Bà mẹ ôm con gái 5 tháng tuổi nhảy lầu tự tử, bị nghi mắc trầm cảm sau sinh nhưng câu nói của người chồng mới gây phẫn nộ tột cùng
Người chồng trở về nhà lúc 4 giờ sáng thì đến 5 giờ, chỉ 1 tiếng sau người vợ ôm con gái nhảy xuống từ sân thượng tòa nhà.
Vào chiều ngày 27/4/2020, người dân tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vô cùng đau lòng khi được biết, một bà mẹ 37 tuổi đã ôm con gái mới 5 tháng tuổi của mình nhảy lầu tự tử vào lúc 5 giờ sáng cùng ngày.
Bà mẹ tên Tô cùng chồng đều là bác sĩ, trong đó cô Tô còn là một bác sĩ đi du học nước ngoài về. Vợ chồng cô đã có một cậu con trai 7 tuổi, bé gái là con thứ hai của họ. Sau khi loại trừ khả năng bị sát hại, cơ quan điều tra và dư luận đổ dồn vào nghi vấn bà mẹ này bị mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm đó, chồng cô Tô mới trở về nhà, không rõ anh phải trực ca đêm hay ra ngoài chơi cùng bạn bè. Đến 5 giờ sáng thì cô Tô ôm con gái nhỏ nhảy từ sân thượng tòa nhà xuống, kết thúc sinh mạng của 2 mẹ con.
Ai nấy vô cùng thương xót cho cô Tô và em bé mới được 5 tháng tuổi. Không biết cô phải chịu đựng những tổn thương thế nào mà một người có kiến thức và hiểu biết như cô lại nghĩ quẩn đến mức như thế.
Chứng kiến cảnh vợ và con gái mới sinh qua đời, người chồng sụp xuống khóc lóc nhưng câu nói mà anh ta thốt ra lại là: "Tại sao lại mang con gái tôi theo?". Vẫn biết người chồng thương xót con gái nhỏ nhưng dường như anh đã quên bẵng đi người vợ của mình.
Ai nấy đều bàng hoàng phẫn nộ trước sự lạnh lùng, nhẫn tâm của người chồng đối với vợ. Đến đây có lẽ mọi người đều hiểu ra, mối quan hệ vợ chồng thường ngày của cô Tô chẳng mấy hạnh phúc. Cô lại vừa trải qua quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc con nhỏ. Chính điều đó đã khiến cô trầm cảm tới mức mất hết tỉnh táo, cuối cùng chọn cách kết thúc cuộc đời.
Nguyên nhân gây nên trầm cảm sau sinh
- Quá nhiều áp lực trong việc chăm con.
- Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sau sinh khiến cảm xúc cũng thay đổi theo.
- Không có sự an ủi, thấu hiểu của người thân.
- Gặp cú sốc lớn từ gia đình: chồng ngoại tình, ly hôn...
Để giúp bà mẹ sau sinh thoát khỏi tình trạng khó khăn, sự thấu hiểu của chồng và gia đình là rất quan trọng
Chăm sóc kỹ lưỡng: Mọi người trong nhà không nên chỉ tập trung sự chú ý vào một mình đứa trẻ. Cần phải biết rằng người mẹ vừa trải qua nỗi đau rất lớn cả về thể chất và tâm lý, họ cũng phải được chăm sóc thật chu đáo.
Chia sẻ kịp thời: Phụ nữ là người sống tình cảm, họ luôn có nhu cầu được chia sẻ khi họ không hạnh phúc, mệt mỏi hoặc lo lắng. Lúc này, chồng và gia đình phải luôn chia sẻ mọi khó khăn với người vợ, để cô ấy hiểu rằng mọi người cần mình, yêu thương và sẵn sàng làm chỗ dựa cho cô ấy.
San sẻ việc nhà: Mặc dù phụ nữ ở nhà trông con toàn thời gian nhưng người chồng không nên bất mãn vì vợ không kiếm ra tiền, cho rằng vợ phải làm tất cả mọi việc trong nhà là lẽ đương nhiên.
Người chồng cần giúp vợ hết mức có thể khi rảnh rỗi, đừng sai lầm mà đánh giá toàn bộ giá trị của một người dựa trên thu nhập. Hơn nữa, đứa trẻ là kết tinh tình yêu của hai người, vợ chồng phải cùng nhau nỗ lực mới có thể vun đắp nên một gia đình hạnh phúc.
Theo thống kê không đầy đủ, hơn 80% số người bị bệnh trầm cảm sau sinh có liên quan mật thiết đến việc bị gia đình thờ ơ, không gần gũi, chia sẻ. Một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể đánh bại hoặc làm tắt hy vọng cuối cùng của một người. Khi tính khí của người vợ trở nên "vô lý", đó có thể là tín hiệu cầu cứu mà cô ấy gửi cho gia đình. Lúc này mọi người trong nhà cần kéo cô lên, chứ không phải là đẩy cô xuống vực thẳm tuyệt vọng.