8 điều cha mẹ nên làm trước khi quyết định đưa con đi nhà trẻ
Đi lớp sẽ là dấu mốc quan trọng với cả phụ huynh lẫn các bé, để con đến trường không nước mắt thì bố mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt về mặt tâm lý cho con.
Thời điểm bố mẹ quyết định cho con đi lớp tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình, tuy nhiên để con không sợ hãi việc đi học thì trước đó, bố mẹ nên dành ra một khoảng thời gian để con được làm quen với những thay đổi mới. Chị Mick Schiessl, một mẹ người Việt đang sống tại Đức đã có một khởi đầu thành công khi cho con đi nhà trẻ nhờ những cách mà chị đã thực hiện như sau:
1. Dẫn con ra ngoài chơi nhiều hơn, cho con làm quen với môi trường lạ và nhiều người lạ
Lần đầu con mình đi học là khi con 14 tháng tuổi, nhưng từ hồi còn bé tí, hễ có dịp là mình bế con ra đường chơi hoặc đi gặp bạn bè. Mặc dù càng nhỏ thì mỗi lần đi ra ngoài càng lỉnh kỉnh đồ đạc, nhưng mình muốn con biết về sự tồn tại của thế giới bên ngoài càng sớm càng tốt. Và kết quả cho thấy là dù ban đầu con có cảm giác ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ, nhưng nó qua đi rất nhanh chóng (khi ba mẹ ở gần đó), con cũng rất hiếm khi kéo tay ba mẹ đi chỗ khác vì thấy khó chịu với người mới gặp.
Ra ngoài nhiều không chỉ giúp con làm quen với thế giới bên ngoài mà còn giúp cơ thể con làm quen với khí hậu, phấn hoa, 1 ít bụi không khí nữa. Nhờ vậy mà con có sức đề kháng tốt, không bị dị ứng, khi không may mắc bệnh cũng rất nhẹ, sốt cao lắm cũng chỉ 1 ngày là hết (mà cũng chỉ có 1 lần bị sốt hâm hấp cả 1 ngày thôi, chứ các lần khác chỉ 1 buổi là hết).
2. Mẹ chủ động nói chuyện làm quen với các ông bố bà mẹ khác
Khi dẫn con ra ngoài thì điều quan trọng không phải là bạn khuyến khích con chơi với bạn khác bằng việc nhắc nhở, mà là cách bạn chơi với những người khác như thế nào. Tức là con sẽ thấy cách bạn bắt chuyện làm quen với các bậc cha mẹ mới, cách bạn giao thiệp và kéo dài cuộc trò chuyện trong tiếng cười, trong sự dễ dàng (chứ không hề căng thẳng hoặc khó khăn). Việc thấy cha mẹ làm quen với bạn mới dễ dàng cũng sẽ cho con niềm tin là con cũng làm được, chuyện tự nhiên thôi mà. Con mình có thể vì vậy mà khi đi học thì làm quen với thầy cô và các bạn mới rất nhanh, chưa thấy con không muốn đi học vì không có bạn chơi ở trường bao giờ.
Khi ra ngoài chơi thì bạn chịu khó đem thêm ít đồ chơi của con để con có thể tự chơi mà không cảm thấy bị phụ thuộc vào người khác, con cũng có thể học cách chia sẻ, cùng chơi chung với các bạn khác nữa.
Nhưng nếu con không thích chia sẻ ngay thì cũng đừng khuyến khích, đừng gợi ý hay ép buộc nhé. Chia sẻ nên là chuyện con tự quyết định, là chuyện con muốn tự nguyện làm.
3. Thỉnh thoảng ghé trường mới của con xem các bạn chơi, nhất là các trường lớp có không gian mở nhìn ra ngoài, và con nhìn vào được bên trong xem các bạn đang làm gì
Bạn dẫn con đi chơi, đi dạo để con quan sát, thấy các bạn đang làm gì hay thì khen vui và nói rằng sớm thôi con cũng sẽ được tham gia các hoạt động hay ho như vậy.
Nhưng bạn đừng ghé vào giờ đón con hoặc giờ vào học vì đông và các bé khác có thể đang khóc gào làm con tự nhiên sợ luôn. Còn nếu chỉ có thể ghé vào giờ đưa đón trẻ thì bạn hãy chọn thời điểm giữa năm học, hoặc cuối năm, khi các trẻ khác ít nhiều gì cũng quen với việc đi học rồi thì cảnh gào khóc trước cửa trường cũng sẽ không còn mấy nữa. Lúc đó thường con chỉ thấy các bạn vui vẻ đi học và vui vẻ ra về thôi.
