Không phải là những món đồ chơi đắt tiền, đây là những điều đứa trẻ nào cũng muốn nhận được từ bố mẹ

San San,
Chia sẻ

Nếu làm được điều này, trẻ sẽ rất biết ơn bố mẹ đấy!

Một đứa trẻ từ khi sinh ra tới lúc trưởng thành trải qua rất nhiều giai đoạn. Mỗi thời điểm con lại có sự thay đổi trong tính cách đòi hỏi bố mẹ phải đồng hành, quan tâm, thấu hiểu và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp. Cách dạy con sẽ quyết định phần lớn tới tương lai của trẻ sau này. 

Nhiều người vẫn cho rằng dạy con thành công là cho con thật nhiều tiền, ăn sung mặc sướng, thế nên họ cứ đi biền biệt, mải mê công việc mà quên mất dành thời gian cho con. Những đứa trẻ sống trong tiền bạc nhưng thiếu tình thương sẽ chẳng thể phát triển một cách toàn diện. Điều con cần không phải là quần áo, đồ chơi đắt tiền mà là sự hiện diện và tình yêu của bố mẹ, đặc biệt là trong tuổi thơ của con. 

Nếu được bố mẹ quan tâm và nói những lời yêu thương thường xuyên, khi trưởng thành con chắc chắn sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc. Không chỉ thế, trẻ sẽ noi gương bố mẹ, biết cách đối nhân xử thế với mọi người và trở nên tử tế, cơ hội thành công cao hơn. Dưới đây là những câu nói nên nói với bé mỗi ngày để con cảm nhận được tình yêu của bố mẹ. Nếu được nghe chúng thường xuyên, các bé sẽ rất biết ơn bố mẹ mình. 

Không phải là những món đồ chơi đắt tiền, đây là những điều đứa trẻ nào cũng muốn nhận được từ bố mẹ - Ảnh 1.

Hãy trở thành bạn bè của con. Ảnh minh hoạ.

1. Bố/mẹ yêu con!

Hãy nói với con câu này mỗi ngày. Nhìn vào mắt con và nói bằng tất cả tấm lòng yêu thương của một người làm cha, làm mẹ, chắc chắn con sẽ cảm nhận được ý nghĩa của nó. Nói ra được lời yêu thương đồng nghĩa với việc bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn và bé cũng thế. Những lúc bực dọc hay giận dữ vì con làm sai, hãy cố gắng bình tĩnh và nói rằng ''mẹ yêu con, mẹ mong con sẽ sửa đổi, như vậy có được không''. Trẻ rất thích những lời nhẹ nhàng nên sẽ nghe theo lời bố mẹ. 

2. Nếu con không muốn ăn thì cũng không sao đâu

Trẻ con cũng có những ngày cảm thấy trong người không được khoẻ, con sẽ kén ăn, mệt mỏi và không muốn ăn món nào đó mà bình thường con vẫn thích. Lúc này, nhiều phụ huynh có tâm lý ép ăn, sợ con ăn không đủ nên bắt ăn cho bằng được, thấy con có dấu hiệu chán chường, thậm chí là buồn nôn nhưng vẫn không ngừng. Hành động này của bố mẹ khiến con vô cùng sợ hãi, về lâu dài hình thành tâm lý chán ăn, biếng ăn sinh lý, sợ bố mẹ. 

Nếu như nhận được câu gợi ý ''nếu con cảm thấy no rồi hoặc không muốn ăn cũng không sao, mình đợi tới bữa tiếp theo có được không'' thì trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy rất biết ơn. Đây cũng là cách cho con được cảm thấy thoải mái một chút trước khi tới bữa ăn tiếp theo, bé sẽ ăn ngon miệng hơn nhiều. Cha mẹ nên nhớ nuôi con không phải là bắt ép, nhồi nhét mà là khiến cho trẻ cảm thấy ngon miệng khi ăn, có như thế trẻ cũng sẽ khoẻ mạnh hơn. 

3. Con có mệt không?

Câu hỏi này từ bố mẹ sẽ khiến con cảm thấy mình luôn nhận được sự chăm sóc, yêu thương. Đôi khi chẳng cần lời nói ''đao to búa lớn'', những quan tâm nho nhỏ cũng khiến con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Điều này cũng khiến trẻ hiểu rằng bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho mình, từ đó cảm thấy yên tâm hơn trong cuộc sống và học tập.

