Trẻ học được điều này ngay từ khi còn nhỏ, là tiền đề cho sự thành công khi bước vào đời
Trẻ sở hữu tính cách này từ nhỏ, tương lai sẽ dễ thành công hơn bạn bè đồng trang lứa.
Người lớn chúng ta thường hay bắt trẻ phải nhường em nhỏ đi, hoặc có khi lại lấy món đồ trẻ đang cầm rồi nói "ạ đi bác cho" và nếu trẻ làm theo thì sẽ được khen là ngoan; hoặc những hình thức đổ thừa cho cái ghế, cái bàn khi trẻ ngã...
Liệu bài học muốn dạy bé ở đây là gì? Có phải là sự yêu thương, chia sẻ hay sự kính trọng. Tiếc rằng, những điều này thật sự không mang bất kì ý nghĩa nào như trên, mà có thể đang làm trẻ hiểu lầm về SỰ CÔNG BẰNG - một bài học lớn mà trẻ cần học khi bước vào đời.
Bình đẳng và công bằng?
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn "Làm mẹ không áp lực" thì khi nói đến giáo dục trẻ nhỏ, 2 khái niệm này rất quan trọng, nhưng không thể lẫn lộn và cần có thứ tự phát triển. Mục đích chung là dẫn đến sự công bằng - điều mà làm đứa trẻ trở nên khác biệt và luôn được quý trọng.
Theo những nghiên cứu của nhóm TS. Smith, ĐH Chicago cho biết: Trẻ con từ độ tuổi nhỏ cần được hiểu về sự bình đẳng, trước khi nhận ra giá trị của công bằng.
Để hiểu về công bằng, trẻ phải nhận biết và được đối xử bình đẳng. Khi đã bình đẳng thì bản thân trẻ sẽ tự nhận thức về nhu cầu bản thân khác nhu cầu của những trẻ khác. Khi đó, tự bản thân trẻ sẽ nhận thức cho đi để có sự công bằng. Do đó, việc bạn kêu trẻ nhường em đi là do bạn muốn, nhưng bản thân của trẻ không hiểu điều này là gì. Thậm chí, đôi lúc làm nảy sinh xung đột giữa những đứa trẻ.
Thực ra, nỗ lực tạo ra bình đẳng sẽ dẫn đến công bằng khi có sự xem xét nhu cầu. Do đó, trước tiên hãy dạy trẻ về sự bình đẳng.
Độ tuổi nào trẻ bắt đầu nhận thức về bình đẳng?
Trẻ từ 2 tuổi sẽ bắt đầu hiểu về khái niệm chia đều, nhưng sự chia sẻ hay lớn phải nhường, ai được ưu tiên... là những khái niệm sai lầm mà chúng ta cố ép và cho là trẻ bướng bỉnh hoặc không nghe lời vì không làm theo. Nên nhớ rằng, những khái niệm ấy không bao giờ hình thành khi trẻ chưa phát triển tính công bằng. Do đó, điều quan trọng là nuôi dưỡng sự bình đẳng trong cách giao tiếp, trong các hoạt động ở nhà, trong lớp hay nơi công cộng. Khi trẻ hiểu về bình đẳng thì sẽ tự phát triển sự công bằng. Khi đó, trẻ hiểu rằng khi nào cần nhường, cần chia sẻ.
Nhận thức về sự công bằng là nhận thức cao và xây dựng dựa trên nền tảng của bình đẳng. Nếu nó thuộc về nhận thức thì chỉ có bản thân trẻ mới tự nhận ra. Việc yêu cầu hay tác động của cha mẹ chỉ làm trẻ suy nghĩ lệch lạc, thậm chí trẻ có thể tự hỏi "tại sao phải nhường? tại sao phải chia sẻ?
Khi nào trẻ phát triển sự công bằng? Đây là 1 câu hỏi khó, nhưng đa dạng câu trả lời bởi vì nó tùy thuộc vào nhận thức của trẻ và trẻ được đối xử bình đẳng như thế nào trong môi trường sống. Thông thường từ 14 tuổi, trẻ có thể nhận thức về hành vi của bản thân. Nhưng, cũng có trẻ khi trưởng thành nhưng vẫn chưa phát triển được điều này.
