Triết lý nuôi dạy con thành công của bà mẹ có 6 con đều có bằng tiến sỹ

Thủy Linh,
Chia sẻ

Theo quan điểm của bà, nuôi dưỡng nhân cách con người mới là yếu tố quan trọng nhất giúp con cái đạt được thành công.

Quan Hui-Xing sinh ra ở Hàn Quốc. Bà có bằng tiến sỹ chuyên ngành xã hội học và nhân chủng học của trường Đại học Boston, Hoa Kỳ, đồng thời bà cũng từng là giáo sư giảng dạy thuộc trường Đại học Yale, Hoa Kỳ. Hiện tại, bà đang giữ chức giám đốc Viện nghiên cứu East Rock, Hoa Kỳ.
 
Dạy con
Bà Quan Hui-Xing.
  
Bà Quan có sáu người con – bốn con trai và hai con gái. Tất cả sáu người con của bà đều có bằng tiến sỹ của các trường đại học danh giá, như Đại học Harvard hay Đại học Yale, và mỗi người trong số họ đều đang giữ những trọng trách quan trọng. Bà được tôn vinh là “The First Mother In Korea” (Tạm dịch: Hàn Quốc Đệ Nhất Từ Mẫu) và được cả thế giới biết đến với thành công lớn trong việc nuôi dạy con cái.
 
Gia đình sáu người con của bà Quan Hui-Xing.
 
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông CBS, bà Quan đã tiết lộ về triết lý giáo dục đặc biệt của mình. Có thể các ông bố bà mẹ sẽ học tập được điều gì đó từ bà để nuôi dạy con cái trở thành người thành đạt.

Một người mẹ cần không ngừng trau dồi bản thân

Một người mẹ tốt cần biết khai thác khả năng của bản thân, bất kể trong công việc hay trong cuộc sống. Nếu muốn nuôi dạy con cái trở thành người có tài năng vượt trội, một người mẹ trước hết phải không ngừng nâng cao trình độ để làm gương tốt cho con.
 
Người mẹ muốn làm gương tốt cho con trước hết cần không ngừng trau dồi bản thân.
 
Để phát triển bản thân, người mẹ cần biết cách dung hòa vai trò làm mẹ và trách nhiệm xã hội. Tôi cho rằng điều giúp một người mẹ cân bằng được cuộc sống gia đình và sự nghiệp chính là thái độ của họ đối với hai khía cạnh này. Liệu một người mẹ có thể đưa ra những kiến giải để phát triển bản thân? Có thể rèn luyện kỹ năng ưu tiên công việc? Và có thể giải quyết được những xung đột nảy sinh do những bất đồng giữa công việc và cuộc sống hay không?

Đừng bao giờ hy sinh bản thân vì con cái

Cha mẹ tôi không bao giờ hy sinh vô điều kiện cho con cái của họ. Họ luôn không ngừng học hỏi, tiến bộ và làm giàu thêm vốn sống của bản thân. Quan điểm và thái độ nhân sinh của họ ảnh hưởng đến rất nhiều người.
 
Người mẹ tốt là người biết cân bằng giữa vai trò người mẹ và trách nhiệm xã hội.
 
Tôi cho rằng trách nhiệm quan trọng nhất của một người mẹ là dạy dỗ con cái, để giúp các con chuẩn bị cho tương lai và sống cuộc sống của chính mình. Để trở thành “người dẫn đường” tốt nhất cho con, mỗi bậc phụ huynh trước hết phải suy nghĩ cặn kẽ về những mục tiêu trong cuộc sống của bản thân và phải có tầm ảnh hưởng cũng như khả năng giúp đỡ người khác. Tư duy này sẽ là tấm gương tốt cho con cái họ.

Nếu bố mẹ chỉ biết “nuôi” con mà không biết “dạy” con, con cái họ khó mà đạt được thành công. Bố mẹ phải sống có mục đích và phải không ngừng phát triển bản thân dù phải gánh trên vai gánh nặng con cái. Điều này thường khó thực hiện hơn việc hy sinh bản thân nhưng đó mới là tình yêu sâu sắc nhất chúng ta có thể dành cho các con.

Kiến tạo môi trường học tập

Chúng tôi không bao giờ ép buộc các con đến trường, nhưng bất cứ nơi đâu trong nhà, các con tôi đều sẽ thấy một chiếc bàn trống và một thành viên khác trong gia đình đang học tập chăm chỉ. Các con tôi trưởng thành với nhận thức rằng học là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày.
 
