Tuần thai thứ 27: Bé đang tập thở

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Dù nằm hoàn toàn trong nước ối nhưng bé cũng đã bắt đầu tập thở và có những hơi thở ngắn rồi các mẹ nhé!

Sự phát triển của em bé

Thai nhi lúc này đã có chiều dài khoảng 37cm và nặng gần 870g. Bây giờ, não của bé đã rất năng động do nhiều mô não phát triển hơn; phổi có thể vận hành đúng chức năng của mình, mặc dù vẫn còn non. Dù nằm hoàn toàn trong nước ối nhưng bé cũng đã bắt đầu tập thở và có những hơi thở ngắn. Đây là dấu hiệu cho thấy bé chuẩn bị sẵn sàng chào đời. Hệ thống miễn dịch của bé cũng đang chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài tử cung.

Mắt của bé lúc này xuất hiện tròng đen, mí mắt khép hờ. Bé đã có thể ngủ, thức, mở mắt và nhắm mắt rất đều đặn, thậm chí bé còn biết mút tay. Nếu có thể “ngắm” bé lúc này, bạn sẽ thấy tròng mắt đen láy qua mí mắt đang khép. Và bé đã có thể nghe rất rõ những âm thanh ở phía bên ngoài. Khả năng hưởng ứng với âm thanh sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng thứ 7, khi mà các dây thần kinh dẫn tới tai hoàn chỉnh.

Tuần thai thứ 27: Bé đang tập thở 1
Hình ảnh em bé nằm trong tử cung mẹ ở tuần thứ 27.

Sự thay đổi trong cơ thể mẹ

Bạn đang tiến gần đến tam cá nguyệt thứ 3, vì thế sẽ xuất hiện một số triệu chứng mới như: đau lưng và thỉnh thoảng có thể bị co cứng bắp chân do tử cung ngày một lớn dần tạo áp lực lên các mạch máu. Tình trạng chuột rút diễn ra phổ biến vào ban đêm, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khi cơn co rút xảy ra, việc căng cơ bắp chân sẽ giúp bạn bớt đau. Đi bộ vài phút hay xoa bóp bắp chân đôi khi cũng giúp được phần nào.

Giãn tĩnh mạch là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn phải làm việc quá sức, toàn bộ áp lực từ chiếc bụng sẽ dồn xuống chân. Bạn sẽ cảm thấy nặng nề, không thoải mái và đau nhức. Cách tốt nhất là tranh thủ đi bộ hoặc tập thể dục trong vòng 30 phút mỗi ngày để giúp máu lưu thông về tim. Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc ghế đẩu để gác chân nếu phải ngồi quá lâu.

Ở thời điểm này, huyết áp có thể tăng nhẹ nhưng nếu tăng cân nhanh, mắt mờ, tay chân đột ngột sưng phù thì rất có thể bà bầu đang bị tiền sản giật. Hãy gọi điện ngay cho bác sĩ khi thấy những triệu chứng trên. Ngoài ra, cũng đừng chủ quan nếu thấy có những biểu hiện lạ.

Thỉnh thoảng, bạn có thể cảm thấy tử cung bị thắt chặt. Cảm giác không phải là đau đớn nhưng chúng cũng có thể gây khó chịu thực sự. Chúng được gọi là các cơn co thắt Braxton-Hicks. Tuy nhiên, những cơn co thắt này lại đem lại lợi ích cho cơ thể bạn, giúp tử cung chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh nở.

Tuần thai thứ 27: Bé đang tập thở 2
Bơi lội và đi bộ là 2 môn thể thao được khuyến khích cho các mẹ bầu.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này

Nếu không có thời gian, bạn hãy tranh thủ tập thể dục khi làm các công việc hàng ngày như tập ngay tại nơi làm việc, đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy, tăng cường đi bộ càng nhiều càng tốt. Luôn phải hỏi ý kiến bác sỹ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện lúc mang thai, đặc biệt là khi bạn gặp các biến chứng như chảy máu, cao huyết áp hoặc bệnh tim.

Nếu bạn ít tập luyện thể dục trong vài tháng qua thì thời điểm này cũng không phải là quá muộn để bắt đầu thực hiện. Việc tập thể dục giúp máu lưu thông, cung cấp lượng oxy cần thiết cho em bé và làm giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch. Bạn không nhất thiết phải tham gia vào một lớp tập thể dục, luyện cơ bụng… Chỉ cần tập đi bộ và bơi lội (bơi lội là một phương pháp tập luyện tuyệt vời bởi bụng bạn được nước nâng đỡ và massage, bạn sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều).  

Những lớp học tiền sản cũng thường được khởi động sau 1 vài tuần nữa nếu bạn chưa từng học. Các lớp học này sẽ cung cấp cho người mẹ những thông tin hữu ích và đầy đủ về quá trình sinh nở và những ngày đầu mới là mẹ. Hãy lưu giữ thông tin này để có thể vận dụng nó ngay khi bạn cần.  

Nếu bị nhiễm nấm âm đạo, các bà bầu nên đi kiểm tra. Nếu nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B thì cũng đừng vội lo lắng. Đây là một dạng viêm nhiễm rất thường gặp và sự chăm sóc, chữa trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng cho thai nhi.

Do bé lớn quá nhanh và não bộ cũng cực kỳ phát triển trong giai đoạn này nên dinh dưỡng của mẹ vô cùng quan trọng. Tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều rau quả và ngũ cốc. Ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ gồm bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên vỏ lụa, đậu lăng và nếp cẩm - đây cũng là những thực phẩm giàu vitamin nhóm B và giúp giảm táo bón.
Chia sẻ