Xử trí ra sao khi trẻ "bật lại" bố mẹ

Hưng ĐInh,
Chia sẻ

Khi bé đang bực bội, phần suy nghĩ đúng đắn trong đầu bé bị nhỏ lại và chúng đang ở trong tư thế chiến đấu, tìm mọi cách để "bật lại" bạn nên dễ tỏ thái độ thiếu tôn trọng.

Một ngày chơi cùng con đã hết, bạn thông báo với trẻ trước 5 phút rằng đã đến giờ phải về nhà, và bạn nghĩ là mọi việc sẽ diễn ra theo như ý muốn. Nhưng bỗng dưng bé "bật lại": 

- "Không, con không muốn về. Mẹ chẳng bao giờ cho con làm gì cả".

Bạn cảm thấy ngỡ ngàng và nỗi tức giận dâng trào, bạn hét lại:

- "Sao con lại có thể nói với mẹ như vậy?". 

Con bạn cãi lại: 

- "Mẹ thậm chí còn không muốn ăn trưa cùng với con. Mẹ thật là quá đáng!". 

Bạn điên tiết:
 
- "Thế đấy! Cấm con xem TV một tuần!" 

Lời qua tiếng lại. Bạn kéo lê bé ra xe, và cả hai cùng la hét. Thế là đi tong một ngày vui vẻ.

Cư xử thiếu tôn trọng luôn là vấn đề xảy ra với nhiều đứa trẻ. Và nhiệm vụ của người lớn là cần phải dạy trẻ cách cư xử với người khác như thế nào để thế hiện sự tôn trọng và tử tế. Nhưng thật không may, chúng ta khó có thể dạy được trẻ về sự tôn trọng trong khi chúng ta đang trong cơn nóng giận.

Trong thâm tâm, bạn muốn đối xử đúng mực với chúng, không muốn phải la hét hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chúng, và bạn cũng ghét bị đáp lại với sự thiếu tôn trọng. Nhưng, khi bé đang bực bội, phần suy nghĩ đúng đắn trong đầu bé bị nhỏ lại và chúng đang ở trong tư thế chiến đấu, tìm mọi cách để "bật lại" bạn.

Hơn nữa, chúng ta không thể dạy con trẻ về sự tôn trọng nếu chúng ta đối xử với chúng thiếu tôn trọng.

Nếu bạn cũng bị "kích động" bởi những hành động thiếu tôn trọng của con trẻ, não bộ của bạn cũng sẽ chuyển sang chế độ "cha mẹ nổi giận". Khi đó, bạn không thể suy nghĩ một cách lý trí. Hành động đáp trả của bạn hoặc là sẽ chứa đầy sự tức giận, la hét và trừng phạt hoặc cũng có thể là bạn sẽ "tắt điện", suy nghĩ lại chính mình và tha thứ cho chúng.

Vậy, liệu có cách khác để giải quyết vấn đề?

1. Hãy bình tĩnh

Thật chẳng dễ dàng gì để giữ bình tĩnh khi con bạn đang tỏ ra thô lỗ. Nhưng nói chuyện với trẻ khi cả hai bên thiếu sự tôn trọng chỉ làm mọi chuyện tồi tệ thêm. Hãy thở sâu, đếm từ 1 tới 20 và hãy cố giữ bình tĩnh để có thể sáng suốt giải quyết vấn đề.

2. Giải mã các hành động của trẻ

Hãy nhìn sự việc dưới góc nhìn của trẻ. Ta có làm gì để chúng khó chịu không? Chúng có đang cảm thấy bất lực? Bởi phản ứng của con trẻ là sự thể hiện của những gì chúng đang cảm thấy bên trong. Chỉ là chúng đang không tìm thấy được từ ngữ thích hợp cho việc diễn tả cảm xúc đó mà thôi.

Trẻ bật lại bố mẹ

3. Thông cảm

Hãy giúp đỡ bé cảm nhận được rõ tâm trạng của chúng bằng những cử chỉ đáp lại mang đến sự thông cảm. "Có vẻ như mẹ đã không công bằng với con" hoặc "Mẹ biết là con buồn khi phải ăn một mình". Bạn không cần thiết phải đồng tình với tâm trạng của trẻ, chỉ đơn giản tỏ ra là bạn đang cố gắng cảm nhận và hiểu vấn đề theo cách của chúng.

