Tưởng không khó mà khó không tưởng: Bố mẹ phải làm sao khi con thường xuyên bị mất đồ dùng học tập?
Một trong những tình huống quen thuộc mà trẻ thường xuyên gặp phải khi đi học chính là mất đồ dùng học tập. Thế nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách xử lý vấn đề này.
Việc trẻ đi học mà bị mất bút, cục tẩy, hay cây thước… gần như là "chuyện thường ngày ở huyện". Hiện tượng này đặc biệt dễ xảy ra đối với các bé đầu cấp, vì các con còn quá nhỏ, chưa ý thức được về việc bảo vệ đồ đạc, tài sản cũng như cách thức xử lý khi phát hiện mất đồ. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trẻ chỉ bị mất lần 1, lần 2 nhưng khi sự việc lặp đi lặp lại thành mức thường xuyên thì bố mẹ lại cần phải chú ý.
Tính ra, mỗi cái bút chì, cái thước hay cái tẩy cũng chỉ có giá vài nghìn đồng, cao lắm thì vài chục nghìn nhưng nhiều lần như thế đã góp thành số tiền không nhỏ. Thậm chí có trẻ còn bị mất hộp bút đựng tất cả đồ dùng. Vì vậy mà bố mẹ xót của hay tức giận cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách ứng xử đúng đắn trong tình huống này.
Mất đồ dùng học tập là chuyện gần như đứa trẻ nào cũng sẽ gặp phải. (Ảnh minh họa)
Biện pháp tạm thời
Để giải quyết tình huống này trước mắt thì bố mẹ có khá nhiều cách. Cụ thể, nếu được bố mẹ có thể chia nhỏ đồ dùng học tập của con ra. Cắt đôi bút chì ra để được 2 cái (mất làm 2 lần), còn tẩy thì cũng cắt ra làm 3, 4 phần. Một cách khác cũng được nhiều phụ huynh áp dụng là dán tên con hoặc đánh dấu lên tất cả các dụng cụ, từ bút đến cục tẩy để con khỏi bị lẫn với các bạn.
Trong trường hợp trẻ chỉ đích danh bạn này hay bạn kia lấy đồ thì bố mẹ nên đến gặp trực tiếp bạn nhỏ đó để hỏi chuyện. Sau khi đã xác minh được chính xác câu chuyện thì bố mẹ có thể nhắc nhở để bạn đó không còn lấy đồ của con mình nữa.
(Ảnh minh họa)
Nhiều phụ huynh lựa chọn cách báo với giáo viên chủ nhiệm để lưu ý vấn đề này trước cả lớp. Mặc dù giáo viên thường có tiếng nói với trẻ nhưng đây không phải là cách giải quyết triệt để vấn đề. Bởi 1 mình cô trông đến mấy chục bé, dạy chữ, viết mẫu, cho ăn, trông ngủ và bao nhiêu chuyện phát sinh.
Áp dụng chiêu "mưa dầm thấm đất"
Những biện pháp phía trên chỉ đều mang tính tạm thời, còn về lâu về dài, việc bố mẹ cần làm là rèn cho trẻ tính cẩn thận. Rõ ràng đây là một chuyện chẳng dễ dàng gì bởi trẻ con thường hiếu động, mất tập trung, mải chơi và hay quên. Do đó mà nếu như đã nhắc nhở, uốn nắn bao nhiêu lần đều không được thì bố mẹ cũng đừng vội nản chí. Vì đây chính là lúc bố mẹ cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết.
Mỗi ngày trẻ đi học về, bố mẹ kiểm tra thấy bé không bị mất đồ dùng học tập thì đừng tiếc lời khen cho con. Khi trẻ làm mất đồ cũng cố gắng kiềm chế cơn cáu giận mà thay vào đó là những lời nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như: "Bố/mẹ lo quá chắc sắp hết tiền mua đồ dùng học tập cho con rồi" hay "Mẹ định mua cho con cây bút hình siêu nhân/công chúa nhưng vì con làm mất nhiều quá nên giờ chỉ đủ tiền mua cho con cây bút thường thôi". Những câu nói có tính mưa dầm thấm lâu này sẽ có tác dụng thay đổi trẻ nhiều hơn là sự quát nạt.