 Kiến tạo môi trường học tập để các con coi học tập là một hoạt động tất yếu của cuộc sống.
 
Trong gia đình chúng tôi, một chiếc bàn không chỉ là một thứ đồ nội thất, mà là nơi đặc biệt dành riêng cho việc học. Chúng tôi có 19 chiếc bàn trong nhà. Mỗi thành viên trong gia đình có hai chiếc bàn: một chiếc ở tầng ở chính và một chiếc trong thư viện dưới tầng trệt.

Duy trì tốt mối quan hệ gia đình

Khi hai bố mẹ tôn trọng lẫn nhau, điều này sẽ có tác động không nhỏ đến con cái. Mặt khác, khi phải chứng kiến bố mẹ tranh cãi, con cái sẽ lớn lên với những vấn đề dai dẳng về tâm lý.

Chúng tôi cố gắng hạn chế hết sức việc tranh cãi ở nhà và giải quyết vấn đề bằng cách nói chuyện với nhau. Chúng tôi không muốn các con bị ảnh hưởng không tốt bởi những vấn đề của người lớn và luôn tiếp tục cố gắng tạo gương tốt cho các con.
 
Con cái chứng kiến bố mẹ tranh cãi có thể gặp các vấn đề tâm lý gây hại cho quá trình phát triển. 
 
Dù cẩn thận thế nào, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có những bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, trước mặt con cái, tôi sẽ vẫn cố gắng duy trì vị thế của chồng tôi trong gia đình, và ngược lại chồng tôi cũng làm như vậy. Vì thế, các con tôi luôn tôn trọng bố mẹ mình. Một gia đình duy trì được mối quan hệ tốt giữa hai bố mẹ là yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.

Khuyến khích các con mở lòng với bố mẹ
 
Bữa ăn là thời điểm thích hợp để con cái chia sẻ về cuộc sống với bố mẹ.
 
Gia đình tôi ăn sáng cùng nhau mỗi ngày. Trên bàn ăn mỗi buổi sáng, chúng tôi có thể trò chuyện và cảm nhận được tâm trạng của các con – để giúp đỡ kịp thời nếu bất kỳ ai phải chịu áp lực hay gặp chuyện không vui.

Khi nói chuyện với các con có hai điều cần tránh; đừng hỏi những câu hỏi trực tiếp như “Chúng ta hãy nói về chuyện này”, và đừng nói như thể ra lệnh cho con. Bọn trẻ sẽ không bao giờ muốn chia sẻ với bố mẹ chuyện gì nếu hai bên trò chuyện như vậy.

Lắng nghe và chỉ bảo

Thông thường, con cái không muốn trò chuyện với bố mẹ vì hai lý do: bố mẹ không thấu hiểu và bố mẹ không thể giúp đỡ.
Những ông bố bà mẹ tốt nên ghi nhớ hai từ này: lắng nghe và chỉ bảo.
 
Học tập tích cực và nuôi dưỡng nhân cách của mỗi người

Mỗi con người cần được nuôi dưỡng về nhân cách hơn là chỉ có tài năng. Trong gia đình chúng tôi, các con luôn có một mục tiêu: trí tuệ và nỗ lực của mỗi các con sẽ giúp ích rất nhiều cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Một khi mục tiêu đó ăn sâu vào tiềm thức, nó sẽ được nuôi dưỡng và trở thành nguồn động lực giúp các con khai phá những tiềm năng và sức mạnh của bản thân.
 
Nuôi dưỡng nhân cách con người mới là yếu tố quyết định sự thành công của con cái.
 
Đây là phương pháp giáo dục mà các con tôi được thừa hưởng để trở thành người quan trọng. Các con làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình không phải chỉ để trở thành người quan trọng mà chúng hiểu được rằng nỗ lực hết mình để có thể giúp đỡ người khác mới là điều khiến bản thân trở thành người quan trọng.

Vậy nên, bất cứ khi nào có ai đó hỏi tôi: “Có cách nào đặc biệt để giáo dục các con không?”, tôi sẽ trả lời “Đừng chỉ giúp con phát triển tài năng, quan trọng hơn là bố mẹ phải giúp con nuôi dưỡng nhân cách, và rồi con sẽ lớn lên trở thành người có tâm nguyện được giúp đỡ mọi người.”

Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