4. Tập cho con thói quen sinh hoạt theo giờ giấc
Điều này đặc biệt cần thiết, nếu con bạn trước đây sinh hoạt không theo kỉ luật thì bắt buộc trước khi đi học cha mẹ hãy căn theo lịch sinh hoạt ở lớp để chỉnh giờ giấc cho con. Hãy chắc chắn là bạn tập cho con quen nếp ăn ngủ ít nhất 1 tháng trước khi đi học nhé.
Mỗi lần con đi 1 nhà trẻ mới là bọn mình đều nói chuyện trước với các giáo viên về giờ giấc sinh hoạt của con cũng như hỏi kĩ về giờ giấc của các trẻ ở trường. Thường khác biệt giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt ở nhà và ở trường chỉ trong vòng 1 tiếng thôi là được rồi.
Nếu được thì bạn tìm thêm các quyển sách viết về trẻ đi học mẫu giáo về cho con xem, ở trong đó có thể nói đến các trình tự sinh hoạt, từ khi các bạn được cha mẹ dẫn đến lớp, lúc chào tạm biệt, sinh hoạt chung, ăn ngủ... kiểu như vậy. Hồi đó chồng mình còn vẽ cho con 1 cái đồng hồ mô tả lịch sinh hoạt của con khi ở trường luôn. Kiểu con đến lớp vào giờ này, xong con ăn sáng, rồi con sinh hoạt buổi sáng với các bạn, rồi lại chơi, rồi ăn, rồi ngủ 1 chút, rồi lại chơi, rồi ba mẹ đón con về. Kiểu như vậy, nên hồi đó con mình đến trường là giống hệt luôn, không có bất cứ 1 điểm trở ngại nào cả.
5. Nói những chuyện vui con có thể có khi được đi học
Kể chuyện vui thì rõ rồi, có thể là chuyện vui của anh chị đi trước, kỉ niệm đẹp của chính cha mẹ ngày xưa, chuyện hài hước nhà hàng xóm. Cứ chuyện hay ho, có lợi về việc đến trường lớp, làm quen bạn mới và thầy cô mới thì bạn kể cho con nghe.
Các quyển sách của con mình rất hay kể về chuyện các bạn trẻ ở trường có thể được chơi vui thế nào, cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ đồ chơi, cùng dọn dẹp, các chuyến đi dã ngoại, cách giúp bạn mới/bạn nhỏ tuổi hơn, thậm chí là ai mới là người được đến đón bạn khi ra về. Hình ảnh lúc nào cũng là các bạn trẻ đang vui đùa cả, nên con mình luôn cảm thấy đi học là chuyện rất vui vẻ. Bạn có thể tìm thử các quyển sách tương tự như vậy, mình thấy nó rất hữu ích luôn.
Bạn cũng có thể tìm ra những điểm có lợi, những điểm tốt ở trường mà con có thể có. Ví dụ như 1 vài món đồ chơi nào đó chỉ có ở trường thôi, sau này cũng có thể là 1 vài người bạn nào đó mà con thích chẳng hạn. Con mình thích ăn, nên sáng sớm mở lớp bằng câu "đi nhanh đến lớp ăn sáng nào, hoặc con vào lớp nhanh rồi hỏi cô hôm nay bữa sáng là gì đi" là con hài lòng lắm luôn.
Tuy nhiên đừng vô tình gieo cho con các nỗi sợ. Kiểu như bạn bảo con hãy lo mà ăn đi/ngủ đi, không đến lớp là bị mắng đó, hoặc con không ngoan là các bạn không chơi với con nữa đâu... Các câu dọa như vậy thì tuyệt đối không nói.
6. Cha mẹ hạn chế tương tác với con khi con đã vào lớp (nhất là những ngày đầu khi con mới làm quen)
Mình nhớ như in hôm đầu đến lớp, lúc ban đầu con vẫn ôm chân mình, nhưng khoảng 2-3 phút sau khi cô giáo rủ con đi tô màu nhé, cô sẽ giúp là con đi luôn, đi rất nhanh, không quay đầu lại. Rồi sau đó mình lựa 1 cái ghế ở góc khuất, cứ ngồi im ở đó đọc sách, mình cũng chẳng nhìn con, thậm chí có vài bé đến làm quen thì mình cũng chỉ nói chuyện với bé 1 tí thôi, nhưng tuyệt nhiên không làm ồn, không ra vẻ ở đây đang vui lắm để thu hút con, và từ đầu đến cuối mình cũng không ra khỏi cái ghế đó.
Nhưng như vậy không có nghĩa là mình không biết con đang làm cái gì, mình biết thỉnh thoảng con cũng quay đầu lại nhìn mình, nhưng nếu con không chủ động đi lại phía mình thì mình sẽ xem như con vẫn ổn, vẫn làm chủ được tình huống. Cứ như vậy đó, con làm việc của con, mẹ làm việc của mẹ. Thường chỉ sau 1-2 ngày là con đã không cần mình ở đó nữa rồi. Lúc đó cô giáo còn bảo con dễ hòa nhập quá chứ có nhiều bạn sau 2 tuần làm quen mà vẫn không đến đâu, có bạn thì buộc phải trả về vì sau cả tháng vẫn không làm quen được. Nên tập cho con quen trước, cha mẹ nhé.
Sau này, khi con đã quen với việc đến lớp hàng ngày thì khi dẫn con vào lớp, cha mẹ ôm chào con nhanh chóng rồi đi luôn, đừng dây dưa nhé. Khi gặp lại vào cuối ngày thì ta vẫn còn nhiều cơ hội tình cảm mà.
7. Tập cho con đi ngủ sớm, ngủ đủ, tránh tình trạng sáng dậy đi học mà con không tỉnh nổi
Điều này rất quan trọng. Nhiều cha mẹ hay bảo sáng con không dậy nổi để đi học, đi học khổ sở không kịp giờ cũng chỉ vì con ham ngủ. Nguyên nhân chính là cha mẹ đã không sắp xếp được lịch sinh hoạt hợp lí dẫn đến tình trạng này.
Trẻ ở tuổi teen mới bắt đầu ngủ cho qua ngày đoạn tháng vì buồn, vì chán nản với cuộc sống, vì không biết phải làm gì cho hết ngày. Chứ trẻ dưới 7-8 tuổi sẽ rất hiếm khi cảm thấy như vậy. Với trẻ nhỏ, mỗi ngày mới là 1 ngày vui, thế nhưng cơ thể mệt mỏi đầu ngày vì ngủ không đủ thì ngày mới có vui mấy cũng không thể khởi đầu vui vẻ được.
Ngoài ngủ sớm, ngủ đủ, con mình còn được tập thói quen thấy đèn sáng là nhảy ra khỏi giường thay quần áo luôn, không chần chừ gì cả. Nhờ vậy mà đi học hiếm khi con lề mề, cũng chưa bao giờ đi muộn.
8. Tập cho con nếp ăn ngủ lành mạnh
Ăn uống ngủ nghỉ với trẻ là việc quan trọng của cha mẹ rồi. Con mình thì không gặp vấn đề gì với những chuyện này, nhưng đó là vì bọn mình đã lập cho con 1 nề nếp ăn ngủ từ khi con còn bé xíu. Chuyện ngủ thì tùy trường, cũng tùy độ tuổi. Sau 3 tuổi thì các con được trường cho phép không ngủ trưa nếu các con muốn, thế nên con mình mừng lắm, con không mấy khi ngủ trưa luôn. Nên mình cũng không có gì nhiều để nói đến chuyện ngủ này, chỉ là nếu con bạn không ngủ trưa giống con mình thì bạn cần căn chỉnh giờ ngủ ban đêm của con để con luôn đủ sức cho ngày hôm sau.
Chuyện ăn uống ở trường cũng đơn giản hơn. Đó là các bé sinh hoạt chung, ăn chung, nên chỉ cần có giờ giấc nghiêm chỉnh, vài bé tự ăn thì con cũng sẽ có động cơ ăn hơn. Dẫu vậy, bạn hãy tự tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh. Nếu con bạn tự chủ động ăn thì bạn đã bớt 1 mối lo rồi, con bạn cũng có thể trở thành động lực giúp các bé khác trong lớp ăn uống tốt hơn.