Tưởng "án binh bất động" thời gian cách ly, nào ngờ các Salon đều có chiêu giúp chị em chăm sóc tóc cực hay
Không ngồi yên trước khó khăn, các salon tóc cũng có những cách khắc phục vừa hợp với thời điểm hiện tại mà vẫn đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của các chị em.
Khi toàn dân cách lỹ xã hội theo chủ trương của Chính phủ thì các shop quần áo, các hãng mỹ phẩm chuyển hết sang hình thức online, giao tận tay sản phẩm đến các chị em chỉ với một cú click chuột, rồi vô vàn những ưu đãi hấp dẫn khiến chị em không kìm lòng được mà vẫn shopping tới tấp.
Thế nhưng rõ ràng các salon tóc lại không thể cắt, nhuộm hay làm bất kỳ dịch vụ nào online được, 2 tuần cách ly hầu hết các salon tóc lớn nhỏ đều như lâm vào tình trạng dậm chân tại chỗ, tiến thoái lưỡng nan. Tưởng đâu tất cả các salon tóc đều án binh bất động, nhưng không khó khăn là thế, bi đát là vậy nhưng họ vẫn có những chiêu riêng để kết nối khách hàng.
Lea's Hair Salon (Cầu Giấy, Hà Nội)
Anh Trần Ngọc Tùng chủ salon chia sẻ: "Đại dịch Covid -19 ảnh hưởng không nhỏ tới tới hoạt động kinh doanh của salon. Tất cả các dịch vụ trực tiếp đều bị ngừng trệ nên salon bị gánh nặng rất nhiều về kinh tế. Khi đó thì chỉ còn một cách là ra tăng dịch vụ bán lẻ sản phẩm ship tận nơi cho khách hàng khi mà họ không thể đến salon làm đẹp".
Đánh đúng vào nhu cầu được đẹp mọi lúc mọi nơi, nhất là khi chị em ở nhà có nhiều thời gian tự mình chăm chút cho bản thân thì Lea's Hair Salon đẩy mạnh tư vấn online giúp các chị em nắm được những kiến thức cơ bản nhất để tự bản thân có thể chăm sóc mái tóc của mình mỗi ngày.
"Không kể là nhân viên làm tóc hay lễ tân... tất cả đều sẵn sàng tư vấn online cho khách hàng. Nhất là những người trực tiếp làm tóc, họ còn hướng dẫn các chị em chăm sóc tóc ở nhà với những cách chăm sóc chuẩn chỉnh như ở tiệm" - Anh Tùng chia sẻ.
Mr. Bean Hair Studio (Gia Lâm - Hà Nội)
Cũng như anh Tùng, anh Bean chủ salon Mr. Bean cũng như "ngồi trên đống lửa" trước tình hình dịch bệnh suốt những ngày qua, nhưng thay vì hoang mang lo lắng, anh Bean cùng đội ngũ nhân viên cùng nhau sát cánh để vượt qua cơn bão này.
"Từ trước đến giờ chúng tôi đẩy mạnh mảng offline hơn là online, nên mới đầu cũng khó khăn đôi chút khi phải tạm nghỉ. Thật ra thời gian nghỉ, nếu nghĩ tích cực thì cũng có cái hay, vì tôi và mọi người có thời gian hoàn thiện mảng bán hàng online cũng như chăm sóc và tư vấn khác hàng chuyên sâu hơn" - anh Bean chia sẻ.
Tạm thời vẫn chưa được "tái xuất" nên Mr. Bean Hair cũng như nhiều salon khác vẫn đang đẩy mạnh mảng bán hàng online. Fanpage của salon vẫn chia sẻ rất nhiều clip làm tóc cực kỳ hấp dẫn chờ ngày chị em bung lụa.
Hệ thống Jino Hair Salon & Academy (Đà Lạt)
Anh Trà Đình Nguyên - Giám đốc Hệ thống Jino Hair Salon & Academy chia sẻ: "Trong suốt 15 năm làm nghề chưa bao giờ hệ thống gặp phải vấn đề về kinh tế nghiêm trọng đến vậy. Doanh thu salon về mức dưới 10%, chế độ đãi ngộ của nhân viên cũng bị ảnh hưởng, nhưng cũng may tất cả mọi người đều đồng lòng góp sức nên nguồn nhân lực vẫn rất ổn định".
Không chỉ tư vấn bán bán hàng online, trên fanpage của Jino Hair còn chia sẻ những "thực đơn" chăm sóc tóc tận sâu bên trong với hành trình "Dưỡng nhan cho tóc" hướng dẫn các chị em detox mái tóc mỗi ngày bằng những loại đồ uống thanh lọc vừa dưỡng tóc, dưỡng da mà cũng giúp eo thon dáng chuẩn.
Salon Minh Hy (Tp. Hồ Chí Minh)
Đẩy mạnh mảng kinh doanh online cũng là giải pháp mà salon Minh Hy áp dụng trong những tuần cách ly xã hội. Không làm được những dịch vụ cắt uốn trực tiếp cho các chị em, salon hướng dẫn những tip tự cắt tóc, cắt mái tại nhà mà không cần ra tiệm và tư vấn những cách chăm sóc tóc từ A - Z dành cho mọi khách hàng có nhu cầu.
Anh Minh Hy - chủ salon chia sẻ: "Nhiều chị em ở nhà nguyên cả tháng trời, nhiều người không nói ra nhưng mình biết chuyện tóc mọc lung tung, tóc khô xơ do không được chăm sóc cẩn thận, tóc mái dài không kiểm soát... chị em nào cũng gặp phải và tất cả những vấn đề ấy salon mình đều tận tình hướng dẫn để các chị em có thể tự chăm sóc mái tóc mình mỗi ngày. Salon cũng có những cuộc hẹn ưu đãi dành cho những khách hàng đặt lịch trước để chờ ngày có thể tái xuất để phục vụ các chị em. Hi vọng ngày đó sẽ không còn quá xa".