Không phải là những món đồ chơi đắt tiền, đây là những điều đứa trẻ nào cũng muốn nhận được từ bố mẹ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

4. Hôm nay con đi học có những chuyện gì, kể với bố/mẹ nghe với nào!

Đây là câu mà ngày nào bố mẹ cũng nên hỏi trẻ, nhất là khi con vừa ở trường về. Ngay lập tức, bé sẽ kể rất nhiều chuyện xảy ra trong ngày, những câu chuyện ''trên trời dưới biển'' nhưng vô cùng đáng yêu. Trẻ có thể tâm sự chuyện bạn A không chịu cất đồ chơi, bạn B không ăn hết suất, bạn C nói chuyện trong giờ... Từ đó, bố mẹ có thể hỏi ''con nghĩ gì về chuyện đó''. Những mẩu đối thoại giữa ba mẹ và con cái lúc này chắc chắn sẽ rất sôi động, cũng là một cách để tìm hiểu xem con ở trường có vui không. 

Những lúc con kể chuyện, bố mẹ hãy cố gắng chú ý lắng nghe bé, không làm việc riêng. Chú ý biểu cảm của con và hồi đáp lại trẻ cũng là một cách thể hiện tình yêu thương của bố mẹ. Đây cũng là dịp để bố mẹ và con cái lắng nghe nhau, tìm hiểu kiến thức mới, cách xử lý tình huống qua những câu chuyện mà bé kể lại. Từ từ, con cũng hình thành thói quen muốn chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ. 

5. Con nói đi, bố/mẹ nghe đây!

Khi trẻ cảm nhận được sự yên tâm và bố mẹ cũng đang mong muốn lắng nghe mình, trẻ sẽ dễ dàng trút bầu tâm sự. Không dễ để nhận được niềm tin từ con cái, đặc biệt là với những chuyện riêng tư. Nếu như bố mẹ lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên thích hợp thì hẳn những đứa con của họ sẽ vô cùng hạnh phúc. 

Không chỉ nghe mà bố mẹ còn cần thông cảm, không mắng mỏ, tỏ ra khó chịu với những thắc mắc có vẻ ngây thơ hoặc lớn trước tuổi của bé. Thử tưởng tượng cứ nói chuyện là sẽ bị bố mẹ mắng thì liệu trẻ con muốn chia sẻ nữa không. Thế nên, hãy trở thành những phụ huynh điềm tĩnh, bình tĩnh, không cáu giận, có như thế trẻ mới sẵn lòng tâm sự với bố mẹ. 

Không phải là những món đồ chơi đắt tiền, đây là những điều đứa trẻ nào cũng muốn nhận được từ bố mẹ - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

6. Chúng ta cùng chơi với nhau nhé!

Lời gợi ý này thực sự đáng yêu đó bố mẹ ạ. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần cầm điện thoại lên là có háng tá những thứ cuốn hút. Càng lớn, con cái và bố mẹ đều có những không gian và thú vui riêng, trong khi bố mẹ thích tán gẫu, đọc tin tức trên mạng thì con mê chơi game, buôn chuyện với bạn bè, dần dần sở thích không giống nhau khiến con cái ngày càng xa rời bố mẹ. Chúng chỉ thích tâm sự với bạn bè mà thôi. 

Thế nên, khi nhận được lời đề nghị này từ bố mẹ, hẳn con sẽ cảm thấy rất thích thú. Cả nhà cùng chơi  một trò chơi, cùng thảo luận một vấn đề... chính là lúc tình cảm giữa các thành viên trong gia đình được gắn kết nhiều hơn. Dù có bận rộn cỡ nào cũng hãy cố gắng dành thời gian cho các con của mình, như thế chúng sẽ rất biết ơn bố mẹ đấy. 

7. Bố/mẹ cám ơn con!

Lời cảm ơn nghe có vẻ hơi trang trọng nhưng lại vô cùng cần thiết. Chúng ta không có thói quen nói lời cảm ơn với những người thân thiết nhất của mình, thế nhưng hãy thử nói ra và cảm nhận kết quả kì diệu của nó. Khi nói ra lời cảm ơn, bố mẹ sẽ thấy rằng mình thật sự vui và hạnh phúc vì con đã làm điều đó cho mình, ngược lại bé cũng sẽ cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích. 

8. Bố/mẹ xin lỗi con!

Cũng tương tự lời cảm ơn, nhưng lời xin lỗi lại khó nói ra hơn. Xin lỗi có nghĩa là chúng ta thừa nhận sai lầm của mình và mong con thứ lỗi cũng như sẽ sửa đổi để không tái diễn lần sau. Bố mẹ có thể thoải mái nói ra những lời này cũng sẽ hình thành cho con tâm lý và suy nghĩ rằng con cũng nên nói ra những lời cảm ơn/ xin lỗi với bố mẹ và cả những người khác. Một người biết nói lời xin lỗi/ cảm ơn đúng lúc đúng chỗ sẽ được người khác tôn trọng và khen ngợi. 

Chia sẻ