Trở về từ New Zealand, bà mẹ này đang làm thay đổi tư duy chăm sóc trẻ của gia đình Việt
Câu chuyện của Minh Tú là một minh chứng rằng, chỉ cần thật sự yêu thương, tôn trọng người bạn đời của mình thì với việc vừa gây dựng một gia đình hạnh phúc, vừa thành đạt với sự nghiệp riêng là điều hoàn toàn có thể.
Gặp Nguyễn Minh Tú, cô gái được khá nhiều mẹ biết đến trên mạng với Facebook Starr Nguyễn, đồng sáng lập của trung tâm spa đầu tiên cho trẻ sơ sinh tại Việt Nam - Baby Hub, tôi ngạc nhiên vì thấy Tú không có chút sang chảnh, thong dong như phong thái thường thấy của các CEO trong lĩnh vực này.
Trái lại, Tú như một bảo mẫu mẫn cán, luôn thoăn thoắt hết việc này đến việc kia, thậm chí trực tiếp hướng dẫn khóa massage dành cho các bé sơ sinh. Đáp lại thắc mắc của tôi, Tú nhoẻn cười: "Thì mình mở trung tâm này để thỏa mãn ước mơ chăm sóc các nhóc tì mà!".
Minh Tú baby hub
Du học New Zealand từ năm 17 tuổi, Tú đã từng làm rất nhiều nghề nhưng những công việc nàng yêu thích nhất đều liên quan đến chăm sóc người khác. Đó là trông giữ trẻ (baby sitting), chăm sóc người cao tuổi, các công việc trong lĩnh vực khách sạn nhà hàng. Tú cảm giác mình sinh ra đã có bản năng ấy, luôn thích chơi với các em nhỏ hơn và luôn dễ dàng kết nối với trẻ con. Tú đã chọn học chuyên ngành khai thác khả năng này là Kinh tế Du lịch cùng với Marketing và có start-up đầu tiên là mở một nhà hàng Việt Nam tại Malaysia. Khi quyết định cùng chồng, một nghệ sĩ tattoo người Malaysia về Việt Nam sinh sống, Tú quyết tâm nghe theo tiếng nói mách bảo của trái tim, tìm những công việc liên quan đến trẻ mầm non.
Với thế mạnh về tiếng Anh và khả năng kết nối tốt với trẻ, Tú bắt đầu với công việc trợ giảng và Marketing tại các trường mầm non quốc tế, nơi tiếng Anh được sử dụng hoàn toàn như ngôn ngữ duy nhất. Trải qua các vị trí làm việc khác nhau, Tú tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng cũng nhận ra một bất cập đó là ngay cả các trường mầm non quốc tế cũng bị chi phối bởi những nền tảng giáo dục cũ trong phương pháp tiếp cận trẻ hay cách triển khai chương trình.
Nguyên nhân sâu xa theo Tú là do những người quản lý bản thân chưa từng trải nghiệm công việc giáo dục và chăm sóc trẻ nên những chỉ đạo của họ với giáo viên thiếu thực tế, gây áp lực với giáo viên một cách vô lý. Cách làm này khác với những gì Tú chứng kiến khi sống ở New Zealand, khi những người chủ, quản lý luôn làm cùng với các nhân viên; bản thân họ trước khi lên làm chủ cũng trải qua những công việc như cấp dưới của mình. "Người châu Á thường được nuôi dưỡng với mục tiêu làm chủ trong khi người phương Tây quan niệm muốn làm chủ thì phải làm tớ trước" - Tú chia sẻ. Đó là lúc Tú cảm thấy mình cần phải tách ra làm riêng, tổ chức và quản lý theo cách của mình.
Minh Tú - người sáng lập trung tâm spa đầu tiên cho trẻ sơ sinh tại Việt Nam - Baby Hub.
Trong một lần sang Malaysia, Tú có dịp nói chuyện với một người bạn đang làm việc tại một trung tâm spa cho trẻ sơ sinh. Sau khi tìm hiểu, Tú cảm thấy hứng thú với lĩnh vực mới mẻ đang rất phát triển ở các cường quốc như Anh, Mỹ, Canada, Australia... Và ngay lúc đó, Tú đã quyết định rằng mình sẽ là người mang mô hình này vào Việt Nam.
"Khi bắt đầu, mình tìm hiểu thì thấy tại TP.HCM cũng có dịch vụ massage cho trẻ em nhưng ở đó các em bé chỉ là đối tượng "ăn theo". Khi các bà mẹ tới massage thì họ tách trẻ sang phòng khác massage riêng cho trẻ để các mẹ thoải mái thư giãn. Cách làm này đi ngược lại với quan điểm khoa học về chăm sóc trẻ: Cơ thể trẻ em rất thiêng liêng và không thể để người lạ tùy tiện động chạm khi không có sự giám hộ của cha mẹ. Vì vậy, tại baby spa, cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con, trực tiếp tắm cho con, massage cho con dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia được đào tạo, cùng khám phá những trải nghiệm mới với con và thật sự kết nối, thấu hiểu cơ thể, cảm xúc của con." - Tú chia sẻ.
Minh Tú trực tiếp hướng dẫn bố mẹ cách massage cho con.
Chúng ta dành hàng chục năm để làm tốt công việc của mình nhưng "sự nghiệp" quan trọng nhất trong đời chúng ta là làm cha mẹ thì chúng ta lại ít "đầu tư chuẩn bị". Đó là lý do thúc đẩy Tú đi học khóa đào tạo chuyên gia Baby Massage của Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế (IAIM) để trở thành đại diện của Hiệp hội này tại Việt Nam, mở các khóa hướng dẫn về massage cho trẻ sơ sinh dành cho các bố mẹ. Cùng các cộng sự là các mẹ có chuyên môn về tâm lý, sư phạm mầm non…, Tú kết hợp các hoạt động hướng dẫn cha mẹ phát triển cả thể chất và tinh thần cho con, thành lập câu lạc bộ ParentsHub để các phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con và nhận tư vấn từ các chuyên gia.
Một trong những hoạt động dành cho bé kỳ lạ nhất ở spa của Tú chính là Baby Float. Những em bé chỉ mới vài tháng tuổi nổi dập dềnh trong chiếc bồn tắm massage trong suốt với chiếc phao đỡ cổ, khoan khoái quẫy đạp và hiếu kỳ ngắm ánh đèn đổi màu trên mặt nước. Baby Float được phát triển bởi Laura Sevenus, cựu vận động viên bơi lội quốc gia Nam Phi, người mở ra trung tâm spa cho trẻ đầu tiên trên thế giới tại Kensington, Anh. Với 20 phút hoàn toàn thả lỏng, bơi nổi tự do trong nước, bé thoải mái vận động tay chân, phát triển kỹ năng phối hợp, tăng cường sức mạnh của hệ cơ và xương, tự tin kiểm soát vận động.
Tuy nhiên, Tú cho biết, trong khi nhiều bé, nhất là các bé dưới 9 tháng rất thích thú hoạt động này thì một số bé lại tỏ ra hoảng sợ khi được đưa vào bể. Lý do là bởi các em bé này được gia đình chăm sóc quá kỹ.
Tương tác với trẻ trong giờ baby float.
"Khi một đứa trẻ ra đời, gia đình nào cũng sắm nào cũi, ghế rung, ghế xe ô tô, địu, ghế ăn... Nhiều bé luôn được quấn chặt khi ngủ vì người lớn sợ trẻ giật mình. Chúng ta tìm mọi cách để buộc/ giữ trẻ thật chặt. Hệ quả là tiền đình của trẻ kém, khó giữ thăng bằng. Trẻ mất đi bản năng vốn có chỉ vì quá đầy đủ, quá được yêu thương!" - Tú chia sẻ.
Ban đầu đối tượng mà nhóm của Tú hướng đến chăm sóc là các bé từ 0 - 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau 3 tháng vận hành thử, Tú nhận ra với các trẻ trên 12 tháng, các gia đình đã hình thành thói quen chăm sóc trẻ và trẻ cũng đã thích ứng với lối chăm sóc có quá nhiều sự hỗ trợ nên cảm thấy sợ hãi khi được để tự chủ vận động. Các bé sợ cảm giác một mình trong bồn nước, sợ không dám chạm vào các chất liệu khác nhau như bùn, cát, sỏi đá, cây cối… - những thứ được người lớn dặn là "bẩn", không vệ sinh.
Tại Baby Hub, tôi chứng kiến một cảnh tượng lạ. Chị Hoàng Ly bình thản nhìn bé Sóc 9 tháng tuổi bỏ một hạt đồ chơi hình tròn vào miệng nhằn. Thấy ánh mắt hốt hoảng của tôi, Ly cười: "Chị đừng lo, bé thấy không ăn được sẽ tự nhả ra thôi!". Quả thực, sau một lúc nhằn thử trong miệng, bé Sóc nhè cái hạt tròn ra tay mẹ. Ly bảo thực ra chẳng phải mình "thần kinh thép" gì cả, chẳng qua đã được các cô hướng dẫn khóa Phát triển giác quan (Baby Sensory) giải thích tỉ mỉ rồi nên không còn lo lắng nữa. Bản năng của một đứa trẻ bình thường là khi cho một món đồ vào miệng sẽ cắn thử, thấy không có vị gì, không cắn được sẽ tự động xác định đó không phải là thức ăn và nhè ra thôi. Tai nạn chỉ xảy ra nếu người lớn nhìn thấy và la hét quát nạt, khiến trẻ giật mình mà nuốt vào để bị hóc.
