho với màu sắc tươi sáng để bố mẹ có thể dễ dàng trông thấy con trong các khu vực đông đúc.

Nguồn: Parent

Chia sẻ