Tuần thai thứ 28: Bé đã biết chớp mắt

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Đôi mắt bắt đầu mở trong chốc lát nhưng vì trong tử cung mẹ còn tối nên hầu như bé không nhìn thấy điều gì.

Sự phát triển của em bé
 
Khi bạn bước sang tam cá nguyệt thứ ba, bé yêu nặng khoảng hơn 1kg, và “cao” khoảng 37cm. Tuần này, bé đã có thể chớp mắt. Thị giác của bé rất phát triển: có thể nhìn thấy ánh sáng xuyên qua thành bụng mẹ.

Não bé cũng hình thành thêm hàng triệu tế bào mới. Da bé đỏ và nhăn nheo nhưng mỡ bắt đầu tích dưới da để giữ ấm cho cơ thể khi bé chào đời sau này.

Có một điều khá lý thú thể hiện sự phát triển đáng kể về bộ phận tư duy của não bé trong giai đoạn này là: một thai nhi 7 tháng tuổi có thể biết đau và phản ứng rất giống bé được sinh đủ tháng đủ ngày.

Gai lưỡi của thai nhi phát triển nhiều hơn so với lúc ra đời sau này. Vì vậy vị giác rất nhạy bén. Phổi chưa phát triển hoàn chỉnh và còn phải có một chất gọi là Surfactant có tác dụng ngăn không cho phổi xẹp xuống giữa mỗi lần hít vào.

Những lúc bé hoạt động mạnh, đặc biệt là khi bé đạp, nếu để ý, bố mẹ có thể thấy được hình dáng bàn chân hay mông của bé.

Tuần thai thứ 28: Bé đã biết chớp mắt  1
Đôi mắt bé bắt đầu mở trong chốc lát nhưng vì trong tử cung mẹ còn tối nên hầu như bé không nhìn thấy điều gì.

Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Cơ thể người mẹ đang “nở” nhanh hơn lúc nào hết. Tử cung thì đã gần chạm tới xương hông và đang gây sức ép đối với các ống giữa thận và bàng quang, làm chậm dòng chảy của nước tiểu.

Ngoài ra, hocmon progesterone cũng gây khó khăn cho hệ thống tiết niệu của bạn để bài tiết các vi khuẩn như E.coli trong bàng quang, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiểu có thể phát triển thành nhiễm trùng thận, nghiêm trọng hơn là có thể gây sinh non. Vì thế nếu bạn cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu thì hãy tới thăm khám bác sỹ ngay lập tức nhé.

Cơ thể bạn bắt đầu xuất hiện một số biểu hiện khó chịu như chuột rút, trĩ và giãn tĩnh mạch. Điều an ủi đối với các thai phụ lúc này là các triệu chứng sẽ biến mất ngay sau khi sinh.

Bạn nên tăng được khoảng 7,7 đến 10,9kg khi đạt đến mốc 28 tuần. Nếu bạn tăng cân nhiều hơn mức này, nên điều chỉnh chế độ ăn uống của mình ngay bây giờ để sau khi sinh có thể dễ dàng lấy lại vóc dáng.

Tuần thai thứ 28: Bé đã biết chớp mắt  2
Da bé đỏ và nhăn nheo nhưng mỡ bắt đầu tích dưới da để giữ ấm cho cơ thể khi bé chào đời sau này

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này

Bạn nên ăn ít đồ ngọt và thay vào đó nên ăn trái cây tươi và rau quả. Những bữa ăn nhẹ sẽ giúp giảm đáng kể cơn đói của bạn mà lại không khiến tăng cân. Nhưng đừng quên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và khỏe mạnh nhé.

Bạn bị chuột rút? Triệu chứng này thường gặp ở đa số bà bầu, nguyên nhân là do trọng lượng của cơ thể tăng lên, áp lực của tử cung lên trên các dây thần kinh khiến cho đôi chân của bạn bị mệt mỏi.

Việc thiếu canxi và phốt pho quá nhiều (những chất này có nhiều trong nước giải khát, thức ăn nhẹ và các loại thịt đã chế biến) cũng khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng. Cần giảm nguy cơ bị chuột rút bằng cách ăn nhiều thức ăn giàu canxi như sữa, pho mát, cá hồi, cá mòi, cá thu, rau cải…

Nếu bạn quá đau đớn vì bị chuột rút thường xuyên, thì hãy nhờ bác sỹ bổ sung thêm canxi cho bạn. Khi các cơ chân đình công, co rút, thì hãy nhanh chóng thực hiện phương pháp sau: duỗi thẳng chân, căng gót chân và ngón chân, massage cơ bắp cho đến khi cơn đau giảm đi. Cách tốt nhất là bạn nên nhờ chồng massage chân thường xuyên.

Bạn cũng nên cẩn thận với những cơn đau khớp, nếu bạn đang làm việc với máy tính trong một thời gian dài thì nên nghỉ giải lao thường xuyên để các ngón tay, cổ tay và cánh tay được thư giãn.

Chất lỏng trong cơ thể bị giữ lại trong cơ thể khiến các dây thần kinh sưng lên, có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

Chia sẻ