90% các bà mẹ thường cho trẻ sơ sinh tắm nắng, bác sĩ cảnh báo đó là sai lầm nghiêm trọng!
Trẻ sơ sinh tắm nắng là vấn đề không còn xa lạ đối với các bà mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, theo bác sĩ CKII Đặng Thị Kim Huyên, viện hàn lâm y khoa của Hoa Kỳ và cả Việt Nam đều không đồng ý cho trẻ ra phơi nắng.
Thông thường, sau khi xuất viện trở về nhà, các sản phụ sẽ được khuyên nên cho trẻ sơ sinh tắm nắng hàng ngày. Bởi khi tắm nắng sẽ giúp trẻ hấp thụ được vitamin D. Nếu thiếu canxi và vitamin D thì hệ xương của con sẽ kém, không phát triển chiều cao. Trẻ có nguy cơ bị còi xương. Ngoài ra, việc cho con tắm nắng sẽ giúp trẻ hạn chế được bệnh vàng da sinh lý.
Tuy nhiên, theo bác sĩ CKII Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, viện hàn lâm Hoa Kỳ và cả Việt Nam đều không đồng ý cho trẻ ra phơi nắng.
Trẻ sơ sinh có cần phơi nắng không
Theo vị bác sĩ này, vitamin D là chất cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ giúp trẻ phát triển xương, tạo sự vững chắc cho cơ thể mà còn tham gia vào hệ thống miễn dịch. Thiếu vitamin D có thể gây ra bệnh về tim mạch, hen xuyễn, huyết áp,... Có thể nói vitamin D là một thành phần không thể thiếu trong hệ thống miễn dịch. Thiếu chất này, những đứa trẻ còi xương luôn luôn thiệt thòi nhiều thứ.
Tuy nhiên Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM chia sẻ, làn da của trẻ sơ sinh cực kỳ mỏng, vô cùng yếu đuối và đây là hàng rào bảo vệ cơ bản nhất của 1 đứa bé mới chào đời. Lượng Vitamin D muốn trẻ hấp thụ đầy đủ cho 1 ngày thì đa phần phải tắm nắng lúc trưa. Tuy nhiên vào khoảng thời gian này thì không tốt cho em bé. Chưa kể đến việc thời tiết các mùa, các địa điểm phơi nắng cũng khác nhau.
Tia cực tím có ba loại phổ biến: UVA, UVB, UVC. UV được viết tắt của chữ Ultra-violet nhưng chỉ có UVB mới có thể chuyển tiền vitamin D dưới da trở thành vitamin D hoạt tính. Tia này có cường độ cao đến mặt đất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Tuy nhiên, ở khoảng thời gian này, nhiệt độ nắng rất gắt không phù hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em. Chưa kể, nếu phơi nắng trong khoảng thời gian này, da bé sẽ hấp thụ thêm cả tia UVA nên càng hại cho sức khỏe gấp bội. Tia UVA là nguyên nhân thầm lặng gây những ảnh hưởng xấu đến cơ thể như lão hóa, đồi mồi, ung thư da,…
Ngoài ra cho trẻ sơ sinh tắm nắng quá sớm, sẽ làm rửa trôi hết lớp chất sáp màu trắng bao phủ khắp người con giúp bảo vệ da con. Lớp sáp này chứa các protein có tác dụng ngăn ngừa một vài nhiễm trùng thông thường. Do đó, nó đóng vai trò như một loại thuốc mỡ kháng khuẩn tự nhiên.
Việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh quá sớm có thể làm lượng đường trong máu giảm. Nhiệt độ buổi trưa cũng không tốt cho con.
Vì có quá nhiều bất cập khi cho trẻ sơ sinh tắm nắng, các bác sĩ đưa đến khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng tuổi cha mẹ nên uống vitamin D kéo dài ít nhất đến 12 tháng (theo khuyến cáo của viện Hàn lâm Y khoa Hoa Kỳ). Lượng vitamin D cần thiết trong thời kỳ này là 400 IU/ngày.
Sau khi bé đã lớn trên 12 tháng tuổi và đã có thể sử dụng sữa công thức hoặc sữa bò đảm bảo 1 ngày có thể uống được 1 lít trở lên, xem như lượng vitamin D trong sữa đủ cho cơ thể. Nếu trẻ không uống đủ lượng sữa, cha mẹ vẫn nên bổ sung vitamin D cho con. Sữa mẹ có rất nhiều kháng thể, dưỡng chất, chất béo … nhưng ngược lại vitamin D rất ít. Những đứa trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cũng cần bổ sung chất dinh dưỡng này.
Biểu hiện của những trẻ thiếu vitamin D:
– Thiếu vitamin D là nguyên nhân gây ra bệnh còi xương ở trẻ nhỏ, vì vậy trẻ bị còi xương thì chắc chắn trẻ đang bị thiếu vitamin D một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, không riêng trẻ bị còi xương mà có rất nhiều bé bị béo phì vẫn bị thiếu vitamin D.
– Cơ thể trẻ thiếu Vitamin D hay bị đổ mồ hôi trộm, ngay cả khi trời lạnh thì vẫn bị đổ mồ hôi.
– Tóc của trẻ không được khỏe, đen mà còn thường xuyên bị rụng tóc và rụng theo hình vành khăn. Đây là một trong những dấu hiệu dễ dàng nhân thấy nhất ở trẻ.
– Thóp rộng, chân vòng kiềng.
– Trẻ thường xuyên biếng ăn, táo bón.
– Chậm vận động.
– Khi bị nặng hơn thì có thể xương ngực của trẻ bị dị hình.
– Trẻ chậm mọc răng, chậm bò so với trẻ cùng lứa tuổi.
– Trẻ không được thoải mái hay khó chịu, quấy khóc, khi ngủ hay bị giật mình.