Cứ cáu giận là bé quăng đồ

,
Chia sẻ

Cu Gôn (20 tháng tuổi) bị mẹ bắt đi tắm thì cáu nhặng, vớ siêu nhân, ném suýt vào người bà. Bà nội bực mình quát: ‘Đánh vào tay cho nó chừa đi. Bé tý đã bướng’.

Hạnh (mẹ cu Gôn) thấy con càng lớn càng ghê gớm. Động một chút là không hài lòng, rồi ném đồ chơi trên tay hoặc vớ được cái gì gần đó là ném cái ấy. Dù bà nội bảo phải dùng đòn roi nhưng Hạnh không đồng ý. Nhiều khi bình tĩnh, Hạnh nghiêm khắc nói: “Con không được làm thế” thì cu cậu có vẻ nghe lời. Tuy nhiên cũng có lúc Gôn gào khóc thì mẹ càng mắng, con càng gào to hơn.

Hạnh đang muốn tìm cách trị dứt điểm tật xấu này cho con mà không được. Có lần, bị con ném cái cốc vào người, Hạnh giả vờ đưa tay che mắt khóc. Cô thấy cu cậu có vẻ hoảng, lon ton ra nịnh mẹ. Nhưng những lần sau thì lại đâu vào đấy.
 
Láu cá hơn cả cu Gôn là cu Bin (2 tuổi) nhà Oanh. Mỗi lúc thấy con cáu, giơ đồ định ném là Oanh lườm con một cái. Thấy mẹ thế, cu Bin thụt ngay tay lại, mân mê đồ chơi. Lúc nào không thấy mẹ “lườm lườm” là bé thẳng tay ném luôn.
 



“Đang làm cà pháo muối, cháu đòi bốc, mình bảo ‘Không được nghịch’ thế là cháu cầm một vốc cà, ném luôn” – Oanh kể. Cu Bin thò tay vào cái gì, bị bố mẹ quát là lập tức nổi cáu, rồi vớ được cái gì là ném cái đó. Không nhanh tay cản con thì mấy cái cốc uống nước thủy tinh nhà Oanh cũng “đi tong”. Nhiều lần, vợ chồng Oanh nhẹ nhàng nhắc nhở con không được làm thế. Nhưng cũng có lúc, cả hai nổi nóng quát mắng con.

Còn Hiền Anh (mẹ bé Xíu) phải lắc đầu vì cô con gái “bướng hơn giặc” của mình. Thấy con hay cáu, lại thích quăng đồ lung tung, Hiền Anh tìm cách giả vờ không quan tâm. Thế nhưng bé Xíu cũng chẳng chịu “đầu hàng”. “Cháu chờ khi mẹ quay lại nhìn mới tiếp tục ném đồ” – cô chia sẻ.

Hiền Anh cũng áp dụng kinh nghiệm “vờ ném đồ chơi vào sọt rác để con sợ” mà cũng thất bại. Một lần, thấy con ném vèo con mèo Kitty  ra cửa, cô nhặt lại và ngọt ngào: “Ôi, khổ thân Kitty quá. Bạn Xíu không yêu Kitty rồi. Thế thì mẹ đành phải bỏ Kitty vào thùng rác thôi”. Tưởng sẽ dạy cho con bài học nhớ đời, ai ngờ, Hiền Anh thấy bé Xíu lon ton tìm thêm một bạn Kitty nữa trong giỏ đồ chơi, bỏ thùng rác cùng mẹ. Đến nước này, Hiền Anh cũng chỉ biết “chào thua” con.

Cùng bé kiểm soát hành vi

Cha mẹ nên hiểu rằng, với bé, ném đồ giống như một trò chơi. Ban đầu, bé có sở thích thả (làm rơi) đồ chơi, đập hai đồ chơi với nhau, đập đồ chơi lên bàn, ghế, sàn nhà... Dần dần, kỹ năng vận động ở bé tốt lên, bé hào hứng với trò thả đồ chơi có mục đích (thả rồi nhìn mẹ nhặt lại đồ chơi), quăng, ném đồ chơi...

Ngoài ra, bé còn thích cắn, giật tóc, lấy tay tát vào người, vào mặt mẹ. Với bé dưới 1 tuổi, cha mẹ thường không mấy bận tâm đến điều này vì nghĩ bé còn nhỏ. Tuy nhiên, khi bé bước vào giai đoạn chập chững, cho đến 3 tuổi, một số hoạt động kể trên xuất hiện, nhất là khi bé tức giận. Lúc ấy, cha mẹ thường nghĩ là do bé hư, khó bảo, ương bướng nên tìm cách quát mắng, phạt...
Khi bé lớn lên thì “cái tôi” của bé cũng bộc lộ rõ hơn. Biểu hiện buồn bực, chán nản, tức giận càng rõ nét. Quăng đồ khi tức giận, tát vào mặt mẹ khi nổi cáu cũng chỉ là một thói quen xấu ở bé, không phải tính xấu. Đã là thói quen thì hoàn toàn có thể sửa đổi cho bé.

Trước hết, cần giải thích cho bé cái gì ném được – cái gì không ném được, lúc nào ném được – lúc nào không ném được... Chẳng hạn khi cha mẹ cùng bé vui chơi ở một nơi an toàn thì việc ném đồ vật giống như một hoạt động tăng cường thể lực.

Thứ hai, nhắc nhở nghiêm khắc với bé không được ném đồ. Bé tức giận thì cần tìm hiểu nguyên nhân và hướng cách giải quyết. Hoặc chọn cách giúp bé giải tỏa như đi ra ngoài ăn uống, mua đồ, dạo chơi... chứ không phải dùng cách ném đồ.

Thứ ba, tùy từng bé mà cha mẹ có cách ứng phó thích hợp. Có bé chỉ cần thấy cha mẹ vờ như không quan tâm là tự chấm dứt trò vui. Có bé tưởng mẹ đem vứt đồ chơi đi là sợ, không dám làm nữa. Nhưng cũng có bé ương bướng thì những cách trên là vô tác dụng. Nếu càng quát mắng, bé càng làm tới và thói quen xấu càng khó sửa.

Nhiều cha mẹ yêu cầu bé nhặt lại đồ chơi để bé biết lỗi. Nhưng có khi bé càng gào khóc mà không chịu làm theo. Lúc này, có thể giải thích với bé không được ném thế. Sau đó, cùng rủ bé: “Hai mẹ con mình cũng nhặt nhé” hoặc nhặt giúp bé và nghiêm khắc nói: “Mẹ nhặt hộ con một lần thôi. Lần sau không được như thế”.
 
Theo Me&be
Chia sẻ