6 cách dạy con ngược đời làm nên những đứa trẻ thông minh của cha mẹ Do Thái

HH,
Chia sẻ

Tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái tựa như hình một đống lửa. Họ chỉ là một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con, để chúng có thể tự học cách sinh tồn và vươn lên trong cuộc đời.

Theo thống kê số liệu năm 2014 của North American Jewish Data Bank, dân số của người gốc Do Thái trên thế giới hiện nay vào khoảng 14,2 triệu người tức chiếm khoảng 0,2% tổng dân số thế giới. Thế nhưng, ngay từ khoảng thế kỷ thứ 19 thì đã có 1/4 các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái, và tính cho đến nay thì người Do Thái đã nhận được tổng cộng 41% của tất cả các giải thưởng Nobel kinh tế, 28% tất cả các giải thưởng Nobel Y học, 26% tất cả các giải thưởng Nobel vật lý, 19% tất cả các giải thưởng Nobel hóa học, 13% tất cả các giải thưởng Nobel văn học và 9% của tất cả các giải thưởng hòa bình… Vậy bí quyết nào của người Do Thái khiến họ được mệnh danh là dân tộc thông minh nhất thế giới?
 
Sara Imas, tác giả của cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” đã viết: “Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được dằn sâu trong lòng dưới vẻ ngoài sắt đá và cứng cỏi. Họ chỉ là một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn và vươn lên trong cuộc đời”.

Cha mẹ Do Thái
Tình yêu của cha mẹ Do Thái dành cho con được dằn sâu trong lòng dưới vẻ ngoài sắt đá và cứng cỏi (Ảnh minh họa).
 
Đó có thể được xem là một trong những bí mật của các cha mẹ Do Thái. Có rất nhiều bài học, rất nhiều điều lạ lẫm, thậm chí đi ngược lại hoàn toàn cách dạy con ở các nước phương tây khiến cả thế giới bất ngờ và kinh ngạc. Trong đó có 6 điều nổi bật mà tôi đã đúc kết được thông qua tiếp xúc với các bà mẹ xung quanh mình.
 
1. Trẻ làm nhiều việc thực tế hơn là chỉ tập trung vào học tập
 
Từ việc để trẻ đi một mình đến cửa hàng tiện lợi mua sữa và bột mì giúp cha mẹ, cho đến chuyện các bé tự dắt nhau đi học, đứa lớn dẫn đứa bé mà không cần cha mẹ đưa đón đều phổ biến ở Israel. Tôi có 2 con nhỏ là Naomi Rivka, 10 tuổi và GZ 8 tuổi. Hàng ngày, Naomi Rivka sẽ dẫn GZ đi học và tất cả các trẻ khác trong khu phố cũng đều như thế. Bởi đó là sự sắp xếp của gia đình. Cha mẹ Do Thái mong muốn trẻ làm công việc thực tế hơn là chỉ tập trung vào học tập.
 
Lần đầu tiên tôi tham gia làm tình nguyện ở trường của Naomi Rivka, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các em quét sàn lớp học trong giờ giải lao. Đây chỉ là một phần công việc ở trường của các bé. Chúng sẽ thay phiên nhau làm vệ sinh cho lớp học. Mỗi đứa trẻ sẽ đổ rác, quét sàn, lau bảng trong phiên trực nhật của mình. Điều này hoàn toàn không hề có trong các trường học ở Canada vì công việc vệ sinh lớp học là trách nhiệm của những bác lao công và bảo vệ của trường.

Trẻ em Do Thái được khuyến khích làm nhiều việc phụ giúp cha mẹ hơn là chỉ tập trung vào học tập (Ảnh minh họa).
 
Cũng như vậy, việc nhờ một đứa trẻ đi đến cửa hàng để mua giúp cha mẹ một vài thứ cũng được coi là bình thường khi trẻ được 4 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi để trẻ băng qua đường một mình an toàn là khoảng 9 tuổi. Thế nhưng các bé nhỏ không hề nao núng hay sợ hãi, trẻ bình tĩnh đứng chờ và nhờ sự giúp đỡ từ những trẻ lớn hơn hoặc người lớn.
 
