Sau vụ 3 trẻ bị bỏng nặng, chuyên gia chỉ cách dạy kỹ năng sống an toàn
Vì mong muốn dạy cách thoát hiểm cho trẻ mà vô tình làm các em bị bỏng, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, giáo viên cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc về sư phạm, không làm qua loa, tùy tiện...
Dạy kỹ năng sống cho trẻ em mầm non cần nội dung phù hợp và an toàn. Ảnh minh họa: Q.Anh
Học sinh bị bỏng nặng do "đạo cụ" của cô
Khoảng 15h40 ngày 9/8, trong khi các cô giáo nhóm trẻ tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, Hà Nam) dùng cồn đổ vào mâm để làm dụng cụ dạy các cháu kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn cho 25 cháu. Trong lúc cô giáo châm lửa đốt, gió từ cửa sổ đã thổi cồn đang cháy vào 3 cháu H.L (SN 2014); cháu G.K (SN 2015); cháu A.T. (SN 2016) gây bỏng nặng. Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, 3 cháu bé bị bỏng cồn đã được gia đình chuyển lên điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội).
Sau khi xảy ra sự việc, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên tạm dừng hoạt động Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo Tuổi thơ, không nhận trẻ từ ngày 10/8 để tập trung chăm lo cho các cháu bị bỏng. Hiện tại, cơ quan chức năng cũng đang quá trình làm rõ, nhóm học sinh bị bỏng nêu trên cũng đã có nhiều tiến triển trong điều trị tại bệnh viện, song sự việc này khiến phụ huynh có con học mầm non, phổ thông cảm thấy bàng hoàng bởi sự an toàn của con em mình trên trường học trong thời gian gần đây.
"Không thể tin nổi việc cô giáo dùng cồn để dạy học sinh cách thoát hiểm, mới đầu tôi chỉ nghĩ là tin bịa đặt trên mạng xã hội nhằm "câu likes" ai ngờ đó là sự thật. Cô giáo đã quá cẩu thả trong việc này, ngay cả người lớn cũng được cơ quan chức năng có nghiệp vụ hướng dẫn, chứ không có trường học nào đứng ra tự làm, hơn nữa lại là cấp học mầm non chưa biết gì", phụ huynh Nguyễn Đức Hải (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con học mẫu giáo chia sẻ.
Còn theo phụ huynh Hoàng Thanh Hương có con học mầm non tại quận Đống Đa (Hà Nội): "Trẻ mầm non cũng cần được học về kỹ năng sống, tôi ủng hộ việc này thông qua lồng ghép dạy học để trẻ tránh xa nơi nguy hiểm, biết cách thoát hiểm cũng là cái tốt… Tuy nhiên, đổ cồn ra mâm rồi châm lửa đốt là rất nguy hiểm và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Theo tôi, dạy trẻ em mầm non cần mô phỏng, có thể thắp 1 ngọn nến, hoặc mô hình giả định là lửa cháy để giúp học sinh can đảm thoát hiểm, chứ dùng cồn là quá nguy hiểm".
Dạy kỹ năng sống cũng cần phải có… kỹ năng
Nhận xét về sự việc xảy ra tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo Tuổi thơ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý khoa học - Giáo dục Hà Nội cho rằng, dạy kỹ năng sống là cần thiết cho học sinh và theo lứa tuổi cho phù hợp, nếu là trẻ em mầm non là kỹ năng thoát hiểm là chính gặp khói sẽ phải bò thấp, tìm lối thoát ra sao… đó là cái tốt, chứ không thể dạy cách chữa cháy, nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn. Theo tôi, việc dạy học của cô giáo xuất phát từ mong muốn tốt, chúng ta phần nào thông cảm, nhưng khi thực hiện lại sai phương pháp. Do đó, vai trò của nhà trường là rất quan trọng.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, câu hỏi đầu tiên đặt ra trong sự việc vừa qua đó là chỉ đạo của nhà trường ra sao, tất cả các ảnh hưởng đến trẻ phải đặt ra vấn đề an toàn ở chỗ nào? Như vậy, trách nhiệm một phần từ Hiệu trưởng, không kiểm tra, giám sát thật kỹ. Trường hợp này là không may, là hi hữu, nhưng từ việc này đặt ra cho giáo viên, nhà trường hiện nay coi đó là bài học rút kinh nghiệm không chỉ nhiệt tình, mà phải có hiểu biết, có phương pháp.
"Hiện nay, dạy kỹ năng sống trong các nhà trường đã được quy định trong chương trình của Bộ GD&ĐT. Bộ ra khung chương trình là chung, có hướng dẫn thực hiện chương trình. Ở cấp mầm non cũng có hướng dẫn, nhưng không có hướng dẫn tỷ mỷ. Chương trình hiện đại cho giáo viên được chủ động, sáng tạo và thực hiện. Nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc, đó là nguyên tắc về sư phạm, an toàn, được chuẩn bị kỹ càng, chứ không thể làm qua loa, tùy tiện sẽ không đảm bảo được an toàn cho học sinh. Dạy kỹ năng sống không chỉ có lòng nhiệt tình, mà còn phải có kỹ năng dạy, nếu không sẽ nguy hiểm cho học sinh", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh được ngành Giáo dục quy định ở từng cấp học, được lồng ghép vào các tiết học, giờ ngoại khóa… Tuy nhiên, hướng dẫn cho những bài học này là khá chung chung, mang tính mô tả là chủ yếu, nên tùy theo điều kiện từng trường, khả năng của giáo viên để dạy học sinh. Do đó, với mỗi một giáo viên lại có những cách "sáng tạo" riêng, hoặc thực hành chưa đúng. Chính vì điều này, mỗi nơi làm một kiểu, dù đề cập đến trong chương trình học, song vẫn được đánh giá là nặng về lý thuyết, học sinh vẫn còn yếu và thiếu về kỹ năng sống.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh mầm non, phổ thông phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự quản, chủ động, sáng tạo của học sinh. Căn cứ điều kiện của nhà trường, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng. Đối với trẻ mầm non, giúp trẻ nhận thức về bản thân: Sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản; hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết…