Xâm hại trẻ em: Phụ huynh đang truyền cho con nỗi lo sợ của chính mình, nhưng trẻ con không cần điều đó
Trong nỗ lực bảo vệ con trước vấn nạn xâm hại tình dục, nhiều phụ huynh đã vô tình gieo rắc cho con thêm nỗi sợ hãi mà không hay biết.
Bố mẹ đang truyền cho con nỗi sợ hãi của chính mình
Xung quanh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng, sáng 15/3, trong Talkshow "Chống xâm hại tình dục trẻ em: Hãy thay đổi từ nhận thức", TS Vũ Thu Hương - người đã có nhiều năm nỗ lực theo đuổi các chương trình chống xâm hại tình dục đã chỉ ra một sai lầm mà nhiều phụ huynh đang mắc phải. Khi mỗi vụ xâm hại xảy ra, các bậc làm cha làm mẹ lo lắng, sợ hãi, và họ đã "truyền cho con nỗi sợ hãi của chính mình, nhưng trẻ con không cần điều đó".
Trong buổi talkshow, nhà báo Hoàng Hồng, nhà báo Hoàng Anh Tú và luật sư Phan Thị Lam Hồng tâm sự rằng, với tư cách là những bậc phụ huynh, họ cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác, hiện vẫn loay hoay với việc giáo dục giới tính và dạy con cách phòng chống #xâm_hại_trẻ_em.
Chị Hoàng Hồng - bà mẹ 3 con cho biết: "Khi nói chuyện với con về những vấn đề đó, thường con có cảm giác điều đó rất kinh khủng. Tôi rất muốn con mình hồn nhiên trong sáng nhìn thế giới nhưng tôi lại đang vô tình truyền cho con cái nhìn sợ hãi về thế giới". Cũng từng rơi vào cảnh đó, luật sư Lam Hồng kể: "Khi nghe tôi giảng dạy về những vấn đề đó, con tôi đã vô cùng sợ hãi co rúm người lại "Hôm nay mẹ đón con nhé". Nếu để cho phụ huynh chia sẻ và hướng dẫn các con, dễ khiến các con ám ảnh và sợ hãi vì mắc phải lỗi trầm trọng hóa vấn đề".
TS Vũ Thu Hương trao đổi với nhà báo Hoàng Anh Tú, nhà báo Hoàng Hồng và luật sư Lam Hồng về chủ đề chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Kiên Trần.
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương khẳng định, giáo dục giới tính và dạy con phòng chống xâm hại cần có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình và nhà trường để có thể #thay_đổi_từ_nhận_thức và cần tuyên truyền dài hơi. Là người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong vấn đề này, chị Hương cho rằng cách dạy con của bố mẹ hiện nay đang truyền cho con nỗi sợ hãi của chính mình, trong khi không dạy cho con hình thành thói quen và cách phản ứng trước các tình huống xấu.
TS Vũ Thu Hương gợi ý bố mẹ có thể dạy con bằng những cách rất đơn giản: "Chúng ta có thể đặt ra các tình huống và hỏi con bây giờ con sẽ thoát ra bằng cách nào. Chúng ta có thể tìm các clip hướng dẫn và dạy con cách ứng phó kẻ xâm hại trên mạng và dạy con làm theo. Ngoài ra bố mẹ và con có thể chơi trò chơi đóng vai, bố mẹ là kẻ xấu. Dần dần, các con sẽ hình thành những phản xạ vô thức và khi gặp tình huống, con sẽ phản ứng ngay, phản ứng trước khi con cảm thấy sợ. Để hình thành thói quen và phản xạ có điều kiện, trẻ cần luyện tập rất nhiều và cần những người đóng thế, đó chính là bố mẹ".
Không nên chỉ cho con các nơi nguy hiểm, hãy dạy con các nguyên tắc phòng tránh nguy hiểm
Khi được hỏi về những nơi nguy hiểm cần dạy trẻ để tránh bị xâm hại, chị Hương cho biết: "Tôi không dạy trẻ về những nơi nguy hiểm, tôi dạy trẻ về các quy tắc:
- Những nơi vắng người là nơi không an toàn. Buổi tối, sau 9h trẻ đi ra ngoài sẽ không an toàn. Không gian là một, thời gian cũng quan trọng. Nhiều vụ xâm hại thường xảy ra ở nơi vắng người và khi trời tối. Vì vậy, trẻ không được ở một mình và ra ngoài khi trời đã tối.
Theo TS Thu Hương, dạy con các quy tắc bảo vệ cơ thể quan trọng hơn nhiều việc chỉ cho con những nơi nguy hiểm. Ảnh: Kiên Trần.
- Dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay để giữ khoảng cách với người khác. Ý thức về việc giữ khoảng cách với người khác quan trọng hơn nhiều việc dạy trẻ về không gian, thời gian nguy hiểm.
Ngoài ra bố mẹ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Tuyệt đối không đưa ảnh hở hang của con lên facebook. Việc này không chỉ phản cảm, dễ khiến trẻ xấu hổ khi lớn lên mà mạng xã hội thực sự không phải nơi an toàn, có rất nhiều kẻ xấu có thể tìm đến con bạn từ những bức ảnh này.
- Luôn luôn đề phòng những người thân quen: Một người họ hàng lên chơi và ở lại nhà, một người bạn của bố mẹ, người hàng xóm...
Cuối cùng, TS Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ chương trình giáo dục giới tính không thể là một chương trình ngoại khóa trong nhà trường, nó phải là chương trình chính khóa suốt từ năm 3 tuổi đến năm 18 tuổi. Mỗi năm một phần học, mỗi phần học phải có thực hành và có thi. Và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường".