5 nguyên tắc vàng dạy con theo phương pháp giáo dục Montessori tại nhà: Muốn con tự lập, ba mẹ nên ghi nhớ những bí quyết này
Đừng để con hình thành thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ. Để bé tự lập thì đây là những điều bố mẹ nên làm.
Nhiều phụ huynh hay than thở con mình đã lớn nhưng không tự làm mọi việc, lúc nào cũng chờ bố mẹ làm giúp, không thì phải nhắc nhiều lần mới chịu làm. ''Con mình 4,5 tuổi rồi mà đến tự làm việc cá nhân còn khó'', ''con được bố mẹ làm cho quen rồi nên ỷ lại'', ''nhìn thấy các bé khác tự làm mọi thứ mà ngưỡng mộ, mình không biết nên dạy thế nào để bé tự lập nữa''... những lời phàn nàn của các bậc phụ huynh thực chất xuất phát từ chính phương pháp giáo dục của họ.
Muốn con thay đổi, bố mẹ cần phải có phương pháp. Thay vì quát tháo, cằn nhằn rằng vì sao con cứ mãi dựa dẫm vào bố mẹ thì người lớn nên thay đổi cách giáo dục con trước. Dưới đây là 5 nguyên tắc vàng dạy con theo phương pháp giáo dục Montessori tại nhà: Muốn con tự lập, ba mẹ nên ghi nhớ những bí quyết này.
1. Tôn trọng con
Thay vì ngăn cản, hãy đưa ra lời khuyên
Tôn trọng trẻ là cách người lớn thể hiện suy nghĩ, hành động và lời nói theo hướng tích cực, quan tâm đến cảm xúc và những nét cá tính riêng biệt của trẻ. Trẻ trong độ tuổi 3-6 hoàn toàn có suy nghĩ độc lập về bất cứ sự việc, sự vật nào, thay vì áp đặt bố mẹ chỉ nên là người đưa ra lời khuyên chứ không bắt con phải làm theo ý mình. Bố mẹ có thể khéo léo hướng dẫn, giải thích cho con lý do vì sao bé nên làm như vậy.
Ví dụ, con nhất quyết đi đôi dép vào một ngày trời đang mưa trong khi bố mẹ muốn bé đi ủng để không bị ướt tất. Tuy nhiên, con cho rằng vì màu sắc của đôi dép đẹp và con thích nó nên muốn đi dù trời mưa hay không. Nhiều bố mẹ có xu hướng quát mắng kiểu: ''Con bị làm sao đấy, đi thế cho ướt hết à''. Thay vào đó, nên nhẹ nhàng giải thích: ''Trời mưa đường rất ướt, con đi dép này khá trơn, nếu đi nhanh một chút có thể vấp ngã, chảy máu rất đau. Bố mẹ không muốn con gặp nguy hiểm nên theo bố mẹ, con nên đi ủng thay vì dép để đảm bảo an toàn''.
Hay khi trời lạnh mà con đòi mặc đúng cái váy màu hồng cộc tay, hay áo phông siêu nhân. Trong khi ba mẹ rất lo lắng sợ con bị lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thay vì ngăn cản, ba mẹ hãy nói lên cảm nhận của bản thân để trẻ hiểu: ''Mẹ biết con muốn mặc chiếc váy này, tuy nhiên mai trời lạnh, con mặc váy này mẹ sợ là con sẽ bị lạnh và ốm''.
Tiếp đó, ba mẹ có thể hỏi trẻ: Con có cách nào để vừa mặc chiếc váy yêu thích, vừa giữ ấm cơ thể không? Ba mẹ hãy để cho trẻ đưa ra các phương án hoặc gợi ý cho trẻ một số cách phối hợp đồ phù hợp. Như vậy, trẻ sẽ dễ vui vẻ chấp nhận hơn.
Không so sánh con với các bạn bè khác
Một trong những điều bố mẹ không nên làm nhất chính là so sánh con với những bé khác, ví dụ như anh chị em trong gia đình hoặc bạn bè của con. Mỗi đứa trẻ là một cá tính, màu sắc riêng biệt, không thể áp đặt từ bé này sang bé kia được, dù là với mục đích gì. Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương và cảm thấy mình kém cỏi nếu bị so sánh với các trẻ khác. Đó là lý do thay vì so sánh, ba mẹ hãy tôn trọng những gì con thể hiện, thường xuyên động viên, khích lệ con phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.
