Tôi tình cờ bị Nam Phương thu hút khi xem một đoạn clip cô ấy và con gái 4 tuổi tên Bư “bắn” tiếng Anh như gió với nhau. Ngay khi ấy, tôi háo hức nghĩ rằng “mình sẽ có một bài viết hay với chủ đề dạy con học tiếng Anh sớm”, một chủ đề đang được rất nhiều bố mẹ - các độc giả của tôi quan tâm. Nhanh chóng có một cuộc hẹn để thực hiện bài viết, tôi đã phải nín thở để giữ bình tĩnh khi cô ấy xuất hiện, phải nín thở để không thốt ra “Có đúng bạn là một bà mẹ hai con không vậy?”.
Trước mắt tôi, là một cô nàng da trắng bóc, lấp ló những hình xăm ấn tượng, đeo cặp kính với mắt kính tròn to, kẻ mắt đậm, ăn mặc phong cách và nhất là nhuộm tóc bằng một thứ màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng không biết cụ thể là màu gì mà cũng chẳng giống ai. Nếu không dắt theo một cô bé con xinh xắn và bẽn lẽn, hẳn tôi đã không nhận ra nhân vật của mình. “Một-người- như-thế” trông giống một họa sỹ cá tính, thành viên của một ban nhạc Rock hoặc ít ra cũng là một nhiếp ảnh gia thích phiêu lưu hơn. Nhưng không, cô ấy là một người mẹ. Một người mẹ cực kỳ thú vị mà tôi sẽ cùng các bạn trò chuyện trong bài viết này.
"Unschooling" - "Dạy con tại nhà" là một khái niệm khá phổ biến ở nước ngoài, tuy nhiên còn lạ lẫm với phần lớn bố mẹ Việt. Những bố mẹ lựa chọn "Unschooling" sẽ không cho con đi học tại các trường học truyền thống mà tự dạy con tại nhà bằng các giáo trình và phương pháp do bố mẹ lựa chọn.
Đó là những dòng “tự giới thiệu về bản thân” của Nam Phương trên trang cá nhân. “Làm mẹ toàn thời gian” có lẽ là một khái niệm còn mới mẻ đối với cha mẹ Việt. Trong suy nghĩ của nhiều người, “làm mẹ toàn thời gian” chỉ đơn giản là ở nhà trông con, quanh quẩn với bỉm-sữa-giặt giũ-cơm nước-dọn dẹp. Nam Phương khởi đầu hành trình làm mẹ cũng với những suy nghĩ gần như thế, nhưng rất nhanh sau đó, khi nhận ra rằng “các con cần mình” thì cô ấy đổi hướng, lựa chọn các con cho ưu tiên số 1 của mình và làm mẹ toàn thời gian. Bạn sẽ thấy đó là một quyết định đầy bất ngờ nếu “làm quen” một chút với Nam Phương-trước-khi-làm-mẹ.
Có quá nhiều chủ đề lôi cuốn để trò chuyện với Nam Phương, về nhiếp ảnh, về nước Mỹ, về những bức tranh hay ước mơ được hát… nhưng cuối cùng, chủ đề duy nhất chúng tôi rôm rả chia sẻ với nhau lại là làm mẹ và nuôi dạy con, về dạy con học tiếng Anh sớm, về “homeschool”… và tôi thấy những niềm vui rạng rỡ ánh lên trong mắt cô ấy khi nói về những trải nghiệm làm mẹ.
Qua những gì bạn chia sẻ và cả một chặng đường tuổi trẻ với quá nhiều thay đổi, bạn cũng tự nhận mình là người sống cảm tính. Vậy quyết định làm mẹ toàn thời gian và tự dạy con ở nhà của bạn có phải là một quyết định cảm tính không?
Đúng là mình là một người sống rất cảm tính. Phần lớn các quyết định là để cho cảm xúc thu hút và dựa vào trực giác, nên nhiều khi cũng có những quyết định có thể là hơi vô lý. Nhưng về lâu về dài, cho dù người khác có nghĩ nó đúng sai thế nào thì ở thời điểm mà mình đưa ra một quyết định nào đó đối với mình vẫn là điều mà mình muốn làm, là con người mình ở thời điểm đấy, cho nên nó thật nhất với mình. Vì thế chuyện đúng sai cũng không còn quan trọng nữa. Nếu đúng thì tốt, còn nếu sai thì mình sẽ học được một bài học nào đấy!
Nhưng làm mẹ toàn thời gian và dạy con ở nhà lại là một chuyện hoàn toàn khác. Vì nếu sai, bạn sẽ không thể làm lại hay sửa sai cho chính mình và cho con được?