4. Để ý thời gian sinh hoạt của trẻ

Tâm lý của một số trẻ bị ảnh hưởng do hạ đường huyết, đói hoặc khát. Một số khác rất nhạy cảm đối với kích thích môi trường hoặc bị thiếu ngủ. "Bé đã ăn bữa gần nhất lúc mấy giờ?", "Con có muốn uống nước không?". Hãy đề nghị trẻ theo cách khác "Mẹ đi kiếm gì ăn đây. Con có muốn ăn gì không?".

5. Cứ từ từ...

Rất dễ để cơn giận dữ lôi bạn đi khi sự chán nản và cảm xúc lẫn lộn đang ngập tràn trong trí óc bạn. Thay vì để cho bản thân trở nên tức giận, bạn hãy thử "phanh" lại xem sao: "Ồ, mẹ rất muốn nghe con nói. Nhưng con đang nói nhanh quá mẹ chẳng thể hiểu gì cả. Hãy nói chậm thôi để mẹ còn nghe với".

6. Mặc kệ

Đôi khi tốt nhất là không nên đáp lại, đặc biệt khi bạn biết con bạn đang đói hoặc mệt hoặc đang ở trong chế độ "chiến đấu" - hoặc giả bạn không thể ngừng lại việc đáp trả trẻ bằng những lời lẽ tức giận, thiếu tôn trọng hay mỉa mai. Tất nhiên, bạn không thể mặc kệ trẻ mãi mãi. Đến khi nào cả hai cùng bình tĩnh lại, bạn có thể nói chuyện với trẻ về những gì đã xảy ra và làm thế nào để cải thiện trong lần kế tiếp.

7. Hãy kết nối với trẻ

Nếu con bạn cư xử không đúng đắn, điều cuối cùng trong tâm trí là hãy ôm ấp, vỗ về nó. Đối với nhiều đứa trẻ, kết nối, quan tâm tới chúng chính xác là những gì mà chúng muốn. Nếu như có thể bỏ qua mọi hành vi, mọi cơn tức giận, bạn sẽ thấy đứa trẻ đang bị tổn thương và thực sự cần được vỗ về. Đôi khi, một cái ôm có hiệu quả hơn rất nhiều lời nói.

5 cách để dạy trẻ về sự tôn trọng

Sau khi cơn giận qua đi, bạn hãy nói cho trẻ hiểu: 

- Không phản ứng lại hoặc kiểm soát cảm xúc lại không có nghĩa bạn là một ông bố bà mẹ nhu nhược hay bạn coi sự thiếu tôn trọng của trẻ là bình thường. Điều này chỉ có nghĩa là bạn đang đợi cho cảm xúc của bạn và con lắng xuống, để có thể tỉnh táo suy nghĩ và tiếp nhận thông tin một cách tôn trọng lẫn nhau.

- Khi đã sẵn sàng để nói chuyện, bạn có thể bắt đầu bằng cách nói: "Hình như con không vui vì phải đi về sớm. Có cách nào khác để nói cho mẹ hiểu điều con nghĩ hay không?"

- Bạn có thể nói về những thứ mà trẻ đã nhắc đến: "Mẹ nghe con nói gì đó về bữa trưa. Con có muốn nói điều gì với mẹ không?"

- Bạn cũng có cảm xúc của riêng mình. Hay nói ra để cho trẻ hiểu rằng những lời lẽ của chúng ảnh hưởng tới bạn như thế nào. Nhưng hãy cẩn trọng để tránh trẻ nghĩ là bạn đang trách móc chúng: "Mẹ thấy rất buồn khi con nói là mẹ quá đáng".

- Nếu bạn đã tức giận, đã nói những lời khó nghe, hay đã mắng con bạn. Hãy chấp nhận. Bạn chưa hoàn hảo, cũng tốt thôi khi cho trẻ thấy rằng ngay chính bạn cũng đang phải học cách kiềm chế bản thân. Trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và sẽ dần cư xử tốt hơn.
Chia sẻ