Trẻ bao nhiêu tuổi nên bắt đầu được dạy về tiền, 12 nguyên tắc giúp tạo thói quen tiêu tiền trong tương lai của bé

Thảo Hương,
Chia sẻ

Đi mua sắm với con và trò chuyện về các quyết định chi tiêu của bạn là cách tạo thói quen tiêu tiền trong tương lai của bé.

Đối với trẻ, tiền là một thứ hàng hóa cho phép người lớn vào cửa hàng và đổi lấy bất cứ thứ gì họ muốn. Cần thêm nhiều giai đoạn phát triển nữa thì bé mới hiểu tiền là gì, nhưng bạn có thể làm nhiều điều để hướng dẫn trẻ ở giai đoạn này.

Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. 

Mặc dù nhiều cha mẹ có thể nghĩ trẻ em chưa cần biết về thực trạng kinh tế cuộc sống, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra tốt hơn hết nên để trẻ có thói quen đúng mực về tiền ngay từ khi còn nhỏ, thái độ tiết kiệm và chi tiêu được thiết lập khi trẻ lên 7. Khi bé 2-3 tuổi, con đã nên bắt đầu được dạy những bài học cơ bản về tiền. 

Cho tiền tiêu vặt cũng góp phần quan trọng khi dạy trẻ tính nhẩm. Hơn nữa, phải đối phó với một số tiền nhất định là một trong những phương pháp tốt nhất rèn luyện cho trẻ tự kiểm soát tính cách của mình, học tính kiên nhẫn, ý chí kiên định và trì hoãn sự thỏa mãn. Khi thấy rằng tiết kiệm tiền tiêu vặt cho một thứ mà chúng thực sự muốn sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn tiêu xài phung phí tất cả số tiền mình có vào những thứ phù phiếm. Đây chính là cột mốc trẻ tự điều chỉnh mình. 

Thêm vào đó, thực hành tiết kiệm ngay từ độ tuổi nhỏ sẽ tạo thói quen chi tiêu hợp lý cho cuộc sống sau này của con. 

Trẻ bao nhiêu tuổi nên bắt đầu được dạy về tiền, 12 nguyên tắc giúp tạo thói quen tiêu tiền trong tương lai của bé - Ảnh 1.

12 nguyên tắc chính giúp bé hiểu về tiền bạc

1. Dạy trẻ hiểu biết cơ bản: Trước 5 tuổi, trẻ coi tiền là đồ chơi. Để tăng sự hiểu biết của bé về tiền, hãy chơi trò chơi mở cửa hàng và nói về các loại tiền có mệnh giá khác nhau. 

2. Hãy cho trẻ thực hành: Ngay cả trong một xã hội không dùng tiền mặt, con vẫn phải biết cách xử lý tiền mặt sao cho đúng. Hãy để bé thực hành thanh toán để bé hiểu mua sắm là một cuộc giao dịch. 

3. Giúp bé tiết kiệm: Nghiên cứu cho thấy trẻ em được khuyến khích tiết kiệm có nhiều khả năng tiếp tục tiết kiệm hơn khi trưởng thành. Hãy bỏ tiền tiêu vặt vào hai lọ, một để tiêu và một để tiết kiệm. 

4. Dạy trẻ biết nguồn gốc tiền đang có: Trừ khi được nói khác đi, nếu không trẻ nhỏ đều nghĩ rằng tiền là miễn phí và các ngân hàng cũng như máy rút tiền sẽ phát tiền cho mọi người. Bạn hãy giúp con hiểu rằng tiền kiếm được bằng cách làm việc. 

5. Cho trẻ thấy giới hạn về tiền: Bạn hãy trò chuyện với bé thông qua các lựa chọn mua sắm. Những cuộc trò chuyện để biết nên tiêu gì, không nên tiêu gì sẽ giúp con hiểu thêm về tính tiết kiệm. 

6. Giải thích cho trẻ hiểu tài chính là hạn hữu: Trẻ nhỏ khó có thể hiểu rằng tiền chỉ có thể tiêu một lần. Hãy cho bé một số tiền và để con đi mua sắm, trẻ sẽ hiểu rằng một khi tiêu hết là tiền cũng biến mất. 

7. Giải thích chi tiêu bằng thẻ: Khi chúng ta càng ngày càng ít sử dụng tiền mặt, hãy giải thích rằng bạn dùng thẻ cũng giống như khi rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng của mình. 

8. Hãy để trẻ mắc sai lầm: Ngay cả khi bạn không đồng ý với các quyết định chi tiêu của con, hãy cho bé mắc sai lầm. Thà bé học được bài học với số tiền nhỏ khi còn nhỏ hơn là gặp rủi ro với số tiền lớn khi đã trưởng thành. 

9. Cho tiền tiêu vặt theo tuổi: Trẻ đủ hiểu về tiền để nhận tiền tiêu vặt thường xuyên ở độ tuổi lên 6. 

10. Đừng trả tiền cho bé khi con làm việc nhà: Đừng bắt con kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm việc nhà. Điều này khiến bé nghĩ rằng bé nên được trả tiền cho những công việc vốn là trách nhiệm của bé. 

11. Hãy kiên định: Hàng tuần, hãy cho trẻ tiền tiêu vặt vào cùng một thời điểm, giống như cách trả lương để trẻ bắt đầu quản lý tiền của mình. 

12. Đừng ứng trước tiền tiêu vặt: Nếu trẻ xin trước, hãy tính một khoản lãi nhỏ để trẻ hiểu rằng phải tốn tiền để vay tiền. 

Chia sẻ