Trẻ bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi nặng do giun đũa chó, mèo
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận cấp cứu bé trai 23 tháng tuổi bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi do giun đũa chó mèo di chuyển lên phổi.
Cách nhập viện khoảng 1 tuần, bé T.G.H.(23 tháng tuổi) ho khan, ăn uống kém, ho ngày càng nhiều, khó thở, thở mệt ngày một tăng. Bé được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp: lừ đừ, thở nhanh, rút lõm lồng ngực.
Nhận thấy đây là tình trạng khẩn cấp, bé nhanh chóng được đưa vào điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Qua khai thác tiền sử, ghi nhận bé chưa từng được xổ giun, tại nơi ở có nuôi nhiều chó mèo. Bé thường xuyên được cho tiếp xúc với chó mèo dưới nền gạch, sân nhà, trong môi trường không vệ sinh tốt.
Bệnh nhi thường xuyên tiếp xúc với chó mèo dưới nền gạch, sân nhà trong môi trường không vệ sinh tốt.
Các kết quả xét nghiệm X-quang, siêu âm và CTscan đều ghi nhận: Bé bị tràn dịch màng phổi phải lượng nhiều. Công thức tế bào máu có bạch cầu tăng cao với tỷ lệ Eosinophil cao một cách bất thường. Kết quả dương tính với huyết thanh chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo.
Qua 21 ngày điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng ký sinh trùng, bé đã ổn định, không suy hô hấp, không cần hỗ trợ oxy, ăn uống khá hơn, lanh lợi, được ra viện.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em được đưa đến khám và điều trị vì tình trạng nhiễm giun sán. Do đó, để phòng ngừa bệnh, các bác sĩ lưu ý các biện pháp sau đây:
- Tuyên truyền giáo dục: Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo; bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo.
- Vệ sinh phòng dịch: Vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín.
- Tẩy giun cho chó mèo.