Ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đến các bà bầu
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, nhất là người già, trẻ nhỏ và đặc biệt với phụ nữ có thai thì còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Theo Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), khi mang thai, mẹ bầu cần một lượng gần như gấp đôi máu, oxy và dinh dưỡng cho cơ thể và thai nhi. Bên cạnh đó, thân nhiệt của phụ nữ mang thai luôn cao hơn người bình thường, cụ thể là 37,2-37,5 độ.
Sự thay đổi nội tiết khi mang thai cũng khiến thân nhiệt của sản phụ tăng cao. Chính vì thân nhiệt cao hơn, lại phải chịu nhiệt độ môi trường tăng cao như những ngày gần đây, sức khỏe của các thai phụ càng cần được lưu ý chăm sóc kĩ càng hơn.
- Nắng nóng khiến cơ thể ra mồ hôi làm tỏa nhiệt nhưng cũng rút dần nước cùng các acid amin, ure và muối (các chất điện giải) ra khỏi cơ thể.
- Cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, hơi thở nếu không được bồi phụ đủ sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước.
- Thai phụ còn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi không được bổ sung nước đầy đủ. Hậu quả có thể gây thiếu ối, dọa đẻ non, đẻ non.
Phụ nữ mang thai cần uống nước mỗi ngày, giúp bảo vệ mẹ và bé khi nắng nóng kéo dài. Đồ uống tốt nhất là nước đun sôi để nguội, ngoài ra có thể uống thêm các loại như nước cam, mơ, chanh tươi… Phụ nữ mang thai có thể uống khoảng 1,8-2 lít/ ngày.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe như chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Không nên ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao (giữa trưa). Khi sử dụng quạt hay điều hòa cần lưu ý nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch quá nhiều dễ gây sốc nhiệt.