Trẻ ngộ độc, suy gan vì thuốc hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào?

Khánh Chi,
Chia sẻ

Là đầu thuốc có trong tủ thuốc gia đình nhưng nhiều bố mẹ vẫn mù mờ về thuốc hạ sốt dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như ngộ độc thuốc hạ sốt.

Ngộ độc vì hạ sốt

Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ từng tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, Huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Người nhà bệnh nhi cho biết thấy con ho, sốt, khò khè nên trong 4 ngày cha mẹ đã lấy viên hạ sốt có chứa paracetamol  500mg x 4 viên/ngày cho bé uống.

Kết quả, bé ngày càng lơ mơ, tri giác chậm. Bé D. được đưa vào bệnh viện trong tình trạng mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol.

Mặc dù được cấp cứu nhưng tình trạng của bé D. vẫn rất nặng, gan suy và tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Trẻ ngộ độc, suy gan vì thuốc hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Bé N.M.A. 3 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội cũng được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì có dấu hiệu lơ mơ, khó thở. Khi vào viện, mẹ của bé cho biết thấy con sốt cao không đỡ nên mẹ cho uống hạ sốt. Tuy nhiên, khi cho bé uống  siro hạ sốt tình trạng hạ sốt không giảm nên mẹ bé đã nhanh chóng lấy viên thuốc hạ sốt hình viên đạn đặt hậu môn cho bé.

Mẹ của M. A nghĩ viên đặt hậu môn không ảnh hưởng gì tới đường uống nên không sao và mỗi lần cho con uống thuốc chị tự động đặt thêm viên đặt hậu môn. Kết quả  bé nôn ói nhiều hơn và khi vào viện bác sĩ cho làm xét nghiệm men gan tăng đột biến, tình trạng viêm gan do nhiễm độc paracetamol.

Lúc này, mẹ của M. A mới biết cách điều trị sốt của mình là sai lầm bởi vì dù đặt hậu môn thì paracetamol vẫn có tác dụng như đường uống.

Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào?

ThS.BS CK2 Nguyễn Trần Nam – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sốt là phản ứng bình thường của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể lên tới 38,5 độ C sẽ được khuyến cáo uống thuốc hạ sốt.

Thuốc hạ sốt là thuốc không kê đơn và được khuyến cáo nên có trong tủ thuốc của các gia đình. Hiện nay, thuốc hạ sốt paracetamol được dùng phổ biến ở nước ta. Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế dùng hạ sốt aspirin hoặc inbufen vì nước ta có dịch sốt xuất huyết các thuốc này có thể làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

Paracetamol được xem là “lành” nhưng vẫn phải dùng đúng, dùng đủ. Bác sĩ Nam cho biết hiện có nhiều loại thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol được bào chế dưới dạng siro, gói hoà tan, thuốc hạ sốt hình viên đạn để đặt hậu môn.

Khi bé bị sốt, đầu tiên là phải đo nhiệt độ. Có thể đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thuỷ ngân hoặc nhiệt kế hồng ngoại. Khi đo cần lau khô nách và đo 3-5 phút nếu đo bằng nhiệt kế thuỷ ngân. Còn đo nhiệt độ hồng ngoại qua tai hoặc trán thì có kết quả nhiệt độ ngay. Tuy nhiên, khi đo nhiệt độ cần giữ đúng vị trị đầu đo nhiệt độ cố định.

Khi trẻ bị sốt tới 38,5 độ C trẻ cần được uống thuốc hạ sốt. Uống thuốc cần tuân thủ liều lượng. Các nhà sản xuất đều có hàm lượng nhất định từ 80 mg, 150 mg, 250 mg tương ướng với số cân nặng của trẻ. 1 kg tương ứng với 10 – 15 mg/paracetamol. Nếu trẻ nặng 10 kg có thể uống hạ sốt hàm lượng 150 mg và thời gian uống từ 4 đến 6 tiếng.

Khi uống, tuyệt đối không sử dụng liền lúc cả thuốc hạ sốt đặt hậu môn và thuốc uống. Chỉ trong trường hợp bé không uống được do bé nôn ói nhiều, em bé sốt cao kèm co giật hoặc em bé đang ngủ thì có thể cho bé dùng thuốc đặt hậu môn.

Nhiều mẹ nghĩ rằng thuốc đặt hậu môn an toàn nhưng thực chất hiệu quả thuốc đặt hậu môn như đường uống. Các hoạt chất thấm qua niêm mạc hậu môn. Nếu đặt thuốc hậu môn và uống thêm quá liều sẽ gây ngộ độc paracetamol.

Bác sĩ Nam cũng nhấn mạnh, khi con bị sốt cần cho trẻ uống hạ sốt ngay tại nhà không cần chờ tới bác sĩ. Có nhiều phụ huynh con sốt cao nhưng vẫn không cho hạ sốt mà lại đưa đến bác sĩ để bác sĩ thấy con sốt như thế nào. Điều này cực kỳ nguy hiểm với trẻ.

Bác sĩ Nam cho rằng trẻ sốt cao đo nhiệt độ và phải cho hạ sốt ngay sau đó mới đưa đến bác sĩ. Phụ huynh chỉ cần nhớ nhiệt độ lúc đo cho con trước khi uống thuốc và theo dõi sau khi uống thuốc. Nếu trẻ chơi, ngoan, ăn uống bình thường thì không đáng lo. Trẻ sốt cao, li bì, bỏ ăn cần nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế ngay.

Chia sẻ