Trẻ lười và ngố vì quá ỷ lại người giúp việc

,
Chia sẻ

Đi họp phụ huynh, anh Thảo (Đống Đa, HN) đỏ mặt khi cô giáo góp ý về con trai, Cu Tí đã 5 tuổi mà mỗi lần đi tè vẫn phải nhờ cô đưa vào toilet và kéo quần hộ.

Trong khi đó, các bạn khác cùng lớp đều có thể tự đi, tự chỉnh quần áo rất chững chạc, cô giáo chỉ phải sửa lại đôi chút nếu còn nếu xộc xệch. Nghĩ lại, anh Thảo nhận ra con mình còn thiếu nhiều kỹ năng so với bạn cùng tuổi, vì tuy bố mẹ bận, không có thời gian chăm sóc tỉ mỉ nhưng mọi việc của bé đều đã có người giúp việc lo.
Nhiều lần Thảo góp ý với người giúp việc là để cháu tự ăn, tự phục vụ một số việc. Tuy nhiên, vì sốt ruột, mỗi lần Tí bảo muốn đi tè, bà đưa bé vào và giúp cháu cho nhanh; tương tự là khi cần phục trang để đi học, thay cởi đồ lúc về nhà... Trong chuyện ăn uống, bà giúp việc cũng không muốn để trẻ tự xúc vì một bữa có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Vả lại, Tí lười ăn, nếu không ép tận miệng thì bà sợ bé kém tăng cân, bị đánh giá là nuôi không mát tay và mất khoản thưởng mà chủ giao hẹn.

Còn chị Lương (quận Long Biên, Hà Nội) thì phiền muộn vì hai cô con gái tuổi chớm dậy thì của mình không biết và không chịu làm việc gì. Một lần đi làm về, Lương bảo con gái đầu lòng lấy cho cốc nước, nhưng cô bé đã gọi người giúp việc đang phơi đồ trên sân thượng tầng 4 xuống chứ không chịu di chuyển vài bước chân ra bàn rót cho mẹ.

Con gái chị Lương đứa học lớp 6, đứa lớp 8, đều học trường điểm. Thương con phải chịu áp lực thi đua với bạn bè, chương trình học cũng nặng, chị không để con đụng tay đến bất cứ việc gì. Từ gập chăn màn khi ngủ dậy, dọn lại bàn học, lấy nước uống, để giày vào giá... đều có người làm hộ. Thậm chí nhiều khi các con chị vào tắm mới ơi ới gọi chị giúp việc lấy hộ khăn hay quần áo.

Hai cô bé hầu như không biết làm gì. Có lần chị giúp việc về quê mấy hôm, chị Lương nhờ con gái hỗ trợ mình nội trợ, nhưng sau đó đành đuổi hai "tiểu thư" lên phòng học, vì cái gì cũng hỏng. Thay vì nhặt rau muống, con chị cầm dao cắt xoẹt gốc cả bó, rửa rồi cho vào nồi đun lúc nước chưa kịp nóng. Đồ ăn còn thừa thì bị cho cả đĩa vào ngăn đá tủ lạnh, cũng không bọc kín lại.

Tình trạng con trẻ trở nên quá lười biếng và vô dụng do người giúp việc "bao thầu" mọi việc trong nhà rất phổ biến ở các gia đình thành thị hiện nay. Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Hà, thuộc Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình (Hội liên hiệp thanh niên), tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ, khiến trẻ có thói quen ỷ lại hoặc coi thường lao động chân tay. Sau này khi lớn lên, nhiều trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tự tổ chức cuộc sống riêng cho mình.

Do đó, tiến sĩ Hà khuyên các phụ huynh không nên giao phó toàn bộ việc nhà cho người giúp việc. Nên quy định rõ những việc nào trẻ cần tự làm (thường là những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân trẻ như gập chăn màn, dọn bàn học của mình...) giao hẹn công khai trước cả gia đình và người giúp việc.

Với những việc đơn giản như lau dọn, chế biến các món cơ bản, là quần áo, người mẹ cũng nên có ý thức tập cho con biết làm, ít ra cũng xem cách mẹ làm, dù bình thường người giúp việc sẽ đảm nhiệm. Tránh tình trạng trẻ lớn rồi mà cắm nồi cơm, luộc rau... cũng không biết cách., nhất là với các em gái.

Với trẻ nhỏ nên tùy theo lứa tuổi để cho bé tự làm những việc phục vụ bản thân như mặc đồ, ăn uống, vệ sinh, cất dọn đồ chơi... Khi mới bắt đầu, trẻ sẽ làm sai, làm hỏng, gây mất thời gian, tuy nhiên bạn cần kiên trì để bé tự làm. Trong giai đoạn này, người mẹ cần dành thời gian tập cho con chứ không thể ỷ lại người giúp việc, vì họ sẽ có tâm lý "làm thay cho đỡ mất thời gian".

 
Theo Hải Hà
 Vnexpress.net
Chia sẻ