Căn phòng Baby Sensory là căn phòng thú vị nhất của Baby Hub. Ở đây có những chiếc rổ đựng các loại hạt ngũ cốc, các loại lá cây gia vị, những món đồ chơi với nhiều chất liệu khác nhau, một tấm bảng có đèn đổi màu liên tục... để trẻ sử dụng tất cả các giác quan khám phá. Đặc biệt có một bảng điện mô phỏng với các ổ cắm điện, giắc cắm, modem wifi... để trẻ tha hồ sờ nắn, thỏa mãn sự tò mò. Mỗi khi trẻ chạm vào những đồ vật này, các cô cũng nhẹ nhàng nói với trẻ rằng đó là những đồ vật nguy hiểm, không nên sờ. Tú giải thích rằng bởi vì khi trẻ được thoải mái khám phá và được giải thích cặn kẽ rồi thì về nhà sẽ không còn tò mò với những vật dụng đó nữa.
Nhưng nếu như các bố mẹ trẻ có thể nhanh chóng tiếp nhận những kiến thức mới về chăm sóc trẻ thì những thành viên lớn tuổi trong gia đình khó khăn hơn. Tú chia sẻ nhiều ông, bà không yên tâm đến tận nơi "kiểm tra", ngày nào cũng đi cùng cháu. Tú cũng khuyên các bố mẹ trẻ không nên quá căng thẳng với ông bà khi có khác biệt về quan điểm nuôi dạy trẻ. "Chúng ta nên lựa chọn những gì cần đấu tranh và những gì có thể dung hòa. Ví dụ như dứt khoát về chuyện phải để cho con tự xúc ăn nhưng việc bật ti vi khi con ở nhà ông bà có thể du di. Bởi sự căng thẳng giữa người lớn có tác động tiêu cực tới bọn trẻ hơn nhiều lần so với vài giờ xem ti vi."
Gia đình cần đến sự hy sinh, nhưng không chỉ của riêng người phụ nữ
"Mình rất thích số 2. Số 2 là phương châm sống của mình!" - Tú cười. Thấy tôi còn ngơ ngác chưa hiểu, Tú giải thích: "Cái gì cũng cần có sự cân bằng, có đôi thì sẽ cân! Để gia đình là tổ ấm thì cần có sự hi sinh, nhưng sự hi sinh không thể chỉ đến từ người phụ nữ!".
Và Tú chia sẻ với tôi về gia đình mình, về người bạn đồng hành đã "thay phiên" hy sinh với nàng để cả hai vừa có thể theo đuổi đam mê riêng, vừa giữ lửa niềm đam mê chung là đam mê… nhau và đam mê con. Hai người đã yêu nhau được 11 năm, kết hôn được 6 năm, chia sẻ cuộc sống với nhau từ khi còn ở New Zealand, rồi Malaysia và bây giờ là Hà Nội. Hai năm đầu sau khi sinh con, Tú chủ động lui về phía sau, ở nhà chăm sóc gia đình để anh tập trung cho công việc. Sau hai năm, công việc của anh đã dần ổn định thì tới lượt anh dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, trông con vào dịp cuối tuần để Tú toàn tâm toàn ý xây dựng Baby Hub. Tú chia sẻ cũng nhờ hai vợ chồng thống nhất với nhau về các quy tắc trong gia đình, phương pháp nuôi dạy con từ trước khi sinh bé nên bé rất tự lập, không phải chăm sóc vất vả. Cả hai bên gia đình đều mừng cho Tú vì tìm được hướng đi hợp với thiên hướng của mình.
Câu chuyện của Tú là một minh chứng rằng, chỉ cần thật sự yêu thương, tôn trọng người bạn đời của mình thì với việc vừa gây dựng một gia đình hạnh phúc, vừa thành đạt với sự nghiệp riêng là điều hoàn toàn có thể. Khi đó, gia đình thực sự là một phép cộng với tổng lớn hơn rất nhiều so với những gì mỗi người có thể làm được trong đời khi chỉ là một cá thể riêng lẻ.
Ảnh: Quý Nguyễn
Clip: KingPro