Trẻ ăn vạ, khóc lóc vì không được mua đồ chơi mới, 3 cách xử lý KHÉO LÉO và TINH TẾ này sẽ giúp con hiểu ra vấn đề
Nếu rơi vào trường hợp con vòi vĩnh đồ chơi mới, bố mẹ nên làm theo những cách sau.
Những món đồ chơi đã trở nên quá quen thuộc với các gia đình có con nhỏ. Ở mỗi lứa tuổi nhất định, trẻ lại yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu các loại đồ chơi khác nhau. Chính vì lý do này mà không ít phụ huynh than thở ''không biết từ bao giờ đồ chơi đã tích thành đống ở trong nhà''. Có nhiều đến như vậy nhưng trẻ lại luôn thích thứ mới lạ, đôi khi còn đòi hỏi bố mẹ mua thêm những đồ chơi mới.
Vì sao trẻ hay đòi hỏi đồ chơi mới?
Do cha mẹ đã quá nuông chiều
Đây được coi là một trong những lý do khiến trẻ nảy sinh cảm giác chán chường đồ chơi cũ rất nhanh, vì chúng biết rằng bố mẹ sẽ lại mua đồ mới cho mình. Xã hội ngày càng phát triển, thương hiệu đồ chơi trên thị trường cũng đa dạng từ chủng loại, mẫu mã đến giá thành nên phụ huynh hoàn toàn có thể dễ dàng mua đồ cho con. Nhiều bố mẹ quan niệm càng mua nhiều càng thể hiện tình yêu với con, hoặc họ cho rằng không thể để con sống trong hoàn cảnh khó khăn như mình thuở bé nên luôn sẵn lòng đáp ứng khi trẻ vòi vĩnh.
Nhiều bố mẹ có thói quen mua đồ chơi cho con chẳng vì lý do gì, thấy bé thích là mua hoặc cảm thấy đồ chơi ở nhà cũ hết rồi... dần dần con sẽ quen với điều đó, lúc nào cũng có tâm lý ''kiểu gì bố mẹ cũng mua cho mình'', từ đó không biết trân trọng những thứ mình đang có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách và lối suy nghĩ trong tương lai của trẻ.
Những đồ chơi mới hấp dẫn hơn
Đây là điều dễ hiểu vì trẻ con thích tìm tòi, khám phá những thứ mới lạ. Có thể cùng một loại đồ chơi như chúng đã có nhưng có màu sắc khác cũng đã đủ khiến trẻ thích thú hơn rồi. Hiện nay trên thị trường có quá nhiều loại đồ chơi nên trẻ càng có cơ hội được tiếp xúc với các món đồ mới lạ. Thực ra, việc tò mò và mong muốn khám phá không phải là xấu, tuy nhiên cần có định hướng đúng đắn và bảo ban từ bố mẹ.
Không phủ nhận mỗi đồ chơi lại có tính năng, màu sắc riêng rất bắt mắt và thu hút, tuy nhiên con cần phải biết đồ nào được mua và không được mua. Nếu cứ thích là mua thì dần dần bố mẹ cũng ''cạn'' túi tiền, con không hiểu được ý nghĩa của đồ chơi và căn nhà cũng sớm biến thành nơi lưu trữ đồ. Cũng chính vì những lý do trên mà các bé nghĩ rằng bố mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng mọi yêu cầu của mình, từ đó nhõng nhẽo, đòi hỏi khi không được đáp ứng.
Có nên mua quá nhiều đồ chơi cho con?
Làm giảm khả năng sáng tạo của trẻ
Việc có quá nhiều đồ chơi sẽ khiến bé... chẳng biết chơi gì trước. Con chơi không tập trung mà thích gì chơi nấy. Từ đó, bé sẽ dễ ''cả thèm chóng chán'', chưa chơi hết chức năng của trò này đã muốn khám phá trò khác rồi. Điều này cũng làm giảm khả năng sáng tạo của trẻ. Nếu như chỉ có một món đồ chơi và phải chơi nó suốt cả tuần, con sẽ tự động sáng tạo ra nhiều cách khác nhau. Ví dụ như chỉ với 3 chiếc ô tô nhỏ con có thể chơi xếp hàng, đóng vai cảnh sát, bác sĩ,... hoặc tự sáng tạo ra những câu chuyện để tăng thêm phần thú vị.
