Bé gái 3 tuổi bị chó cắn đến hoảng loạn tinh thần và lời cảnh báo khi bố mẹ cho con đi dạo

Jia You,
Chia sẻ

Tai nạn đau lòng khiến cô bé 3 tuổi không những đau đớn về thể xác mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý vì chó Alaska hung dữ.

Vào tối ngày 19/11, cô bé 3 tuổi tên là A Manh cùng gia đình sống tại khu phố nhỏ thuộc thành phố Quỳnh Hải, Hải Nam, Trung Quốc. Như thường lệ, mẹ dẫn A Manh ra ngoài vừa hóng gió vừa cho con ăn. Cả hai mẹ con đang cười nói vui vẻ trong khuôn viên khu vực nhà ở thì bỗng đâu xuất hiện một con chó Alaska chạy đến và tấn công cô bé 3 tuổi. Quá sợ hãi, A Manh đã khóc rất to và la hét điên cuồng. Khi đó, trước mắt mẹ A Manh là một cảnh tưởng kinh hoàng, chị hốt hoảng chạy lại phía con gái la lên, nhưng con chó bị điếc nên không mảy may gì và tiếp tục tấn công cô bé một cách tàn nhẫn. 

Tiếng hét lớn của A Manh đã khiến những người xung quanh nghe thấy và mọi người liền chạy về phía con chó để giải cứu cho cô bé. Bên cạnh đó, họ cũng thông báo với ban quản lý khu vực để giữ con chó lại và liên lạc với chủ nhân của nó. Sau khi giải cứu A Manh, mẹ cô bé choáng váng và suýt ngất đi khi nhìn thấy người con mình toàn là máu. Những người dân quanh đó đã ngay lập tức đưa hai mẹ con đến bệnh viện.

Cho can 1
Gương mặt đáng yêu của A Manh bị khâu chục mũi do chó Alaska tấn công (Ảnh: People)

Theo kết quả kiểm tra cho thấy, mặt, đầu, lông mày, mũi, cổ  và nhiều nơi khác trên cơ thể của A Manh đã bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và khâu lại các vết thương trên khuôn mặt của cô bé. Sau khi hay tin, bố của A Manh vội vã đến bệnh viện và chết lặng khi nhìn thương tích trên người con mình. Anh nói với các phóng viên: "Bây giờ con bé đang bị hoảng loạn tâm lý, sợ người lạ, sợ tất cả mọi thứ. Tuy rằng chủ nhân của con chó đã giúp đỡ chúng tôi phí điều trị nhưng những vết thương mà con tôi đang mang trên mặt và những sang chấn tâm lý sau này, tôi không biết làm sao để giúp cháu vượt qua".

Câu chuyện đau lòng này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi bất ngờ và sợ hãi. Các chuyên gia thuộc hiệp hội bảo vệ động vật cũng đã có khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cảnh giác cao đối với những loài chó to như vậy. 

Cho can 2
Giống chó Alaska Malamute trưởng thành khi tấn công có thể gây tử vong nếu không được ngăn kịp thời (Ảnh: Internet)

Những năm gần đây, chó Alaska Malamute là giống chó được nhiều gia đình lựa chọn và nuôi lớn. Nếu được thuần chủng thì chúng sẽ vô cùng thân thiện với loài người. Tuy nhiên, điểm đáng sợ của giống chó này là chúng rất thích yên tĩnh, ít sủa, nhưng lại “âm thầm” tấn công từ phía sau. Thậm chí, một con Alaskan Malamute trưởng thành khi tấn công có thể gây tử vong cho con người nếu không được can ngăn kịp thời.

Vì vậy, những người nuôi chó nên cẩn trọng tuyệt đối và chăm sóc chúng kĩ càng. Khi dẫn chúng ra ngoài tản bộ thì nên buộc dây để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, những bậc phụ huynh có con nhỏ cũng không nên cho con tiếp cận với loài vật lớn và xa lạ như thế này để tránh bị tấn công bất ngờ.

Chẳng may con trẻ bị chó tấn công, phụ huynh cần phải:

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.

- Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, nhưng không nên băng quá kín nếu không chảy máu.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm văcxin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm văcxin.

Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Tiêm ngừa dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.

Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm văcxin. Khi tiêm văcxin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại văcxin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

(Nguồn: People)
Chia sẻ