Tưởng đồ chơi nhà tắm sạch, ai ngờ bên trong nó lại chứa khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc

HỒNG HẠNH ,
Chia sẻ

Theo các nhà nghiên cứu, đồ chơi nhà tắm là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và nấm mốc có khả năng gây bệnh

Hầu như trẻ nào cũng có đồ chơi nhà tắm, không nhiều thì ít. Đó có thể là một vài quả bóng, một hai chú vịt, hươu cao cổ… Đây là món đồ chơi mà con sẽ chơi trong khi tắm. Thường thì các bố mẹ nghĩ rằng đồ chơi tắm thì sạch hơn so với các loại đồ chơi khác vì ngày nào nó cũng được "tắm" trong nước, nên khi làm vệ sinh đồ chơi, nhiều bố mẹ bỏ qua các món đồ chơi nhỏ này.

Tuy nhiên, ông Frederik Hammes, một nhà vi trùng học tại Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ, cho biết đồ chơi tắm lại là nơi tích tụ vi khuẩn có khả năng gây bệnh, vì môi trường bên trong đồ chơi ấm áp và ẩm ướt rất thích hợp cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Tưởng đồ chơi tắm sạch, ai ngờ bên trong nó lại chứa khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc - Ảnh 1.

Đồ chơi tắm lại là nơi tích tụ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (Ảnh minh họa).

Cụ thể là các nhà nghiên cứu đã lấy 19 mẫu đồ chơi trong phòng tắm đã qua sử dụng của các gia đình ở Thụy Sĩ. Họ cắt đôi các đồ chơi ra để kiểm tra. Kết quả cho thấy có khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc nằm bên trong đồ chơi tắm. Tính ra trung bình là có 9,5 triệu tế bào vi khuẩn và nấm trên 1 cm vuông. "Phần lớn những vi khuẩn này là sinh vật Pseudomonas aeruginosa có khả năng gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu", ông Frederik nói.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Trợ lý Giáo sư Michael David – công tác tại Khoa Truyền nhiễm Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng cho kết quả tương tự như của ông Frederik.

"Các bào tử nấm mốc luôn trôi nổi trong không khí và chỉ cần gặp điều kiện thích hợp là sẽ phát triển rất nhanh. Đồ chơi tắm luôn có các lỗ nhỏ để nước có thể ra vào, trong khi phòng tắm thường kín gió nên đây là địa điểm lý tưởng để nấm mốc sinh sôi nảy nở", ông Michael cho biết.

Vậy làm thế nào để đảm bảo đồ chơi tắm của trẻ được sạch sẽ?

Tưởng đồ chơi tắm sạch, ai ngờ bên trong nó lại chứa khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc - Ảnh 2.

Đun sôi đồ chơi, ngâm đồ chơi trong nước pha với giấm hoặc chanh là những cách cha mẹ nên sử dụng để vệ sinh đồ chơi tắm cho con (Ảnh minh họa).

Theo ông Michael, mặc dù các loại nấm mốc phát triển trên vật dụng trong nhà rất hiếm khi gây bệnh, vì hầu hết trẻ em đều có hệ miễn dịch khỏe mạnh, có thể chống lại các loại vi khuẩn và nấm mốc, nhưng trong trường hợp trẻ có hệ miễn dịch yếu thì các loại vi khuẩn, nấm mốc này sẽ tấn công gây ra các bệnh như nhiễm trùng phổi, xoang mãn tính,...

Do đó, cha mẹ nên quan tâm đến việc vệ sinh đồ chơi tắm cho con bằng những cách sau:

- Vắt kiệt nước và phơi khô đồ chơi

Cha mẹ nên vắt hết nước trong đồ chơi tắm của con, và phơi cho nó khô hoàn toàn, tốt nhất là phơi ở ngoài trời. Nếu trong quá trình vắt nước mà cha mẹ thấy nước chảy ra có màu đen thì bạn nên vứt món đồ đó đi và mua một món mới.

Hãy làm điều này sau mỗi lần trẻ tắm xong. Nếu đồ chơi có thể tách đôi ra được, cha mẹ nên tách chúng ra và chà sạch nó bên trong lẫn bên ngoài bằng bàn chải đánh răng cũ với xà phòng và nước.

Tưởng đồ chơi nhà tắm sạch, ai ngờ bên trong nó lại chứa khoảng 20 triệu tế bào vi khuẩn và nấm mốc - Ảnh 4.

- Ngâm đồ chơi tắm trong dung dịch giấm hoặc chanh

Ngâm đồ chơi tắm trong chậu nước pha với dấm trắng/chanh từ 10 đến 20 phút cũng là cách để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Vì các axit có trong chanh hoặc giấm hoạt động như một chất khử trùng tự nhiên, đồng thời, đây cũng là một giải pháp khử trùng hiệu quả không gây hại cho trẻ.

- Đun sôi đồ chơi trong 10 phút

Có một cách khử trùng nữa là cha mẹ cho đồ chơi vào nồi đun sôi ít nhất 10 phút. Đây là phương pháp được các nhà nghiên cứu khuyên cha mẹ nên ưu tiên sử dụng. Sau khi đun sôi, cha mẹ nên chà sạch và lau khô chúng.

- Bịt kín các lỗ hở trên đồ chơi

Ngoài ra, ông Michael cũng gợi ý các cha mẹ có thể bịt kín các lỗ hở trên đồ chơi tắm để ngăn chặn nước, vi khuẩn, nấm mốc vào được bên trong. Tuy rằng làm như thế này cha mẹ không phải lo lắng gì nữa nhưng bạn vẫn phải cọ rửa đồ chơi và phơi chúng khô hoàn toàn.

Nguồn: Parenting, Washingtonpost

Chia sẻ