Bé trai 11 tháng tuổi thủng thực quản suýt chết bởi chính món đồ chơi quen thuộc bà mẹ nào cũng dùng để dỗ con
Người mẹ cho con trai 11 tháng tuổi chơi thứ này nhiều tháng nay. Đến một hôm thì thấy con sốt liên tục 7 ngày không hết, thường sặc khi uống nước và bị khò khè phải đi viện thì đứa bé đã bị thủng thực quản, tính mạng nguy hiểm.
Ngày 22/3, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cứu sống một trường hợp trẻ mắc dị vật gây thủng thực quản và suýt nữa cắt thủng khí quản vô cùng nguy hiểm.
Bé trai 11 tháng tuổi bị mắc dị vật hi hữu.
Trước đó bé C.M.Đ (11 tháng tuổi, quê Phú Yên) nhập viện khi bị sốt 1 tuần lễ, thường xuyên bị khò khè và sặc khi uống nước. Bé không nôn ói, không than đau cổ/ngực.
Khoa Ngoại Tổng hợp, nơi đang điều trị cho bệnh nhi.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết dù kiểm tra nhiều lần bằng cả X-quang lẫn nội soi nhưng vẫn không tìm ra dị vật.
Trước tình trạng bệnh nhi ngày càng chuyển biến xấu về sức khỏe, các bác sĩ thống nhất lên phương án mổ hở để tìm ra thủ phạm làm bé bị viêm phổi nặng và nhiễm trùng. Ca mổ có sự phối hợp của bác sĩ Hô hấp, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng và Gây mê.
Bé được điều trị bằng thuốc nhưng không cải thiện.
Vì nằm ở người bé khá lâu (ước tính ít nhất 3 tháng), mảnh nhựa đã cắt gần đứt thực quản và tiếp tục đâm thủng khí quản rồi lọt vào vị trí giữa khí quản và thực quản.
Ca phẫu thuật hở diễn ra trong 7 giờ.
Ca mổ lấy dị vật ra khỏi người bé kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ. Đưa dị vật cho gia đình xem, mẹ bé phát hiện nó là mảnh nhựa trong chiếc lục lạc thường ngày bé vẫn thường chơi. Chị chia sẻ, cái lục lạc này mua và cho bé chơi trong thời gian khá lâu rồi.
Dị vật lấy ra.
Sau mổ 4 ngày, bệnh nhi được cai máy thở. Đến ngày thứ 7 hậu phẫu, em bắt đầu uống sữa lại và hiện phục hồi khá tốt.
Bác sĩ Trương Ánh Linh, khoa Tai Mũi Họng chia sẻ, dị vật tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ, chưa biết nói. Có đến 64% dị vật không cản quang (như đồ chơi bằng nhựa) nên khó phát hiện trên phim X-quang và khi CT-scan.
Do đó, cha mẹ nên thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ, giám sát kĩ con để tránh biến chứng đáng tiếc do dị vật thực quản không phát hiện được.
Bác sĩ khuyên cha mẹ nên thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ.
Trước đó vào đầu tháng 3/2019, một bệnh viện tuyến quận tại TP.HCM cũng cứu sống bé trai 8 tuổi nguy kịch vì có dị vật nằm trong phế quản.
Một số lưu ý khi cho con chơi đồ chơi các mẹ nên lưu ý:
- Luôn luôn giữ đồ chơi trên kệ hoặc trong một tủ đồ chơi riêng của trẻ. Đồ chơi của trẻ không nên để rải rác khắp nhà và sàn nhà vì chúng có thể vô tình khiến con bạn bị vấp ngã hoặc không thể bước qua khi đi lại hàng ngày đấy. Nếu như khi trẻ bỏ đồ chơi ra chơi xong, cách tốt nhất là bạn nên rèn cho trẻ ý thức nhặt nhạnh và gom hết các đồ chơi để vào đúng vị trí cần để.
- Nên chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nếu trẻ nhà bạn vẫn còn quá nhỏ thì một món đồ chơi được thiết kế cho một đứa trẻ lớn tuổi nên được giữ cách xa tầm tay trẻ vì những đứa trẻ thường rất tò mò, chúng có thể bất chợt khám phá ngay cả khi chưa được sự cho phép của bạn. Mà điều này thực tế có thể gây nguy hiểm cho bé nhà bạn khi chơi những đồ chơi không hợp với lứa tuổi của mình.
- Chọn đồ chơi một cách khôn ngoan. Các đồ chơi an toàn nhất là những những đồ chơi không có nắp đậy. Nếu có nắp đậy hãy chắc chắn chiếc nắp này chắc chắn, với sự hỗ trợ của khóa và bản lề an toàn. Hãy tìm các đồ chơi mịn, không có nhiều cạnh sắc và có các lỗ thông gió để tránh nghẹt thở nếu như con bạn sơ sẩy bị mắc kẹt bên trong.