Trải nghiệm đặc biệt của một mẹ Việt sinh non tại Đức
Là một bà mẹ Việt sống ở Đức và sinh cả hai con ở nước ngoài, chị Duyên đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Profile: Mẹ: Đinh Thị Lệ Duyên Bố: Nguyễn Tiến Cảm Con trai: bé Kevin, sinh năm 2012 Con gái: bé Julia, sinh năm 2013 Gia đình đang sinh sống tại thành phố Würzburg, tiểu bang Bayern, Đức. |
Chị sinh cậu con trai đầu lòng Kevin khá suôn sẻ, đủ tháng đủ ngày. Nhưng đến khi mang bầu lần hai, chị sinh bé gái Julia khi mới được 31 tuần 1 ngày.
Chị Duyên và con trai đầu lòng - Bé Kevin đi tắm nắng.
Cũng như rất nhiều phụ nữ mang thai ở Đức, chị được các bác sĩ chăm sóc khá chu đáo. Nhưng khi em bé được 30 tuần 5 ngày thì chị đã thấy có "máu báo" xuất hiện và lúc nhập viện thăm khám thì cổ tử cung đã mở 4 phân. Các bác sĩ tiêm thuốc để khống chế các cơn co và yêu cầu chị nằm bất động 3 ngày trên giường bệnh dưới sự theo dõi, chăm sóc 24/24. Ngoài ra, lúc nào cũng có một chiếc máy theo dõi mẹ và bé được để bên cạnh chị giúp các bác sĩ nắm bắt tình hình.
Hình ảnh siêu âm của bé Julia khi còn trong bụng mẹ.
Vì phải nằm yên để giữ thai nên cạnh giường của chị có một cái chuông, nếu có bất cứ nhu cầu gì từ uống nước hay vệ sinh, chỉ cần bấm chuông là y tá sẽ có mặt luôn.
Căn phòng bệnh viện chị Duyên nằm trong thời gian sinh con.
Chị được bác sĩ tiêm cho 2 mũi trưởng thành phổi, mỗi mũi tiêm cách nhau 24 giờ. Nhưng khi tiêm mũi thứ 2 đủ 48 tiếng thì bác sĩ quyết định cho chị đẻ vì cổ tử cung đã mở, nếu để quá lâu sẽ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thai nhi.
Bữa ăn nhẹ của bệnh viện chuẩn bị cho bà bầu trước giờ vượt cạn.
Vậy là bé Julia ra đời bằng phương pháp sinh thường khi được 31 tuần 1 ngày, nặng 1,5kg với ekip bác sĩ bao gồm: 01 bác sĩ trưởng khoa sản theo dõi để quyết định tình huống, 01 nữ hộ sinh đỡ đẻ, 01 bác sĩ nhi chuyên về trẻ sinh non luôn túc trực để chăm sóc ngay sau khi bé chào đời, và 01 y tá.
Bé Julia giây phút vừa mới chào đời.
Julia nằm trong lồng kính.
Chị Duyên cho biết: "Ở Đức chỉ những trường hợp đặc biệt có vấn đề mới được chỉ định đẻ mổ, còn lại các bác sĩ đều khuyến khích sinh thường".
Khi được hỏi về nguyên nhân sinh non, chị cho biết thêm: "Các bác sĩ ở đây nói rằng không có nguyên nhân nào vì thai kỳ của mình hoàn toàn bình thường, bé muốn ra đời sớm là chuyện tự nhiên không ép buộc được. Mình chỉ có thể can thiệp bằng cách dùng mọi biện pháp tốt nhất để những bé sinh thiếu tháng được khỏe mạnh như những bé sinh đủ tháng mà thôi".
Julia và anh trai Kevin hồi mới sinh.
Chuyện chăm sóc trẻ sinh non ở bệnh viện Đức
Bé Julia sau khi sinh ra được các bác sĩ vệ sinh sạch sẽ và cho nuôi trong lồng kính. Những ngày đầu mẹ chưa có sữa nên Julia được uống sữa non của bệnh viện, một loại sữa đặc biệt chỉ dành cho trẻ sinh non.
