Trong khi H&M “chết chìm” trong đống hàng tồn kho thì Zara vẫn tăng trưởng vì những lý do này
Nhờ những chiến lược như thường xuyên tung ra sản phẩm mới, thay đổi cách bài trí cửa hàng, những shoot ảnh mang đặc trưng riêng và cách bán hàng giảm giá thông minh mà tình hình kinh doanh của Zara vẫn tăng trưởng khả quan, còn H&M lại ngày càng thua lỗ.
Zara và H&M là 2 trong số những thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ lớn nhất toàn cầu. Thế nhưng thời gian gần đây tình hình kinh doanh của cả 2 đã có khoảng cách rõ rệt. Trong khi Zara vẫn đang duy trì mức tăng trưởng khả quan thì H&M lại đang "chết chìm" trong đống hàng tồn kho khổng lồ và doanh số dậm chân tại chỗ.
Theo báo cáo kinh doanh mới đây của Inditex, công ty mẹ của Zara, thì hãng thời trang bình dân giá rẻ này có mức tăng trưởng lợi nhuận 7% trong năm 2017 và doanh thu quý gần nhất vẫn đang tiếp tục tăng. Còn về phía H&M, lợi nhuận của hãng đã giảm 62% trong quý I năm nay, sang đến quý II tình hình kinh doanh vẫn không khả quan. Lượng hàng tồn kho của H&M ở ngưỡng 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để lý giải tại sao 2 thương hiệu thời trang bình dân này lại có sự chênh lệch như vậy, mới đây tờ Business Insider đã có 1 bài phân tích những điểm chính. Trước tiên thị trường thời trang bán lẻ đang ngày càng có sự phát triển và cạnh tranh khốc liệt. Sự xuất hiện của những đối thủ bán hàng online như ASOS và Boohoo giúp người tiêu dùng có hàng ngàn lựa chọn mới mẻ mỗi ngày, điều này tạo áp lực lớn khiến cho các cửa hàng bán hàng truyền thống không thể theo kịp.
"Khách hàng muốn những thứ mới và họ cần nó ngay lập tức" – Nivindya Sharma, giám đốc chiến lược bán lẻ của tạp chí thời trang WSGN đã ghi lại trong báo cáo mới đây "Thời trang bán lẻ: Những chiếc lược thành công mới".
Hình ảnh quảng bá BST Xuân Hè 2018 của Zara.
Cũng theo bà Sharma, Zara đã thông minh khi đưa ra chiến lược: tung ra những sản phẩm mới với số lượng hạn chế để kích thích doanh thu. "Bằng việc thường xuyên đưa ra những sản phẩm mới với số lượng ít (so với đối thủ cạnh tranh), Zara không chỉ duy trì được sự mới mẻ mà còn tạo ra sự khan hiếm". Từ đó sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Bên cạnh đó, Zara cũng thường xuyên thay đổi cách bài trí cửa hàng để tạo cảm giác mới mẻ cho khách hàng mỗi khi đến mua sắm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể thấy các kệ hàng, cửa sổ trưng bày, ma-nơ-canh thường xuyên thay đổi mà không nhất thiết phải thay đổi sản phẩm.
Còn trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, Zara tập trung vào những shoot ảnh online mang phong cách đặc trưng riêng. Những hình ảnh đẹp đẽ, được đầu tư kỹ lưỡng cùng với việc thường xuyên trao đổi thông tin về các sản phẩm mới sẽ "tạo ra mong muốn và sự cấp bách để khách hàng thường xuyên ghé thăm cửa hàng" – bà Sharma nói thêm.
Ở phía đối diện, H&M từng được vinh danh là "ông vua thời trang nhanh", nhưng hãng ngày càng gặp phải nhiều áp lực khi những thương hiệu thời trang trực tuyến gia nhập cuộc chơi. Sự nhanh nhạy trong việc tìm kiếm khách hàng của họ đã khiến tình hình kinh doanh của H&M ngày càng đi xuống, kéo theo đó là lượng hàng tồn kho khổng lồ. Tuy nhiên, nếu H&M đem bán giảm giá hàng tồn kho thì có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu, khiến nhiều khách hàng coi H&M như 1 thương hiệu bán hàng giảm giá.
Trong khi đó, Zara lại áp dụng chiến lược bán hàng giảm giá thông minh. "Khi Zara giảm giá sâu, hãng không tung ra nhiều sản phẩm mới. Còn khi có nhiều sản phẩm mới, Zara lại không giảm giá sâu". Chính vì thế, Zara đã tạo nên tín hiệu thống nhất và rõ ràng, các mặt hàng họ bán cũng trở nên hấp dẫn và "dụ dỗ" khách hàng mua một cách nhanh chóng.
Dương Mịch và Triệu Hữu Đình trong BST Tân Xuân 2018 của H&M Trung Quốc.
Nguồn: Business Insider