3 phương pháp dỗ trẻ nín khóc mang lại hiệu quả tức thì đã được khoa học kiểm chứng
Không phải tất cả các phương pháp dỗ trẻ nín khóc đều có tác dụng với mọi đứa trẻ, vì vậy các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn thử nghiệm đến khi tìm được phương pháp thực sự hiệu quả với trẻ.
Trẻ sơ sinh khóc theo bản năng. Khóc là công cụ của trẻ để giao tiếp với thế giới xung quanh khi khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển, để thu hút sự chú ý của cha mẹ khi không được cha mẹ chú ý và để thể hiện nhu cầu của bản thân như đói, lạnh, mệt mỏi, chán nản, v.v… Mỗi lần trẻ khóc lại khiến cha mẹ không khỏi lo lắng và tìm đến các phương pháp dỗ trẻ nín khóc. Tuy nhiên không phải tất cả các phương pháp đều có tác dụng với mọi đứa trẻ, vì vậy các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn thử nghiệm đến khi tìm được phương pháp thực sự hiệu quả với trẻ.
Dưới đây là một vài phương pháp cơ bản để dỗ trẻ nín khóc mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng.
#1 Bế ẵm, đung đưa trẻ
Phản ứng đầu tiên của các bậc phụ huynh khi trẻ khóc là bế trẻ lên và đung đưa trẻ theo nhịp. Về mặt khoa học, điều này đã được chứng minh là có hiệu quả qua một nghiên cứu do nhà khoa học Kumi Kuroda thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Thần kinh RIKEN ở Saitama, Nhật Bản thực hiện.
Phản ứng đầu tiên của các bậc phụ huynh khi trẻ khóc là bế trẻ lên và đung đưa trẻ theo nhịp (Ảnh minh họa).
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh bình tĩnh hơn rất nhiều khi được mẹ bế di chuyển, từ đó trẻ dần nín khóc và không còn gắt gỏng. Đi sâu lý giải hiện tượng này, các nhà nghiên cứu không khỏi ngạc nhiên trước việc nhịp tim của trẻ chậm lại trong thời gian ngắn và gần như ngay lập tức sau khi người mẹ di chuyển. Không chỉ có tác dụng làm chậm lại nhịp tim của trẻ, việc người mẹ bế trẻ và di chuyển cũng có tác dụng kích hoạt phản ứng cảm biến chuyển động trong hệ thần kinh do tiểu não của trẻ điều khiển.
#2 Vỗ về trẻ
Vỗ về trẻ cũng là một cách hiệu quả để dỗ trẻ nín khóc mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng. Tuy nhiên, không nhiều người biết vỗ về trẻ đúng cách để đạt được hiệu quả cao nhất.
Vỗ về trẻ cũng là một cách hiệu quả để dỗ trẻ nín khóc mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng (Ảnh minh họa).
Cách vỗ về trẻ nín khóc:
Đặt trẻ nằm sao cho trẻ không quay mặt về phía người mẹ. Đặt một tay lên vai trẻ để giữ trẻ nằm im và không quay người khi đang được mẹ vỗ. Dùng tay còn lại vỗ mông hoặc lưng trẻ thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Nếu vỗ mông trẻ, cần đảm bảo lực vỗ mạnh hơn để trẻ cảm nhận được qua lớp tã dày. Yếu tố quyết định tính hiệu quả của phương pháp này là vỗ cần đúng nhịp độ - ví dụ: vỗ trẻ theo nhịp tim người mẹ.
Ngân nga một giai điệu hoặc tạo ra âm thanh lạ tai có thể khiến trẻ ngừng khóc để lắng nghe. Tuy nhiên, nhiều trẻ tỏ ra không thích những âm thanh đó, vì vậy người mẹ nên điều chỉnh phù hợp với sở thích của trẻ. Khi trẻ bắt đầu yên lặng và thư thái hơn, người mẹ nên điều chỉnh chuyển động của tay chậm lại. Khi trẻ thực sự yên lặng, người mẹ có thể dừng hẳn động tác vỗ về nhưng hãy đặt một tay lên cơ thể trẻ trong một vài giây.
Bố mẹ cũng có thể vỗ về trẻ bằng hai tay:
Duy trì động tác vỗ mông hoặc lưng trẻ bằng một tay, sau đó bắt đầu vỗ vai trẻ bằng tay còn lại. Thay đổi động tác vỗ giữa hai tay nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì nhịp độ. Khi trẻ bắt đầu yên lặng và thư thái hơn, người mẹ nên điều chỉnh chuyển động của tay chậm lại. Khi trẻ thực sự yên lặng, người mẹ có thể dừng hẳn động tác vỗ về nhưng hãy đặt một tay lên cơ thể trẻ trong một vài giây.
#3 Hát cho trẻ nghe
Nếu muốn dỗ trẻ nín khóc, đừng nói chuyện với trẻ - hãy hát cho trẻ nghe. Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu do Giáo sư Isabelle Peretz thuộc trường Đại học Montreal (Canada) thực hiện.
Nếu muốn dỗ trẻ nín khóc, đừng nói chuyện với trẻ - hãy hát cho trẻ nghe (Ảnh minh họa).
Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh nín khóc trong thời gian dài gấp đôi khi được nghe nhạc so với khi được trò chuyện.
Trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu, 30 trẻ sơ sinh khỏe mạnh từ 6-9 tháng tuổi nghe các đoạn thu âm ghi lại giọng trẻ sơ sinh, lời nói của người lớn và các bài hát tiếng Thổ Nhĩ Kỳ không quen thuộc với trẻ.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu Mariève Corbeil cho biết: “Khi nghe các bài hát tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, trẻ im lặng trong một khoảng thời gian trung bình là xấp xỉ 9 phút.” Với lời nói, thời gian trẻ bình tĩnh rút ngắn còn khoảng một nửa, trung bình hơn bốn phút với giọng trẻ sơ sinh và dưới bốn phút với lời nói của người lớn.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã kiểm nghiệm kết quả cuộc nghiên cứu bằng cách cho một nhóm trẻ sơ sinh khác nghe đoạn thu âm giọng hát của người mẹ và nhận được hiệu ứng tương tự. Giáo sư Peretz giải thích: “Thậm chí trong môi trường nhàm chán của phòng nghiên cứu – với các bức tường trắng, ánh sáng mờ nhạt, không đồ chơi, không người và không có các yếu tố kích thích xúc giác – giọng hát của người phụ nữ vẫn có thể duy trì trạng thái lạc quan và bình tĩnh của trẻ cũng như giải tỏa áp lực cho trẻ.”
Đó là bởi con người có khả năng “cảm thụ âm nhạc tự nhiên”, và với người trưởng thành và người lớn hơn, khả năng đó được thể hiện qua hành vi thẩm âm như dậm chân hay lắc đầu. Mặc dù không có hành vi tương tự, nhưng trẻ sơ sinh cũng bị âm nhạc cuốn hút.
Nguồn: Raising Children/ Live Science/ Kidspot