Ở mũi của bé Julia luôn có một chiếc ống để truyền sữa trực tiếp vào dạ dày.
Trẻ con ở Đức được miễn phí tiền khám bệnh và tiền thuốc cho tới năm 18 tuổi.
Những giọt sữa đầu tiên chị Duyên vắt được sau khi sinh. Các bác sĩ ở đây luôn khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Trước mỗi lần cho ăn, y tá thường lấy ống để hút hết sữa trong dạ dày bé ra xem còn bao nhiêu sữa chưa tiêu hóa hết. Các bác sĩ dựa vào đó để biết khả năng tiêu hóa của bé và tăng lượng sữa cho những bữa tiếp theo.
Phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Mọi thứ ở đây hầu hết đều được dùng một lần rồi bỏ đi để đảm bảo vệ sinh.
Khi bé Julia được 1,8kg, y tá bắt đầu tập cho bé ti bình. Mỗi lần tập ti từng chút một vì "nếu cho bé ti bình mà không biết cách sẽ làm bé bị khó thở và dễ gây tử vong. Mỗi lần cho trẻ sinh non tập ti bình phải hết sức chú ý đến cơn thở của bé", chị Duyên luôn được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con sao cho đúng và tốt nhất.
Vừa cho con bú vừa trao đổi với bác sĩ về tình hình của bé.
Ở đây, các bác sĩ khuyến khích cha mẹ nếu có thời gian hãy vào với con thường xuyên để y tá hướng dẫn cách chăm sóc con. Tuy nhiên, khi bất kỳ ai vào thăm bé sơ sinh đều phải tháo hết đồng hồ, đồ trang sức để đảm bảo vệ sinh. "Những thứ đó rất khó vệ sinh sạch sẽ nên có nhiều vi khuẩn ẩn nấp, vì vậy khi vào thăm bé sơ sinh đều được yêu cầu tháo ra hết", chị Duyên cho biết.
Ba của bé Julia vào thăm và chăm sóc con gái.
Sau hơn 1 tháng được nuôi trong bệnh viện, bé Julia đã được về nhà với ba mẹ. Khi trẻ sinh thiếu tháng được đủ 38 tuần và đạt một số tiêu chuẩn như: nặng trên 2,5kg, ti mẹ thành thạo, sức khỏe tốt thì sẽ được bệnh viện cho về nhà.
Các bác sĩ dặn dò và hướng dẫn chị rất kỹ về cách chăm sóc bé sinh non: Cha mẹ phải thường xuyên kiểm tra mắt cho con; Xét nghiệm máu xem bé có thiếu canxi hay không; Nên bổ sung vitamin để con không bị còi xương và đặc biệt là bé sinh non rất dễ thiếu sắt nên mẹ phải chú ý bổ sung sắt cho con dưới sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ phải luôn giữ vệ sinh cho con sạch sẽ, thường xuyên thay bỉm và làm vệ sinh cho bé hàng ngày.
Cân nặng của bé Julia đủ mức có thể ra viện.
Tủ lạnh sữa mẹ đáng mơ ước của bé Julia.
Hiện tại, Julia đang được ở nhà cùng cha mẹ, trong vòng 2 tháng đầu vẫn có y tá của bệnh viện thường xuyên tới nhà để tắm cho bé và hướng dẫn mẹ cách chăm sóc con. Đặc biệt, do có bảo hiểm, gia đình chị Duyên không phải trả bất cứ khoản viện phí nào cho việc sinh nở. Thậm chí, bé Julia còn được thăm khám và điều trị miễn phí cho đến năm 18 tuổi.
Bé Julia nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt. Chị Duyên cho biết: "Những bé nằm ở phòng này sẽ mất khoảng 28 triệu đồng/ ngày. Tuy nhiên nếu có bảo hiểm sẽ được miễn phí 100%.
Y tá cho bé thay đổi tư thế nằm để đỡ mỏi người và tránh bẹt đầu.
Nắm tay ba.
Nếu bạn chưa biết hoặc vẫn còn mơ hồ về sinh mổ thì hãy theo chân một mẹ bầu Việt vào phòng mổ để chứng kiến tận mắt quá trình mổ lấy thai.