Có thể ở thời điểm đưa ra quyết định này thì đó là một quyết định cảm tính, nhưng mình tin vào trực giác của một người mẹ, lựa chọn điều tốt nhất cho con và cho cả bản thân mình nữa. Mình không kì vọng quá nhiều vào kết quả hay dự đoán “diễn biến” của một hành trình dài, mình tận hưởng từng chút một niềm vui đến với mình và các con mỗi ngày thôi. Cho đến lúc này, mình vẫn thấy quyết định này đã thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt hơn rất nhiều.
Ngay cả việc dạy tiếng Anh sớm cho con cũng là một “bước ngoặt” bất ngờ. Sau khi sinh con đầu lòng cho đến lúc con 1 tuổi, mình vẫn nuôi dạy con hoàn toàn theo bản năng và theo “cách ông bà vẫn làm”. Mình nghĩ đợi con lớn một chút sẽ gửi con đi học ở một trường mầm non nào đó, cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với một người bạn người Belarus và nhận được lời khuyên nên dạy ngoại ngữ cho con từ sớm thì mình cũng thử dạy con tiếng Anh. Rồi mình lại gặp một người bạn người Úc quen qua một nhóm nhạc nghiệp dư và được chia sẻ rằng cô ấy đang “homeschool” cho con. Lúc ấy, mình thậm chí còn chưa biết “homeschool” là gì, như thế nào và cũng không có ý định nào cả vì nghĩ rằng ở Việt Nam thì không thể “homeschool” từ đầu đến cuối được.
Sau đó một thời gian, từ việc dạy con tiếng Anh, mình chủ động đọc thêm, tìm hiểu kĩ một số cuốn sách về giáo dục trẻ em, về “homeschool”… Sau này, mình có đọc được một câu nói của Mahatma Gandhi rằng: “Không trường học nào sánh được với một ngôi nhà yêu thương, và không giáo viên nào sánh được với cha mẹ tốt” , đó là lúc mình thực sự thay đổi quan điểm của bản thân về việc giáo dục trẻ em và quan tâm một cách nghiêm túc đến vấn đề này.
Bạn có tin là mình sẽ theo đuổi “homeschool” cho đến khi con con đủ trưởng thành và có thể tự quyết định được con đường mình sẽ đi không?
Mình không dám nói trước là mình có thể đi hết cả quãng đường cùng con từ bây giờ cho đến lúc con học hết cấp 3 hay không, mình không nói trước cái gì cả. Nhưng dựa trên những gì mình tìm hiểu và sẽ còn tìm hiểu thêm nhiều nữa thì hiện nay mình rất tự tin về con đường mà mình đã chọn.
Quyết định tự dạy con ở nhà, bạn theo đuổi quan điểm giáo dục nào để dạy con và giúp bản thân tự tin hơn với lựa chọn này?
Mình thấy rằng, đối với trẻ em, điều quan trọng nhất của quá trình học hỏi và để học hỏi thành công đó là sự chủ động và sự tham gia tích cực của các con vào một hoạt động cụ thể nào đó. Để một đứa trẻ có được sự chủ động và tích cực thì người lớn phải cho đứa trẻ đó quyền được lựa chọn, để cho nó dẫn dắt, người lớn phải lựa theo sở thích của trẻ, biết ở thời điểm nào trẻ sẵn sàng học hỏi kĩ năng gì. Nếu không có đủ kiến thức để nhận biết một đứa trẻ đang ở mức độ nhận thức nào, ở giai đoạn phát triển nào, có thể học cái gì, thích cái gì mà bất chấp mọi thứ để ép trẻ phải học, thực hiện một nội dung nào đấy thì nó sẽ có rất ít cơ hội thành công.
Sự “thành công” mà bạn vừa nói đến theo bạn được đánh giá theo những tiêu chí nào?
(Cười lớn) Mình nghĩ sự thành công là giúp con có một thái độ tích cực đối với việc học, con rất là thích học và ngày càng chủ động hơn đối với việc học hỏi, khám phá. Mình nhận thấy rõ điều này ở Bư, dù còn bé, nhưng con rất thích đọc sách, rất thích các đề tài khoa học như vũ trụ và cơ thể người, và đặc biệt hứng thú với đề tài não người. Hôm nào mà mẹ mệt, tỏ ý không muốn đọc sách là bạn ủ rũ ra mặt!
Con yêu thích việc đọc sách đối với mình cũng là một thành công. Mình nghĩ đó là kết quả của một quá trình dài con được chủ động tiếp cận với nội dung này qua những cuốn sách mẹ đọc cho con nghe, một cách tự nhiên, như là một trò chơi vậy. Ngoài đọc sách, mình và con còn có rất nhiều hoạt động “học” khác nữa như nói chuyện với mẹ, làm việc nhà, chơi với em, học tiếng Anh, học số, học chữ…
Bạn có nghĩ rằng, dù sao quyết định “giữ con ở nhà” cũng là một quyết định chủ quan của người mẹ, và điều đó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các con không? Vì nhiều bà mẹ hiện đại khác cũng dành rất nhiều thời gian cho con, nhưng theo cách là "xách con lên và đi", họ mang theo con trong mọi công việc, hành trình của mình để đứa trẻ được trải nghiệm còn mẹ vừa có thể làm việc vừa được ở bên con?
