"Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều "em bé tuổi 30"?": Không phải cha mẹ nào cũng can đảm buông tay con cho tự vấp ngã...

Đoàn Thu Thủy,
Chia sẻ

Bài viết của một bà mẹ đơn thân đồng thời cũng là một nữ doanh nhân thật sự đã chạm vào trái tim của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ.

Giáo dục con cái vốn là một chủ đề không hề mới lạ nhưng luôn luôn là một chủ đề thu hút không chỉ các bậc phụ huynh mà còn nhiều người trẻ. Bởi lẽ, nhân cách một con người ra sao chính là tấm gương phản chiếu cả một quá trình được nuôi dạy.

Một bài viết cũ của doanh nhân Đoàn Thu Thủy chia sẻ về cách giáo dục có thiên hướng nuông chiều con đã khiến cho nhiều bậc làm cha làm mẹ phải ngậm ngùi. Từ chia sẻ của chị, có thể thấy cha mẹ càng cung phụng, chiều chuộng, con cái càng ỷ lại, khó sống khi bước ra ngoài xã hội. Cha mẹ nào cũng muốn con mình sung sướng, an nhàn nhưng xin các bậc phụ huynh đừng quên, có "khổ trước" mới có "sướng sau".

Doanh nhân Đoàn Thu Thủy được biết đến là giám đốc công ty chuyên thi công nạo vét luồng lạch và san lấp mặt bằng, chủ nhà hàng Cô Ba xứ Quảng... Sau khi ly hôn, chị đưa các con vào Sài Gòn và dùng tình yêu của mình để đối đãi với các con. Không ít lần, chị đã có những chia sẻ "gây sốt" cộng đồng mạng. Điều đặc biệt ở chị là những chia sẻ đều xuất phát từ trái tim bao dung của một người mẹ...

"Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều "em bé tuổi 30"?

Tôi nghĩ ngoài môi trường sống, xã hội, trường học thì điều quan trọng nhất vẫn là gia đình. Sự giáo dục của gia đình quan trọng hơn tất cả.

Tôi biết có bà mẹ con học lớp 8 mà vẫn không dám cho con đi cắm trại vì con không thể tự thay đồ. Tôi thấy có bà mẹ lội xuống dẫn xe qua con đường ngập nước với thằng con to xác ngồi trên yên xe... Các bà mẹ đã yêu thương không đúng cách, đã làm thay hết mọi việc cho con, không hề dạy cho con kỹ năng sống và con dần dần mất hết khả năng sống tự lập. Dần dần trở thành vô cảm, sống hời hợt vì quen được cung phụng.

Tôi biết có gia đình giàu có, cha mẹ khi còn sống lo tạo dựng của cải mà không quan tâm tới việc học hành, nghề nghiệp của con cái. Khi cha mẹ mất đi, dù được chia gia sản thì chẳng bao lâu họ cũng trắng tay, chạy xe ôm kiếm sống.

Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều em bé tuổi 30?: Không phải cha mẹ nào cũng can đảm buông tay con cho tự vấp ngã... - Ảnh 1.

Tôi nghĩ lúc đó con cái sẽ quay ra oán hận cha mẹ vì đã không được dạy dỗ đúng cách từ tấm bé.

Trẻ con từ lúc biết bò, biết đi chập chững đã phải dạy con chịu trách nhiệm với hành động của mình. Con có vấp té thì phải tự đứng lên, không vội đỡ, không đổ lỗi cho cái bàn, cái ghế. Con đau, cái bàn cái ghế cũng đau.

Cha mẹ phải biết nói "không" với những đòi hỏi vô lý và đã nói là phải giữ lập trường. Không vì con khóc lóc mè nheo mà thay đổi quyết định. Bởi được một lần, lần sau mức độ đòi hỏi sẽ tăng lên.

Phải bắt đầu dạy con biết thay áo, mặc quần từ rất sớm, dạy con xếp đồ chơi, sách vở gọn gàng.

Dạy con làm việc nhà, phụ xách đồ khi đi siêu thị, chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình trách nhiệm và nghĩa vụ.

Bắt đầu cho con đi một mình với các tổ chức từ khoảng 12 tuổi. Đi cắm trại, đi du học hè, từ gần đến xa. Ban đầu còn chỉ con cách tính toán đi mấy ngày phải đem theo bao nhiêu đồ cá nhân, lần thứ hai để con tự soạn đồ, tự chịu thiếu thốn nếu mang không đủ.

Vì sao Việt Nam ngày càng nhiều em bé tuổi 30?: Không phải cha mẹ nào cũng can đảm buông tay con cho tự vấp ngã... - Ảnh 2.

Phải khuyến khích con nói lên chính kiến của mình. Yêu thích trước cái đẹp, phẫn nộ trước cái xấu, cái ác, cảm thông với những khó khăn đau khổ của người bệnh, người nghèo, khơi gợi trong con lòng trắc ẩn.

Dạy con sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và với xã hội.

Chẳng phải là những lời dạy sáo rỗng mà chính từ hành động của cha mẹ: bỏ rác đúng nơi quy định, biết nhường người già, trẻ em, có những hành vi đúng mực nơi công cộng.

Hãy làm người cha, người mẹ sáng suốt. Dạy con điều hay, lẽ phải. Kẻo không ta sẽ có tội với chính con mình."

Chia sẻ