Từ vụ sinh nhật hoá thảm hoạ sau tiếng hét của cô gái, cảnh báo loại bóng "mê hoặc" trẻ nhỏ nhưng rất nguy hiểm
Khi cho trẻ nhỏ chơi bóng này, ba mẹ cần hết sức cẩn thận.
Bóng bay vốn là một trong số những đồ chơi quen thuộc của mọi người. Bóng được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong các tiệc sinh nhật, trang trí hay đơn giản là mua cho trẻ con chơi. Món đồ chơi tưởng như bình thường này nếu không được sử dụng đúng cách sẽ gây ra mối nguy hại lớn với sức khỏe của trẻ nhỏ.
Mới đây, vụ việc một cô gái bị bỏng toàn mặt do bóng bay khiến nhiều người không khỏi hoảng hốt. Cụ thể, trong một bữa tiệc sinh nhật, vào lúc cô gái tạo dáng thì bất ngờ chiếc bóng bay đang cầm trên tay phát nổ. Ngay sau tiếng nổ, một ngọn lửa lớn bốc lên.
Do sự việc xảy ra quá bất ngờ nên cô gái không kịp né tránh và bị ngọn lửa thổi vào mặt. Cô gái chỉ kịp ôm mặt và hét lên đầy đau đớn. Nhiều người cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ quả bóng bay cô gái cầm trên tay vô tình chạm vào ngọn nến ở chiếc bánh sinh nhật và gây ra vụ nổ.
Chủ tài khoản cho biết thêm, đến hiện tại sau 6 ngày xảy ra vụ việc, cô mới bình tĩnh hơn để chia sẻ về tai nạn mà mình gặp phải để mọi người cùng phòng tránh. Cô cho biết, đó là điều không ai mong muốn nhưng dù sao sự việc xảy ra rồi mong rằng mọi người sẽ cẩn thận hơn để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra.

Vụ việc cũng là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh rất hay mua cho con chơi hoặc sử dụng trong các bữa tiệc sinh nhật. Sử dụng bóng bay là bình thường, tuy nhiên cần phải hết sức cẩn thận, cố gắng hạn chế nhất những nguy hiểm có thể xảy đến với con mình.
Được biết, những quả bóng bay này là bóng bay hydro. Bên trong bóng được bớm bằng khí hydro (nhẹ hơn không khí) để bóng bay lên được.
Bóng bay này tiềm ẩn mối nguy khi cho trẻ nhỏ chơi với số lượng lớn hoặc dùng với số lượng lớn để trang trí cho các sự kiện bữa tiệc. Đặc biệt khi những quả bóng bay hydro không may bị nổ, nguy cơ cháy nổ xảy ra cao hơn so với một quả bóng bình thường.
Nếu như trong quả bóng bay có lẫn cả khí oxy ở bên trong quả bóng thì khi vô tình chạm vào ngọn lửa hoặc vật nóng, bóng sẽ phát nổ ngay tức khắc.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết, bóng bay này có thể tự phát nổ nếu tỷ lệ khí (oxy, hydro, nhiệt độ) ở mức tới hạn. Ở mỗi một nhiệt độ môi trường khác nhau sẽ có nồng độ tới hạn khác nhau, xác suất rơi đúng vào nồng độ tới hạn đó có thể gây cháy. Khi phát nổ nó sẽ tỏa nhiệt như khí ga và gây bỏng cho người cầm. Mức độ bỏng sẽ phụ thuộc vào số lượng bóng và khoảng cách. Số lượng bóng càng lớn thì diện tích bỏng sẽ rộng.

Khi cho trẻ chơi với những quả bóng galaxy rất khó để phòng tránh được nguy cơ nổ bóng vì nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Hiện nay việc sử dụng khí hydro trong bơm bóng được sản xuất rất thủ công. Người bán thường dùng nhôm và vôi đun lên và lấy khí bơm vào bóng. Như vậy khí bơm vào bóng sẽ là loại khí hỗn hợp nếu có lẫn oxy thì nguy cơ tự nổ xảy ra rất cao.
Nếu sử dụng khí heli bơm vào bóng thì sẽ an toàn hơn. Vì khí heli là khí trơ không tác dụng với không khí nên không có hiện tượng cháy nổ. Tuy nhiên, loại khí này giá thường rất cao cho nên gần như không ai sử dụng bơm bóng.
Khi trẻ không may chơi bóng bay bị nổ cần xử lý đúng cách để hạn chế mức độ bỏng sâu hơn. Nên nhanh chóng ngâm những vùng da bị bỏng của trẻ vào nước lạnh khoảng 15-20 phút, nhặt vụn bóng bay trên vết thương. Sau khi ngâm nước xong cần cuốn một lớp gạc vô trùng và đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được bác sĩ xử lý. Tuyệt đối không bôi nước mắm, mỡ trăn, kem đánh răng lên vết bỏng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Để quả bóng có thể bay lên thì phải bơm vào bên trong khí heli hoặc hydro. Tuy nhiên vì giá thành khí heli khá cao nên người bán thường thay bằng khí hydro. Những quả bóng được bơm khí hydro sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi chất này có khả năng gây cháy nổ cao.
Khi tiếp xúc với lửa, bóng hydro lập tức sẽ phát nổ, gây ra quả cầu lửa lớn và sẽ mang tính sát thương cực mạnh cho những người đứng gần đó. Quả bóng hydro cũng phát nổ khi ở gần tia lửa điện hoặc dính vào đầu thuốc lá đang cháy.
Rất nhiều người để bóng bay trong một cái hộp, hoặc trong cốp xe hơi, và việc này rất nguy hiểm, những quả bóng có thể gặp vấn đề gì đó và phát nổ bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài qua cuống bóng, chỗ buộc dây. Vì thế khi vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích dãn nở gây ra nổ.
Chính vì thế, người lớn nên cẩn thận khi mua bóng bay cho trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên mua bóng bay hydro. Có thể thử bằng cách hỏi người bán hàng hoặc bảo họ bật lửa vào quả bóng. Nếu họ dám làm thì quả bóng đó không bơm hydro.
Nếu cầm bóng hydro, hãy tránh cầm tới những nơi có lửa, đông người, cũng không nên cầm bóng bay ngồi trong xe ô tô, hay để vào cốp xe, bởi vì khi khí hydro phát nổ trong không gian chật hẹp thì sẽ dẫn đến lực tác động cực kỳ lớn.
Tổng hợp