Thực ra là đứa trẻ nào trong những năm đầu đời cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường mà nó sống. Vì thế, khi chọn việc dạy con tại nhà là mình mong muốn con được lớn lên trong một môi trường có nhiều tình yêu thương nhất, đó là nơi con được tự do chơi và được phép quyết định sử dụng thời gian của con theo cách con muốn dưới sự hướng dẫn của mẹ. Đối với nhiều bố mẹ thì nên cho con va chạm từ sớm, như là đi học trường công, đến trường để bé thông minh hơn và được tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng lứa.
Tuy nhiên, theo những gì mình hiểu và học được thì những trải nghiệm trong 5 năm đầu đời sẽ là những điều theo một đứa trẻ vĩnh viễn suốt cuộc đời, nó sẽ để lại những ảnh hưởng lên sự phát triển não bộ của đứa trẻ đó vì thế điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ ở giai đoạn này đó là nó cảm thấy mình được yêu thương, cảm thấy mình hạnh phúc và thấy mình đặc biệt, thấy mình được trân trọng. Đó chính là nền tảng quan trọng nhất để trẻ phát triển những kĩ năng khác chứ không phải những kiến thức dạy cho đứa trẻ về toán hay đọc sớm hay tiếng Anh, hay giao tiếp xã hội… Môi trường ở bên ngoài, nơi trẻ dành phần lớn thời gian để chơi - học mà không có sự hướng dẫn của bố mẹ, rất có thể không bảo đảm được nền tảng này. Mình thực sự tin rằng con rất cần cha mẹ trong những năm đầu đời, không chỉ ở bên con trông con, mà còn tích cực chơi và dạy con, nói chuyện với con, chia sẻ với con. “Giữ” con ở nhà cũng không có nghĩa là con ở nhà với mẹ cả ngày. Đi đâu mình cũng vẫn mang con theo đấy chứ!
Mình cũng nhận thấy các con chính là cơ hội để chính mình thay đổi, cải thiện bản thân mình tốt hơn. Cho nên mình lựa chọn ở nhà với con cũng là một cơ hội để mình biết yêu thương hơn, vì nói thật là hồi con gái đầu lòng 1 tuổi, mình đã từng nhiều lần nổi điên lên với con khi cho con ăn dặm và bé thì lười ăn, hay khi bé vô tình giơ tay đánh mẹ thì mình cũng nổi cáu và mắng con… Sau này nghĩ lại tất cả những điều đó mình thấy vô cùng hối hận. Khi dành nhiều thời gian bên con, cố gắng hiểu con thì mình cũng biết cách kiểm soát cảm xúc của mình hơn.
Nếu so sánh bản thân mình bây giờ với mình cách đây 3 năm thì đã có một sự thay đổi rất lớn. Mình đã trưởng thành hơn rất là nhiều, đặc biệt là việc kiểm soát cảm xúc, lời nói và hành vi để làm gương cho con, bởi vì làm gương cho con chính là một cách dạy con hiệu quả nhất.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những câu hỏi hóm hỉnh và đáng yêu của bé Bư 4 tuổi ngồi bên cạnh mẹ về trò chơi mà bé đang chơi và kết thúc một cách bất thình lình khi bé Siêu Tăm vừa tròn 1 tuổi tỉnh giấc ngủ trưa khóc gọi mẹ. Tôi cũng biết rằng, sẽ còn rất nhiều điều để chúng tôi cùng chia sẻ, vì hành trình làm mẹ toàn thời gian và dạy con ở nhà của Nam Phương thực ra cũng chỉ mới bắt đầu. Nhưng bạn biết đấy, thật khó có thể làm gì khi có tới hai đứa trẻ yêu thương bạn bằng 100% tình yêu của chúng đang ở bên cạnh.
Nam Phương, tôi hay bạn - những người đã bắt đầu cuộc hành trình suốt cuộc đời mình - hành trình làm mẹ, cho dù không khởi đầu trên cùng một vạch xuất phát, không cùng hướng đến một cái đích chung, hay không cùng đi trên một con đường đã được vạch sẵn thì chúng ta vẫn luôn có chung một tình yêu thương, một nỗi lo âu, một bầu trời hi vọng - là những đứa con - nguồn cảm hứng để mỗi ông bố bà mẹ tự viết nên cho mình một câu chuyện riêng thật đặc biệt.