2 triệu người chết mỗi năm, căn bệnh này cực kỳ nguy hiểm cho trẻ em
Nếu trẻ bị lây lao từ người thân thì nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều, vì thế, mỗi khi phát hiện lao cần chủ động tầm soát để chặn nguồn lây cho trẻ cũng như các thành viên khác.
Phổi trắng xoá vì lây lao
Mới đây, bé trai V.T.N, 6 tháng tuổi, ngụ tại An Giang đang được điều trị tích cực tại BV Nhi đồng Thành phố sau 3,5 tháng ròng rã và hơn nửa tháng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vì bị lao phổi.
Theo mẹ của bé lúc bé vừa sinh thì chồng chị phát hiện lao phổi, điều trị tấn công tới tháng thứ 2. Sau đó, bé có biểu hiện sốt, ho liên tục. Gia đình đưa bé nhập viện địa phương nhưng uống thuốc không đỡ, bé ngày càng khó thở nên chuyển lên BV Nhi đồng Thành phố. Tại đây bác sĩ phát hiện bé bị lao phổi bẩm sinh vì lây từ lúc lọt lòng từ bố của bé.
Trong quá trình điều trị, kén khí do các ổ lao vỡ liên tục gây tràn khí màng phổi cho bé 4 lần. Bé phải thở máy kéo dài, suy hô hấp nặng đến thở máy rung tần số cao, lệ thuộc oxy hơn 3 tháng tưởng chừng không còn cơ hội sống…
Phổi trắng vì lao.
Nhờ được theo dõi điều trị tích cực hơn 3,5 tháng tại Bệnh viênn, phổi bé sáng dần lên, mô phổi giảm tổn thương và thông khí ngày càng hiệu quả, các kén khí lớn giảm rõ rệt nên bé đã cai được máy thở.
Sau khi đánh giá nguy cơ tràn khí màng phổi và suy hô hấp có cải thiện và ít có khả năng tái phát, bé được chuyển viện đến BV Phạm Ngọc Thạch để điều trị tiếp tục phác đồ lao vào nửa tháng trước.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, tại Việt Nam cũng ghi nhận nhiều trẻ em mắc phải lao phổi do nguồn lây từ gia đình, cộng đồng.
Bác sĩ Nhung cho biết, nhiều người nghĩ tiêm phòng mũi lao cho trẻ có thể phòng lao phổi cho bé luôn, nhưng thực tế mũi tiêm phòng lao cho bé mới sinh đến 1 năm tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia chỉ có tác dụng dự phòng mắc các thể lao nặng như:
Lao màng não, lao kê, lao toàn thể chứ không ngăn chặn được nhiễm lao, còn lao phổi thì ít có tác dụng nên trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải bệnh lao nếu trong gia đình người thân mắc bệnh lao.
Trẻ mắc lao phổi cực kỳ nguy hiểm
Theo PGS Nhung, Việt Nam là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm, nước ta có khoảng 130 người mắc lao mới, trong đó có hơn 5500 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và 6% trong số đó là lao siêu kháng thuốc.
Mỗi năm lao vẫn gây tử vong cho gần 2 triệu người trên thế giới và nguyên nhân chính là do vi khuẩn lao. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017 thì số tử vong do lao đã giảm khá nhanh, nhưng vẫn có tới 13.000 người chết do lao nghĩa là mỗi ngày vẫn có 36 người chết, cái chết không đáng có vì có thể phòng và chữa được.
PGS Nguyễn Viết Nhung
Nếu trẻ nhỏ bị lây nhiễm vi khuẩn lao thì nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều vì thời kỳ này sức đề kháng miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn chỉnh, vi khuẩn vào cơ thể sẽ rất dễ phát triển, chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao, dễ lan tràn toàn thân gọi là lao toàn thể, hay còn gọi là lao kê vì tổn thương ở khắp các bộ phận dưới dạng những hạt tổn thương như hạt kê và nguy cơ tử vong rất cao.
PGS Nhung cho biết, nếu trong gia đình có người thân bị mắc lao thì các thành viên trong nhà được khuyến cáo nên làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh lao để xem có mắc lao không, nếu loại trừ chưa mắc lao thì nên uống thuốc dự phòng, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Uống thuốc dự phòng bệnh lao tốt cho trẻ vì giảm nguy cơ mắc lao và thuốc này ít tác dụng phụ với trẻ hơn.
PGS Nhung nhấn mạnh: "Nói như vậy không có nghĩa là người mắc lao có lỗi, chỉ có lỗi khi giấu bệnh. Ai cũng có thể bị mắc lao, không có ai được miễn trừ mắc lao.
Khi mắc lao cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Các thành viên trong gia đình cần có trách nhiệm động viên, hỗ trợ cho người thân của mình vượt qua khó khăn, chữa khỏi bệnh lao đó chính là bảo vệ cho chính bản thân mình".
Nhiều trường hợp mắc lao nhưng không được phát hiện sớm, nguy cơ lây cho người thân rất lớn. Bác sĩ Nhung khuyến cáo, khi có các triệu chứng như ho, sốt, sụt cân, ra mồ hội đêm, chán ăn, mệt mỏi cần đi khám sàng lọc bệnh lao. Người bệnh sẽ được chụp X-quang phổi nếu nghi ngờ lao sẽ làm thêm xét nghiệm đờm.
Chương trình chống lao Quốc gia khuyến cáo, nếu có triệu chứng hô hấp như ho sốt nặng ngực khó thở tái đi tái lại nhiều lần hoặc điều trị bằng các thuốc thông thường nên được chụp phim X-quang ngực thường quy để sàng lọc lao phổi. Nếu có bất thường trên phim X-quang phổi cần làm xét nghiệm đờm và các thăm dò sâu hơn để xác định.
Không nên chữa thăm dò mò mẫm để chậm thời gian phát hiện dẫn đến bệnh nặng, ho ra máu … không những nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh mà còn nguy hiểm cho những người thân vì kéo dài thời gian lây.
Nếu phát hiện bệnh, điều trị đúng phác đồ thì ngay lập tức đã giảm đáng kể khả năng lây truyền. Mọi người đều cần thực hành vệ sinh ho khạc đó là che miệng khi ho, không khạc đờm ra môi trường.
Ngay cả những gia đình không có điều kiện kinh tế cũng không còn lo ngại nữa vì khi phát hiện bệnh lao, nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao PASTB sẽ hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nếu có phải nằm viện mà cần chi phí đồng chi trả quỹ PASTB cũng hỗ trợ hoàn toàn.
Hiện nay, Việt Nam có kết quả điều trị bệnh Lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể Lao, cung cấp dịch vụ điều trị Lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán và điều trị Lao tiềm ẩn. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc Lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới.