Tuần thai thứ 24: Cơ thể bé dần cân đối

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Thời điểm này, cơ thể bé trở nên cân đối và bắt đầu mập mạp hơn. Não bé tiếp tục phát triển tinh vi và phức tạp hơn.

Sự phát triển của thai nhi

Thời điểm này, cơ thể bé trở nên cân đối và bắt đầu mập mạp hơn. Não bé tiếp tục phát triển tinh vi và phức tạp hơn. Những mầm giác quan cũng phát triển nhanh chóng. Do đó kể từ thời gian này trở đi, bé bắt đầu bước vào giai đoạn hình thành cá tính.

Phổi đang phát triển các nhánh của cơ quan hô hấp và bắt đầu sản xuất ra chất diện hoạt, giúp giữ cho các túi trong phổi không bị xẹp hoặc dính kết với nhau khi bé thở, đây cũng là một chất hoạt tính bề mặt giúp làm căng phồng túi khí khi bé chào đời. Các mạch máu trong 2 lá phổi đang phát triển phân nhánh không ngừng để chuẩn bị cho quá trình hô hấp ngoài không khí. Bé cũng thường xuyên nuốt hơn và dễ nấc hơn.

Da của bé còn mỏng, trong suốt và vẫn còn nhăn nheo. Tai trong đã hoàn thiện giúp bé phân biệt được trạng thái nằm sấp hay nằm ngửa khi bé xoay mình trong túi ối. Bé lúc này nặng khoảng 550 – 600gram và chiều dài từ đỉnh đầu đến chân xấp xỉ 29 – 30cm.

Giai đoạn này, em bé phát triển gần như hoàn chỉnh và nếu như vì một nguyên nhân nào đó phải sinh non thì cơ hội sống của bé cũng khá cao. Nếu chào đời bây giờ, bé có khả năng sống sót tới 85%. Những tiến bộ trong y học và công nghệ đủ để nuôi dưỡng một đứa trẻ 24 tuần tuổi ở bên ngoài tử cung trong trường hợp cần thiết.





Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Lúc này tử cung có kích thước nhô ra so với rốn khoảng 3,8 - 5,1cm. Tình trạng rạn da có thể bắt đầu hình thành trên bụng, đùi, ngực và mông.

Bạn có thể bị chảy máu chân răng khi đánh răng, đây là một trong những hiện tượng thường gặp ở các bà bầu. Hoocmon thai kỳ đã làm cho lợi của bạn dễ bị sưng, viêm, dẫn tới thường xuyên chảy máu, đặc biệt là khi bạn vệ sinh răng miệng. Điều bạn cần làm lúc này là đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa thường xuyên. Đừng sợ chảy máu chân răng mà không chăm sóc răng miệng vì điều đó chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn.

Một số người cũng thường gặp chứng nghẹt mũi hoặc chảy máu cam thường xuyên hơn trong thời gian mang thai. Các nhà nghiên cứu cho rằng triệu chứng này xuất hiện do những thay đổi trong tuần hoàn và cả những thay đổi ở hoocmon trong thời kỳ mang thai. Điều này khiến màng nhầy ở mũi và đường hô hấp dễ bị sưng tấy và dễ chảy máu hơn.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này

Khi cảm thấy khó ngủ, hãy hỏi kinh nghiệm từ những người từng mang thai trước đó. Một trong những cách mang lại hiệu quả là đi bộ nửa tiếng mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn và cảm thấy có thêm chút thời gian cho bản thân. Cần thường xuyên kiểm tra huyết áp để đề phòng nguy cơ huyết áp cao dẫn tới tiền sản giật.

Trong khoảng từ 24 – 28 tuần bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu nhằm phát hiện bệnh tiểu đường thai nghén. Bác sĩ tiến hành xét nghiệm mẫu máu của bạn sau khi cho bạn uống nước đường. Nếu lượng đường trong máu bất thường, bạn sẽ phải kiểm tra thêm.

Nếu bệnh tiểu đường không được chữa trị kịp thời, thai phụ sẽ rất khó khăn khi đẻ thường vì bệnh tiểu đường làm cho thai nhi phát triển quá lớn, đặc biệt là ở phần thân trên. Nó cũng làm tăng khả năng trẻ bị hạ đường huyết sau khi sinh.


Mẹ tham gia trò chơi, rinh quà về cho bé!
 
Quà tặng của tuần này là một combor trị giá 500 nghìn, bao gồm:
1. Bỉm Tom&Jery
2. Đồ chơi bông Lokyee
3. Hai bột nặn giấy Nhật Bản
4. Hai thẻ mua hàng trị giá 50.000đ/thẻ

Chia sẻ