Bé hay cáu giận, mẹ phải có chiêu

Phương Nguyễn,
Chia sẻ

Trước đây, Tít rất ngoan, bé cũng hiếu động nghịch ngợm nhưng mẹ chỉ cần nheo mày, bé sẽ hiểu ngay vấn đề. Nhưng gần đây càng ngày bé càng tỏ ra bướng.

Mẹ càng mắng, con càng gào khóc

Bé Vừng – con gái chị Thúy Quỳnh (Khâm Thiên, Hà Nội) vừa tròn 3 tuổi, cùng với niềm vui con nói rất sõi là việc cả nhà chị bị stress vì dạo này bé bướng bỉnh, lại hay cáu. 

Chỉ cần không hài lòng điều gì, Vừng sẵn sàng ném bất cứ thứ gì có trong tay, hoặc xông vào đá những gì thấy trước mắt. 

Một lần, bé đòi bế nhưng chị Quỳnh đang dở tay nấu nướng, bé phụng phịu chạy ra nhắc nhở, mè nheo mẹ liên hồi, chị nhẹ nhàng bảo: “Chờ mẹ 5 phút nữa thôi con nhé!”. 

Thế là bé gào khóc, chị mắng con vài lời thì bé càng gào lên to hơn. Chị cố tình đi nhanh ra phòng bên để cho bé 1 mình mà “biết sợ”. Thế mà bé vớ được quyển sách, chạy theo và ném vào mẹ nhưng may là bé ném trượt.

Anh Toàn – chồng chị bực mình và lo lắng trong cách dạy con. Anh bảo: “Chắc phải roi thôi!” nhưng chị gạt đi bảo không nên và nghĩ chắc do bé yêu mẹ và chờ lâu quá nên mới vậy.

Bé hay cáu giận, mẹ phải có chiêu 1
Bố mẹ Vừng rất đau đầu không hiểu vì sao bé ngày càng đành hanh đến vậy? (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, càng ngày bé càng tỏ ra ghê gớm, đành hanh. 

Dạo này, sau khi ngủ dậy bé có thói quen lôi đồ chơi vứt ra ngoài cửa sổ. Bố mẹ bảo thế nào bé vẫn không nghe, lờ tịt lời người lớn dặn. Chị đánh vào tay bé, bé phản ứng lại vừa khóc vừa cầm cái điều khiển trên tay quăng đi. 

Thế nào mà điều khiển tivi lại bay vào qua mặt chị tuy không đau lắm nhưng chị giả vờ kêu đau và ôm mặt khóc. Có vẻ hốt hoảng, bé chạy lại dỗ dành mẹ, tỏ ra hối lỗi và xoa xoa cho mẹ. 

Nhưng lần sau thì đâu lại hoàn đấy. Cứ đòi cái gì mà không ai đáp ứng thể nào bé cũng giãy đành đạch rồi ném đồ chơi, chăn chiếu xuống đất cho hả. 

Cùng tuổi với bé Vừng là bé Tít. Bố mẹ Tít cũng lo lắng và không biết phải trị tính hay cáu giận của con như thế nào. 

Chị Minh Tú (Gốc Đề, Hà Nội) – mẹ bé Tít chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy stress như thế này, bé luôn làm theo ý mình và tỏ ra thích thú mỗi khi làm trái ý người lớn. Nếu bố mẹ mắng, bé phụng phịu rồi gào khóc, dỗ kiểu gì cũng không xong. Mệt nhất là vừa cho bé ăn xong, bé gào nhặng xị rồi nôn trớ”. 

Trước đây, bé Tít rất ngoan, cũng hiếu động nghịch ngợm nhưng mẹ chỉ cần nheo mày thế là bé hiểu ngay vấn đề. Nhưng không hiểu sao càng ngày bé càng tỏ ra bướng. 

Hiểu được tâm trạng của con

Khi tức giận bé sẽ gào khóc, quăng đồ chơi, thậm chí còn cắn bố mẹ. Với bé dưới 1 tuổi, các bậc phụ huynh thường không mấy bận tâm với điều đó vì nghĩ tuổi đó chưa biết gì, nghịch như vậy âu cũng là lẽ thường. 

Thế nhưng, khi bước sang 2 tuổi, bé đã nhận thức được hành động của mình. Và khi sự tức giận biểu hiện bằng những hành động trái ý bố mẹ khiến phụ huynh nghĩ bé không ngoan nên tìm cách trị, kỷ luật. 

Việc bé không bằng lòng và phản ứng đúng là một thói quen không tốt. Là thói quen chứ không phải là tính cách mà thói quen thì hoàn toàn có thể thay đổi được. Vậy phụ huynh cần làm gì?

Hơn 2 tuổi, bé dường như đã hiểu được những việc mình làm, hiểu được thái độ của bố mẹ dành cho mình. Vì thế, khi thấy bé sai, bố mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho con: Tại sao con lại cáu giận, quăng đồ đạc?...

Bạn cần giải thích với bé rằng, thói quen quăng đồ đạc, gào khóc, bướng bỉnh là không nên vì khi quăng đi rồi thì “bé sẽ mất đồ chơi” chẳng hạn, bé gào khóc bướng bỉnh thì "bé sẽ không xinh"...
 
Khi con tức giận rồi ném đồ đạc, thay vì mắng hay đánh bé, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao con khó chịu và cả nhà cùng tìm hướng giải quyết. 

Bố mẹ có thể một vài lần chiều chuộng con một chút bằng cách cho đi tới nơi nào con thích để bé thư giãn đầu óc, thoải mái hơn. 

Những lúc bé không ngoan, bạn có thể gợi ý để khiến bé phân tâm bằng cách chỉ ra một việc khác hấp dẫn hơn rất nhiều. Kiểu đánh trống lảng này rất hữu ích để giúp bé bình tĩnh nhanh. 

Bạn cũng có thể đặt bé vào “chiếc ghế hư" – một chỗ nào đó trong nhà, không nhất thiết là góc tường, nơi bé chỉ được phép bước ra khi nào đã ngoan, nhận ra lỗi, không khóc nhè. 

Đôi khi cáu giận, quăng đồ đạc cũng là một cách gây sự chú ý của bố mẹ tới bé, bạn nên dành thời gian nhiều hơn cho con. Hãy để bé biết rằng bạn thực sự quan tâm đến cảm xúc của con. Bé sẽ thấy đuợc an ủi, được yêu thương nếu bố mẹ ở bên cạnh đúng lúc. 



Khi cơ thể không khỏe ở chỗ nào đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bỗng dưng khó tính
Bé hay cáu giận, mẹ phải có chiêu 2
Chia sẻ