Từ thắc mắc mẹ bị ốm ai sẽ nấu cơm của cô gái 22 tuổi đến câu chuyện về Giant baby - những em bé khổng lồ mãi không chịu trưởng thành

Hải Yến,
Chia sẻ

Một cô gái 22 tuổi không hề quan tâm khi mẹ đi viện phẫu thuật mà chỉ lo lắng ai sẽ nấu cơm cho ăn.

Mẹ bị ốm nằm viện ai sẽ nấu cơm cho con ăn

Một bà mẹ ở Trung Quốc không may bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật sớm. Mọi người trong gia đình rất lo lắng. Họ cùng nhau chuẩn bị để đưa mẹ vào viện.

Khi bố và em gái thu xếp quần áo, cô chị 22 tuổi không hề tham gia. Bố hỏi tại sao, cô gái gắt lên rằng cô không phải là bác sĩ nên cô không giải quyết được chuyện này. Vẫn tiếp tục chơi điện thoại di động, cô hỏi: Mẹ đi viện phẫu thuật, ai sẽ nấu cơm cho con ăn.

Không những vậy, đến trưa cô gái cũng không tự mình nấu ăn, phải gọi điện đến bệnh viện cầu cứu mẹ. Người mẹ bất lực bảo con đến nhà bà ăn cơm. Ấy thế mà cô gái 22 tuổi đó còn yêu cầu phải có người chở cô đến nhà bà thì cô mới đi.

11

Mẹ nằm viện, con gái hỏi: "Ai nấu cơm cho con ăn".

Có thể thấy, cô gái 22 tuổi này không hề để ý đến tình trạng bệnh tật của mẹ mình. Điều bận tâm nhất chính là người nào có thể đáp ứng những nhu cầu của bản thân cô. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về thất bại của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Sự nuông chiều thái quá ngay từ thời thơ ấu đã tạo ra một em bé khổng lồ trong vỏ bọc của cô gái 22 tuổi.

Giant Baby – những em bé khổng lồ cộng sinh

Theo phân tích của Wu Zhihong - nhà tâm lý học Đại học Bắc Kinh trong cuốn sách "Vương quốc em bé khổng lồ" từng được xuất bản trước đây, bản chất của đứa bé khổng lồ là một loại tâm lý "cộng sinh".

Ta có thể hiểu, trong thời kỳ trẻ sơ sinh, mối quan hệ với người mẹ là sự "cộng sinh", đứa bé không thể tách rời khỏi người mẹ và người mẹ cũng không thể tách rời con vì tình mẫu tử.

Đây là điều hoàn toàn bình thường khi em bé còn nhỏ. Nhưng cùng với thời gian, đứa trẻ lớn lên sẽ dần tách khỏi mẹ, trở thành những cá thể độc lập. Nhưng sai lầm của cha mẹ khi quá nuông chiều con cái đã biến chúng mãi mãi là những đứa trẻ trong vỏ bọc của người trưởng thành, một "em bé khổng lồ".

Điểm rõ ràng nhận thấy nhất của "em bé khổng lồ" cũng giống như nhu cầu của trẻ nhỏ đó là "Tìm mẹ ở mọi nơi". Chúng không bao giờ sẵn lòng chăm sóc bản thân mà luôn muốn phụ thuộc, tìm ai đó chăm sóc cho mình.

Nếu trẻ con khiến bạn vui vẻ vì chúng ngây thơ và hồn nhiên thì những "em bé khổng lồ" khiến bạn thấy giống như thảm họa vì họ luôn đòi hỏi và ích kỷ.

em be 1

Những "em bé khổng lồ" đến từ đâu?

Ngày nay, trong nhiều gia đình, bạn có thể bắt gặp cảnh sau khi trẻ ăn xong, liền đi xem TV hoặc đi chơi để mặc mẹ mệt mỏi dọn dẹp rửa bát. Nếu có đồ ăn ngon, bố mẹ để con ăn thoải mái mà đứa trẻ ít khi để ý xem bố mẹ có ăn hay không. Hoặc nếu đứa trẻ bị bệnh, cha mẹ chăm sóc nó một cách chu đáo nhưng nếu cha mẹ không khỏe, con cái làm ngơ, không thăm hỏi... Đó chính là nơi sinh ra những "em bé khổng lồ".

Nói cách khác chúng chính là sản phẩm của sự nuông chiều thái quá. Trong mối quan hệ với những đứa trẻ không chịu lớn này, bố mẹ giống như lính cứu hỏa khi con có sự cố, giống luật sư bảo vệ con khi mắc lỗi, giống bác sĩ khi con đau ốm... Và chúng tự cho mình đặc quyền làm bất cứ điều gì mình muốn, cư xử theo cách của mình và giận dữ khi không được đáp ứng.

Mọi chuyện trở nên rắc rối khi những đứa trẻ này mãi không chịu trưởng thành còn bố mẹ thì ngày một già đi. Khi đó, họ sẽ không đủ sức đáp ứng hay phục vụ nhu cầu của những đứa con. 

Vậy, ai sẽ là người chăm lo cho những "em bé khổng lồ" này? Không cần phải có câu trả lời cũng biết được hệ lụy từ sự nuông chiều thái quá này rất lớn. Bản thân cha mẹ cũng không thể hình dung được khi chiều chuộng con hàng ngày.

Thậm chí có một bà mẹ già yếu bệnh tật đã phải kiện ra tòa vì con trai không chu cấp. Nhưng cái mà bà nhận được là sự trách cứ của người con: "Mẹ đã để con quá phụ thuộc vào mẹ. Chính tình yêu của mẹ đã hủy hoại con".

Hầu hết, cha mẹ khi nhận ra con mình là những đứa trẻ mãi không chịu lớn thì đã quá muộn. Không dễ để thay đổi nhận thức và hành vi của những đứa trẻ này. Vì vậy, nếu muốn con bạn trở thành người lớn, trước tiên bạn phải coi chúng như người lớn. Và hãy buông tay để con tự rời xa. Một chút gió, một chút mưa không làm con gục ngã, ngược lại còn giúp con bạn cứng cáp và trưởng thành hơn. Đó là sự tôn trọng đối với đứa trẻ và với chính bản thân bạn.

Chia sẻ