9 thói quen xấu bố mẹ cần bỏ ngay khi dạy con
Hãy nhận đi: Bạn cũng mắc phải những lỗi này. Thực ra đó là chuyện thường tình, vì nhiều người khác cũng vậy. Nhưng nếu muốn cải thiện thực sự mối quan hệ giữa bạn với bọn trẻ, đã đến lúc bạn phải thay đổi.
1. Phán xét các ông bố bà mẹ khác
Sai lầm này với ai thì cũng rất khó sửa. Chúng ta dễ dàng chỉ trích những người mẹ quát mắng con cái ầm ĩ ở quầy thanh toán siêu thị, hay bĩu môi trước một ông bố cho con thức khuya quá 11h. Nhưng thay vì tập trung năng lượng vào việc mắng mỏ cái sai, hãy dành nhiều thời gian hơn để nói về những gì ta đã làm đúng.
2. Tự dè bỉu mình
Có lần nào bạn tự trách mình bằng những ngôn từ không lấy gì làm dễ nghe cho lắm? "Trời, mình ngu quá!" là một thí dụ. Ai cũng có những lúc sai lầm nhưng hãy cân nhắc khi bạn tự mắng mỏ, trách móc mình quá tiêu cực, nhất là khi bọn trẻ đang ở gần đó và có thể nghe được. Trẻ con luôn hướng tới người lớn để cảm nhận sự an toàn, thoải mái. Chúng sẽ cảm thấy ra sao nếu biết bố hoặc mẹ chúng cảm thấy tự ti về mình dù chỉ là trong một tích tắc? Và nếu như chúng phải nghe những lời tự ti đó một cách thường xuyên, đừng bất ngờ nếu bạn thấy chúng cũng bắt đầu nói những lời tương tự về bản thân. Bài học rút ra ở đây là: Hãy trân trọng bản thân mình.
3. Không dành thời gian và không gian riêng cho gia đình
Lần cuối cùng bạn đi nghỉ mà không kè kè điện thoại bên mình hoặc cắm mặt vào chiếc máy tính bảng là khi nào? Cảnh tượng một gia đình vào nhà hàng nhưng cả bố lẫn mẹ đều dán mắt vào màn hình điện thoại và không ai nói với ai câu nào có quen thuộc với bạn hay không? Công nghệ hiện đại đã khiến chúng ta quá mắc nghiện, các bậc phụ huynh tỏ ra bận rộn hơn bao giờ hết nhưng thử hỏi tất cả những thao tác chạm, quệt, vuốt đó có giúp cải thiện mối quan hệ giữa bạn với lũ trẻ hay không? Hãy thử cách ly các thiết bị công nghệ một lúc lâu. Có thể đặt ra những quy tắc như không dùng điện thoại hoặc tablet sau 7h tối. Hãy trò chuyện với con nhiều hơn. Chơi cờ cùng con. Đi dạo cả nhà. Bạn sẽ bất ngờ với kết quả: Tâm trạng tốt hơn, kết nối với lũ trẻ nhiều hơn.
4. Giận cá chém thớt
Dù đó là chồng cũ/vợ cũ, họ hàng, bố mẹ chồng/vợ hay giáo viên của bọn trẻ, chắc chắn trong cuộc sống sẽ có lúc bạn phát điên vì những người đó. Nhưng hãy nhớ: chỉ thể hiện cảm xúc khi không có mặt lũ trẻ ở đấy. Chúng không cần phải nghe những điều tồi tệ về một người mà chúng yêu quý. Hãy giữ cho câu chuyện chỉ giới hạn giữa người lớn với nhau mà thôi.
5. Cố kiểm soát mọi chuyện
Chúng ta không bao giờ muốn nhìn thấy trẻ vấp ngã, tổn thương hay thất vọng. Nhưng cuộc sống là thế. Bạn không thể kiểm soát từng hành động nhỏ của trẻ, bởi chỉ có làm thử và trải nghiệm mới giúp trẻ trưởng thành. Hơn nữa, kiểm soát quá đà cũng khiến cho trẻ có xu hướng nổi loạn nhiều hơn. Hãy để cho trẻ có không gian để phạm sai lầm. Hãy cho chúng cơ hội rút ra bài học từ chính trải nghiệm sống. Điều đó về lâu dài sẽ tốt hơn cho chúng.
6. Chụp ảnh mọi thứ
Hãy chụp ít ảnh hơn. Xin đừng hiểu lầm. Chúng tôi không cố khuyên bạn vứt máy ảnh ở nhà vào dịp sinh nhật con, lễ tốt nghiệp hay kỳ nghỉ gia đình. Tất nhiên, bạn muốn lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt. Nhưng đôi khi, chỉ đôi khi thôi, hãy tạm quên đi chiếc máy ảnh để thực sự đắm mình vào những khoảnh khắc như vậy.
7. Dễ tính quá mức
Thật dễ dàng khi bỏ vài đồng cho bọn trẻ mua một cây kem/món đồ chơi/ ứng dụng và khiến chúng thỏa mãn. Nhưng đừng làm việc đó mỗi ngày, đừng chiều lòng trẻ quá đà, bằng không lũ trẻ sẽ không biết cách chấp nhận câu từ chối từ bạn. Hãy đặt ra những giới hạn để trẻ tuân thủ.
8. Giả vờ như mình đang có một khoảng thời gian tuyệt vời
Bạn và lũ trẻ cùng xem phim. Nhưng sau vài cảnh đầu tiên, bạn bắt đầu rút điện thoại ra, check email/gửi tin nhắn hoặc lướt Facebook. Bạn có thể chụp một bức ảnh ghi lại cảnh lũ trẻ đang say sưa xem phim rồi post lên Facebook với lời chú thích: "Khoảnh khắc ấm cúng". Nghe quen chứ? Đúng, có vẻ như tất cả chúng ta đều đã trải qua khoảnh khắc như vậy. Nhưng sự thật là bạn không hề gắn bó với hoạt động đó chút nào và bọn trẻ có thể cảm nhận được điều đó. Chúng có thể sẽ hỏi bạn: "Bố mẹ, sao bố mẹ không xem?". Chúng đủ nhạy cảm để biết là bạn đang không có cùng mối quan tâm với chúng.
9. Không nói "Mẹ/Bố yêu con"
"Mẹ/Bố yêu con", một câu nói đơn giản chỉ gồm 3 từ nhưng lại bị các bậc phụ huynh tiết kiệm đến khó tin. Họ không biết rằng, với con trẻ, cảm giác biết mình được yêu thương là một món quà vô giá. Bạn có thể cho chúng biết điều đó thông qua cả hành động lẫn ngôn từ. Hãy nói với chúng rằng bạn yêu chúng. Hãy để chúng nghe được những từ ngữ kỳ diệu đó. Điều này cũng đúng với cả những đứa trẻ đã lớn - không bao giờ là quá muộn để nói bạn yêu con cả.