2. Trẻ em có rất ít đồ dùng
 
Trẻ em Do Thái đều sở hữu rất ít số lượng giày dép, quần áo, đồ chơi. Cha mẹ Do Thái cho rằng thỏa mãn trước, thoản mãn tức thời và thỏa mãn quá mức là phương pháp giáo dục có tính chất hủy hoại, kìm hãm sự trưởng thành của trẻ chứ không giúp trẻ phát triển. Thay vào đó họ sẽ giải thích lý do vì sao cha mẹ lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay lập tức được.

3. Buổi tối trẻ cũng được chơi ngoài trời
 
Nhà ở Israel khá nhỏ. Điều này có nghĩa là không gian chơi trong nhà của trẻ bị bó hẹp, nên trẻ em ở Israel thường chơi ở ngoài trời nhiều hơn là trong nhà. Vì mỗi khu phố sẽ có một sân chơi chung dành cho mọi người, phù hợp với mọi lứa tuổi, sân chơi này cũng rất vui vẻ, rộng rãi, nên sau khi đi học về trẻ sẽ tụ tập lại chơi với nhau tại đây.

Cha mẹ Do Thái
Trẻ em ở Israel thường chơi ở ngoài trời nhiều hơn là trong nhà (Ảnh minh họa).

Vào mùa hè, ban ngày trời rất nắng và nóng nên trẻ chỉ tập trung chơi vào buổi tối, thậm chí là tối muộn. Tôi gọi chúng là những "ma cà rồng nhí", nhưng tất cả mọi người ở đây đều nghĩ đó là điều bình thường, đối với họ chỉ đơn giản vì trẻ em thì cần phải chơi và chơi ở ngoài trời.
 
4. Trẻ em là mối quan tâm của tất cả mọi người
 
Khi trẻ có một hành vi không tốt, nhưng cha mẹ lại không có mặt ở đó, thì cha mẹ khác sẽ chỉ bảo trẻ để sửa sai. Nhưng nếu cha mẹ trẻ chứng kiến sự việc đó, thì họ hoàn toàn tôn trọng và sẽ không can thiệp vào. Tôi nhớ là lần GZ bị té trên vỉa hè cách đây 2 năm trước, cậu bé bị chảy máu và khóc. Không chỉ người đi bộ mà những người đang lái xe trên đường cũng dừng lại hỏi thăm khi họ nhìn thấy một đứa trẻ đang khóc. Một người phụ nữ đưa cho tôi một gói khăn giấy để lau vết thương, nước mắt cho GZ và sau khi chắc chắn rằng chúng tôi không sao, họ mới tiếp tục đi. Tôi biết rằng nếu chuyện này xảy ra mà tôi không có ở đó, cậu bé sẽ được mọi người xung quanh giúp đỡ.
 
5. Cha mẹ là người vô hình
 
Có rất ít “cha mẹ trực thăng” ở Israel. Nếu bạn nhìn thấy một bà mẹ hay ông bố nào đi theo con của họ trong công viên thì có thể đó là khách du lịch. Vậy những người cha mẹ Do Thái ở đâu? Họ ở xung quanh công viên, và quan sát từ xa. Cha mẹ Do Thái cũng không có thói quen can thiệp vào hoạt động của con nên nếu trong quá trình chơi với nhau, trẻ có những xung đột thì người lớn cũng ít khi can thiệp mà để cho các bé tự giải quyết.
 
6. Cha mẹ ít kiểm soát trẻ, thay vào đó họ để trẻ tự quản lý thời gian

Trẻ Do Thái thường tự quản lý thời gian của mình và cha mẹ Do Thái cảm thấy không cần thiết phải lập trình từng thời gian hoạt động cho trẻ.
 
Tôi thích điều này. Tôi rất thích để trẻ tự quản lý thời gian của mình cho dù chỉ là chơi hoặc ngủ. Hầu hết ở khu phố hoặc ở trường đều có những câu lạc bộ hoặc các hoạt động ngoài giờ để trông trẻ sau giờ học cho đến khi cha mẹ đi làm về. Tuy nhiên, trẻ Do Thái thường tự quản lý thời gian của mình và cha mẹ Do Thái cảm thấy không cần thiết phải lập trình từng thời gian hoạt động cho trẻ.

Đôi nét về tác giả:

Jennifer Tzivia MacLeod là một nhà văn Canada, một nhà biên tập và viết sách trẻ em tự do. Cô rất thích tìm hiểu về trẻ và gia đình Do Thái, nên hện tại cô đang sinh sống tại Haifa, Israel.

Nguồn: Mama
Chia sẻ