Nhiều đồ chơi quá cũng khiến trẻ dễ chán nản, không biết phải chơi gì tiếp theo và kết quả là chẳng muốn chơi món đồ nào hết.
Khiến trẻ trở nên xấu tính, vòi vĩnh bố mẹ
Việc được đáp ứng đòi hỏi thường xuyên khiến trẻ nghĩ rằng mình được mua đồ chơi mới là chuyện bình thường và hiển nhiên xảy ra. Chính vì vậy mà khi không được mua, con sẽ nhõng nhẽo, ăn vạ và thậm chí là tỏ thái độ chống đối bố mẹ. Đừng để đến lúc xảy ra như vậy rồi mắng mỏ con hư đốn. Mọi hành động của bé đều xuất phát từ thói quen và cách dạy dỗ của bố mẹ.
3 cách nhẹ nhàng và tinh tế giúp con hiểu ra vấn đề
Con sẽ chỉ được chọn 1 loại đồ chơi
Siêu thị có rất nhiều món đồ bắt mắt cùng màu sắc hấp dẫn, trẻ con nhìn là siêu thích rồi. Tuy nhiên, giữa muôn vàn đồ chơi, con phải biết lựa chọn món đồ mà mình thích nhất. Bố mẹ có thể ra điều kiện ngay từ khi ở nhà rằng ''hôm nay, bố mẹ sẽ chỉ mua cho con 1 thứ, và cho đến 3 tuần nữa sẽ không được mua thêm, chính vì vậy con phải suy nghĩ thật kĩ để lựa chọn. Đây là quy định và nguyên tắc ngầm của cả nhà nhé''.
Khi hiểu được điều này, trẻ sẽ học được rất nhiều thứ. Đầu tiên, con hiểu được không phải cứ muốn là có đồ chơi. Thứ hai, con biết mình sẽ phải cân nhắc, lựa chọn và suy nghĩ thấu đáo vì chỉ được chọn đúng 1 loại. Thứ ba, con sẽ chơi món đồ đó được rất lâu và có thể sáng tạo thêm giúp trò chơi không nhàm chán. Bố mẹ cũng có thể gợi ý con nên mua những món đồ có nhiều tính năng, chơi được lâu dài và phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Để con khóc khi ăn vạ rồi sau đó nhẹ nhàng giải thích
Khi con ăn vạ, tuyệt đối không đáp ứng ngay yêu cầu của trẻ. Kể cả con có mè nheo nơi đông người thì bố mẹ cũng hãy kiên nhẫn đợi con vượt qua thời điểm đó. Sau khi bé bình tĩnh lại mới giải thích với con. Trẻ con rất hiểu những gì bố mẹ nói nên đừng ngần ngại giải thích với bé rằng ''tuần trước con vừa mua đồ chơi rồi và theo quy định phải đến 2 tuần nữa con mới được mua thứ khác'' hay ''mẹ muốn cho con biết là dù con có khóc thì mẹ cũng sẽ không mua thêm vì đó là quy định'', hay ''chúng ta đã thoả thuận số tiền mua đồ chơi vào tuần trước rồi nên giờ sẽ không thay đổi được nữa''...
Việc đánh đòn, mắng mỏ không phải là giải pháp phù hợp cho thời điểm này. Thậm chí đánh mắng còn làm con xấu hổ, buồn bã, tủi thân, hình thành tâm lý tiêu cực cho trẻ nhỏ.
Gợi ý cho trẻ những món đồ chơi handmade
Bố mẹ có thể cùng con tự sáng tạo đồ chơi thay vì phải mua ở cửa hàng. Những món đồ như bãi giữ xe làm bằng bìa các - tông, tranh vẽ từ bàn tay hay vỏ sò, hạt cát, chậu nước thả chữ... chắc chắn sẽ làm bé phát cuồng. Những món đồ này vừa đơn giản, không tốn kém nhưng lại rất có ích cho quá trình học hỏi của con. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con trong giai đoạn này nhé.