Xúc động bức thư của bố viết tặng con sắp chào đời
Bức thư có tiêu đề “From papa with love” là những dòng tâm sự, trăn trở thật lòng nhất của một người cha dành cho đứa con trai đầu lòng của mình.
Con trai à,
Con còn 2 ngày nữa để cân nhắc việc sẽ chào đời bằng cách nào, hãy suy nghĩ và cho bố mẹ biết tín hiệu nhé. 9 tháng 10 ngày trong bụng ấm của mẹ là "maximum" rồi. Giờ là lúc con phải bắt đầu một cuộc sống như bao người khác thôi.
Con sẽ bỡ ngỡ lắm đấy bởi nó sẽ khác rất nhiều với cuộc sống của con trong hơn 9 tháng vừa qua. Nếu như hiện tại con vẫn đang phải nằm co lại, chật chội thì sắp tới sẽ được duỗi chân, duỗi tay thoải mái. Nếu như trước giờ con chỉ biết lắng nghe và phản ứng bằng cách đạp đạp chân thì sắp tới sẽ được "có ý kiến" hẳn hoi mỗi khi không vừa lòng. Từ việc cả ngày chỉ nhìn thấy một màu tối om xung quanh thì rồi con sẽ được thấy ánh sáng mặt trời, bằng rất nhiều màu sắc rực rỡ và bằng những cái nhìn âu yếm ngập tràn yêu thương của mẹ, của bố, của ông, của bà... Thực ra có một điều mà chắc chắn cuộc sống ngoài này không thể nào sánh được với khi còn trong bụng mẹ, đó là sự yên bình. Nhưng con đừng lo, bố biết cách để giữ yên bình cho con.
Con biết không, bố mẹ, ông bà nội ngoại đã chuẩn bị cho con rất nhiều đồ đạc đấy. Từ bình sữa, nôi, chậu tắm, sữa tắm, quần áo đẹp, bao tay, bít tất... cho đến những cái ngoáy tai nhỏ xíu cho vừa với tai của con. Bà nội thì đã và đang hoàn thành dần "bộ sưu tập" áo len bà đan cho con, bà ngoại thì "trực chiến 24/24" đi ra đi vào nghe ngóng... bố tin con cũng cảm nhận được và sau này sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông bà, bố mẹ.
Và cũng nhờ có con mà mọi người tạm quên những phiền muộn khác từ cuộc sống.
Thay cho những áp lực vật lý, sinh lý học trong bụng mẹ, khi ra đời mọi đứa trẻ thường sẽ phải chịu những áp lực khác thay thế. Bé thì áp lực ăn ngủ đúng giờ, áp lực phải ngoan cả ngày không được khóc, lớn hơn chút thì áp lực phải biết tự xúc cơm ăn hay ăn cơm không được... ngậm, rồi thì phải nhai kỹ hay thậm chí là áp lực phải biết nói hoặc ra dấu mỗi khi... buồn tè. Lớn nữa là áp lực từ học hành và áp lực của những kỳ vọng mà ông bà, bố mẹ đặt vào mình... và còn nhiều loại áp lực khác nữa. Đấy là những áp lực mà theo bố là không tránh được con ạ, nhưng bố sẽ dạy con cách sống chung với chúng, biến chúng thành điểm tựa của thành công sau này.
Bố không hứa được chắc chắn sẽ cho con một cuộc sống màu hồng (màu hồng giải thích để con biết là màu mà mọi người thường ví với sự no đủ và sung sướng) vì thực sự bố chẳng có gì để cho con, nhưng bố chắc chắn sẽ hướng dẫn được để giúp con có được một cuộc sống như vậy. Bức tranh cuộc sống của con bố chẳng thể vẽ thay, nhưng bố có thể cho con bút và giấy và bố tin con sẽ vẽ rất đẹp.
Sống trên đời điều hạnh phúc nhất là được theo đuổi đam mê của mình, và hoàn mỹ nhất là đam mê đó đảm bảo được về mặt kinh tế cho bản thân, gia đình. Do đó, nếu như đâu đó vẫn còn nhiều gia đình mong muốn con cái sau này phải trở thành bác sỹ, giáo sư, thì với bố, con sẽ được tự do theo đuổi sở thích của mình, miễn là phải cố gắng theo đuổi đến cùng và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Nếu là họa sỹ thì phải có tác phẩm để đời. Nếu là nhà văn thì phải để lại tên tuổi. Nếu là cầu thủ bóng đá thì phải thi đấu cho Manchester United. Hoặc nếu là tài xế thì phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Áp lực không? Có chứ, rất nhiều, nhưng là áp lực cần có mà con nên tự tạo cho mình nếu muốn thực sự trưởng thành.
Để đạt được những điều đó, theo kinh nghiệm từ những đổ vỡ của bố thì đầu tiên con phải học cách sống có trách nhiệm, phải là một người đàn ông có trách nhiệm với bản thân và gia đình mình. Trách nhiệm với những việc làm của mình. Khi đó con sẽ là một người đàn ông thực thụ.
Và một trong những trách nhiệm cơ bản đầu tiên của một người đàn ông trưởng thành là không để người thân yêu phải lo lằng, vì vậy hãy khóc thật to khi chào đời để bố mẹ thấy an tâm về con ngay từ những phút giây đầu tiên nhé.
Hẹn gặp con 2 ngày nữa, con trai của bố!