Việc so sánh chỉ làm thỏa mãn cảm giác của người lớn, cho rằng như vậy mà con sẽ tự thấy xấu hổ nên cố gắng nhưng thực chất kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Tốt nhất, chỉ nên so sánh trẻ với chính bản thân chúng, ví dụ như con đã làm tốt hơn hôm qua rồi, mẹ khen con, hay hôm nay con chưa làm tốt lắm nhưng không sao, mẹ biết là con đã cố gắng rồi...
Tôn trọng sở thích của con
Mỗi trẻ có muôn vàn sở thích khác nhau, bạn thích múa hát, bạn thích vẽ, bạn thích học Toán, bạn thích học Tiếng Anh, bạn thích màu hồng, bạn thích màu xanh… Ba mẹ hãy tôn trọng sở thích của con, cho con thỏa sức với đam mê, ý thích của mình. Bởi càng ép buộc trẻ theo ý mình, trẻ sẽ càng chống đối và khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nếu thấy con có sở thích chưa phù hợp, bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên. Nếu trẻ vẫn nhất quyết với ý kiến của mình, hãy tôn trọng con. Khi con là một người có chính kiến thì bố mẹ nên vui vẻ và chấp nhận điều đó.
2. Nguyên tắc thực hành
Đây cũng chính là một trong những nguyên tắc quan trọng khi áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục trẻ tại nhà. Những hoạt động thực hành tại nhà sẽ giúp con rèn luyện những kỹ năng tự lập để chủ động, sẵn sàng hơn trong cuộc sống. Bố mẹ không nên ỷ lại vào thầy cô trên lớp, giáo dục của bố mẹ tại nhà cũng vô cùng quan trọng.
Để bé biết nên làm việc gì và làm như thé nào, ba mẹ hãy cùng con lập bảng phân công việc nhà để con được tự làm những công việc trong khả năng như phụ mẹ rửa rau, củ, quả, lau bàn ghế, rửa chén, chuẩn bị bàn ăn, gấp khăn ăn, tất nhiên những hoạt động này cần sự hướng dẫn từ bố mẹ và đảm bảo con không gặp nguy hiểm khi làm bằng cách có sự giám sát của người lớn.
Ngay tại nhà, ba mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi đơn giản và sáng tạo, ví dụ như vẽ tranh bằng đồ vật có sẵn, làm đồ vật từ nguyên liệu đơn giản... Những trò chơi này không chỉ giúp bé có thêm kiến thức thực tế mà bố mẹ và con cái còn có cơ hội gắn kết thêm với nhau.
3. Nguyên tắc không khen/chê, thưởng/phạt
Người lớn hãy nhìn nhận lỗi sai của trẻ như là cơ hội để giúp con học hỏi. Vì thế, người lớn hãy nói ''không'' với khen/chê, thưởng/phạt, thay vào đó là khích lệ và kỷ luật tích cực. Ba mẹ không nên ''tâng bốc'' các bé bằng lời ''có cánh'' như ''Con giỏi quá'' mà nhẹ nhàng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của trẻ: ''Mẹ thấy con đã tập trung tô màu xong bức tranh của mình'', ''Ba mẹ thấy con đã hoàn thành bài tập của cô''...
4. Nguyên tắc tập trung
Theo phương pháp Montessori, khi trẻ đang tập trung vào công việc nào đó, ba mẹ nên lùi lại quan sát con, tránh làm ngắt quãng chu trình hoạt động của con. Ba mẹ chỉ can thiệp khi con đề nghị hỗ trợ hoặc gặp sự cố và nguy hiểm. Điều này sẽ giúp con rèn luyện khả năng tập trung ngay từ nhỏ. Sự tập trung rất quan trọng, giúp ích nhiều cho việc học tập lẫn cuộc sống sau này của bé.
Trẻ nhỏ thường không thể tập trung vào một thứ gì đó lâu, thế nên khi thấy con sẵn sàng và yêu thích điều gì đó, bố mẹ hãy dành lời khen cho bé.
5. Nguyên tắc tự do di chuyển
Đừng để trẻ trong không gian chật chội khiến trẻ không thể khám phá môi trường sống và thực hành các kỹ năng sống. Hãy cho trẻ tự do di chuyển trong các không gian trong nhà, tới vườn cây… để con có thêm cơ hội mở rộng thế giới quan, trau dồi hiểu biết về cuộc sống xung quanh và rèn kỹ năng vận động, sự tự lập, hợp tác linh hoạt...
Vào thời gian rảnh hoặc cuối tuần, bố mẹ nên cho con ra ngoài, đi dạo công viên, đi mua sắm, đi chơi cùng bố mẹ... Thi thoảng hãy để con được làm việc yêu thích như xúc cát, nghịch cát ở bãi biển, dậm chân vào vũng nước trong mưa... để con biết thêm nhiều điều kì diệu về cuộc sống.