Dạy trẻ như thế nào?
Những viên gạch được đặt đúng chỗ sẽ tạo nên 1 bức tường vững chắc. Duy trì tính bình đẳng là nền tảng xây dựng sự công bằng. Nghe có vẻ quá trừu tượng, nhưng rất dễ thực hiện. Trẻ có thể hiểu và thậm chí thích sự bình đẳng hơn cha mẹ nghĩ, theo TS. Warneken, ĐH Harvard. Đây là một số cách cha mẹ có thể thực hiện để duy trì sự bình đẳng trong nuôi dạy trẻ:
1. Khi gặp bài toán phải chia, bạn nên chia đều, không lớn nhỏ và không ưu tiên.
2. Với nhà có 2 trẻ, khi cả hai trẻ cùng nhau làm một việc gì, kết quả là của cả hai, bất kì trẻ nào làm sai, thì đều phạt cả hai. Khi nào bạn chỉ phạt bé sai, khi bạn giao công việc riêng lẻ và họ không phải là 1 đội. Khi đó, nó là trường hợp của chơi theo lượt. Lượt ai nấy chơi, lượt ai nấy phạt.
3. Khi hai trẻ dưới 6 tuổi đánh nhau mà bạn không rõ bé nào sai, thì bạn cho hai trẻ đều sai và kết quả là từng bé phải xin lỗi nhau và giảng hòa. Không thiên vị dựa trên tình thân, cảm tính hay tuổi tác. Nếu bạn thực sự biết rõ bé nào làm sai, thì hãy bảo bé đó xin lỗi bé còn lại. Trẻ trên 6 tuổi nếu cùng sinh hoạt dưới 1 hoạt động thì được tính như cách làm số 2 ở trên. Cả hai cùng sai dù ai đó làm sai, cả hai cùng chịu phạt.
4. Các hoạt động khuyến khích để giúp trẻ học về chia sẻ. Trẻ dưới 5 tuổi không có khái niệm chia sẻ, mà chỉ có khái niệm sở hữu dài hạn và sở hữu ngắn hạn. Nghĩa là, khi bạn nói cho trẻ cái gì, thì trẻ tự nhận định nó là sở hữu dài hạn của trẻ, việc trẻ có quyền chia sẻ hay không là do trẻ quyết định. Bạn chỉ cần giúp trẻ hiểu thêm 1 khái niệm là sở hữu ngắn hạn, có nghĩa là trẻ đưa bạn khác món của trẻ thì bạn đó cầm 1 lát và sẽ trả về. Điều này cũng sẽ hiểu khi món đồ là dùng chơi chung giữa hai trẻ, mỗi bên chỉ có sở hữu ngắn hạn. Khái niệm này trẻ từ 2 tuổi có thể bắt đầu hiểu, nhưng cần dạy thông qua các hoạt động chia sẻ như chuyền món đồ chơi sang tay qua lại.
5. Khi nhà có 2 trẻ thì cha mẹ cũng nên hiểu rõ ràng 2 khái niệm sở hữu này khi cho trẻ những món quà. Ví dụ, khi cho quà thì nên nói rõ là cho bé nào, đừng ngập ngừng hay để trống như thể ai chơi cũng được. Không nhất thiết mỗi bé đều cần có quà 1 lúc để công bằng. Thực ra, trẻ con không có khái niệm ganh tị như chúng ta nghĩ. Trẻ con rất đơn giản, và hiểu rằng món nào cho trẻ là của trẻ là sở hữu lâu dài mà thôi. Khi đó, chắc chắn trẻ không dễ dàng cho ai đụng vào. Do đó, chỉ cần rõ ràng cho bé nào là được, thậm chí bạn cho bé này dịp này, bé kia dịp khác đều được. Nếu muốn cả hai cùng chơi chung thì hãy gọi 2 đứa ra và nói cho cả hai, khi đó, cả hai sẽ hiểu rằng chỉ có sở hữu ngắn hạn trên món đó. Nếu bạn để ý thì trẻ không cố giữ riêng nó. Trẻ con là đơn giản vậy, không quá phức tạp như suy nghĩ người lớn chúng ta.