Mẹ Việt kể chuyện mang bầu có "lương" trên đất Hàn
Khi nhớ lại quãng thời gian mang thai và sinh nở, Nga Linh rất yên tâm khi đã quyết định sinh con ở Hàn Quốc.
Tên mẹ: Nga Linh Tên bố: Kwak Heesuk Tên bé: Young, hơn 1 tháng tuổi |
Nga Linh là một người phụ nữ quốc tịch Việt Nam, sau một năm quen anh Kwak Heesuk, hai người quyết định lấy nhau. Hiện gia đình chị đang sinh sống ở Jochiwon, thành phố Sejong, Hàn Quốc.
Vợ chồng anh Kwak Heesuk và chị Nga Linh.
Nhớ lại quãng thời gian có bầu. Nga Linh tâm sự: “Thực sự thời điểm đó mình cũng đã rất hoang mang, mình luôn đặt câu hỏi rằng không biết có nên về Việt Nam - ở đó có cha mẹ, anh chị em, họ hàng, môi trường quen thuộc để mình có thể yên tâm chăm sóc và sinh nở hay không. Thế nhưng anh xã mình đã động viên tinh thần mình rất nhiều, và tới hiện tại, mình hoàn toàn tin tưởng vào quyết định sáng suốt đó”.
Bác sĩ chăm sóc tận tình từ khi mang bầu
Ngay từ khi mang bầu, chị đã được các bác sĩ, y tá hướng dẫn rát cẩn thận về cách ăn uống, chăm sóc thai kỳ tốt nhất. "Bạn nên biết cơ thể mình cần bổ sung cái gì để giúp em bé được phát triển một cách toàn diện chứ không phải mình thoải mái ăn uống là tốt”, các bác sĩ dặn dò chị.
Chị Nga Linh rất hài lòng với cách chăm sóc bà bầu của các y bác sĩ bên Hàn Quốc.
Cụ thể, tháng thứ nhất, chị thường có cảm giác mệt, ốm nghén, chán ăn, bác sĩ khuyên chị nên ăn nhiều đồ ăn chứa protein, sắt như thịt bò, gà, thịt lợn, cá,… Quả nhiêu, sau một thời gian ngắn, hiện tượng mệt mỏi trong Nga Linh cũng tan biến thật.
Tháng tiếp nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, chị uống nhiều sữa để em bé phát triển và bổ sung thật nhiều dưỡng chất khác thông qua ăn hoa quả, rau củ xanh, tươi; Tháng thứ 4 thì chia bữa ăn làm nhiều bữa nhỏ, hạn chế đồ ăn có chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
Tăng cường ăn nhiều đồ ăn có chứa vitamin A (trứng, sữa, thịt, cá, gan động vật), rau củ màu xanh đậm (rau muống, rau ngót, cải xanh…), vitamin B (ngũ cốc, các loại hạt), vitamin B9 hay còn gọi là axit folic (có nhiều trong măng tây, rau xanh, gan, thịt gà, trứng).
Bé Young chào đời 3,3kg ở viện Hansarang.
Bác sĩ của chị ở Hàn Quốc cho rằng không nên ăn quá nhiều vì thai nhi to sẽ rất khó đẻ, mẹ tăng cân nhiều cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ xấu. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ theo dõi rất sát sao cân nặng, đo huyết áp của mẹ và nhịp tim thai cho bé.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên bà bầu nên tự mát – xa cho bản thân để giúp cơ thể khỏe mạnh, giúp tuyến sữa sẵn sàng hoạt động cho quá trình nuôi con sắp tới. Ngoài ra họ còn khuyên chị em nên vận động thể thao nhẹ nhàng để giúp cho quá trình sinh nở diễn ra tốt nhất.
Chồng luôn ở bên hỗ trợ
Tham khảo sách báo và học hỏi các mẹ Hàn khác, chị Linh Nga cũng hay cho bé nghe nhạc giao hưởng để kích thích trí não, chị dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để nói chuyện, tâm sự với em bé, vừa nói chị vừa xoa bụng nhẹ nhàng. Anh xã của Linh còn thường xuyên cùng vợ đi tới tiệm sách báo để mua về đọc, hai vợ chồng cùng lên lịch, thực đơn ăn uống sao cho bé được khỏe mạnh nhất.
Tới tháng thứ 4, bé Young đã biết đạp bụng mẹ, dường như mọi sự trò chuyện, nghe nhạc, đều được bé giao tiếp thông qua cử động của cơ thể. Chị chia sẻ: “Khi Young còn đang nằm trong bụng mẹ, hai vợ chồng mình có tham khảo ý kiến của con ‘con muốn ba mẹ đặt tên con là gì?’, và khi nói đến từ Young thì bé đạp rất nhiều. Vợ chồng mình quyết định đó chính là cái tên con muốn”.
Chị Linh cho biết anh Kwak Heesuk chăm con rất tốt.
Hai vợ chồng chị thường đi ngắm hoa, ngắm cảnh, leo núi. Chị chia sẻ: “Chủ yếu là để ngắm cây hoa lá, hít thở không khí trong lành. Bác sĩ bảo bà bầu nên đi lại vừa để vận động vừa là để cho em bé nghe các âm thanh, tiếng động của thiên nhiên, như tiếng chim hót, lá cây rụng, tiếng gió xôn xao…”.
Bên Hàn Quốc quan niệm, bà bầu chỉ nên nhìn những thứ đẹp đẽ, ăn những đồ ăn trái cây đẹp như quả táo chín, không ăn quả méo. Ví dụ, chị mà có đi mua hoa quả người bán sẽ chọn cho những quả cân đối nhất, chứ họ tuyệt đối không bán quả méo.
Lên bàn đẻ
Chị nhớ ngày 3/9 năm 2013, bên Hàn Quốc là ngày lễ, lịch đỏ. Ngày đó, chị được 40 tuần thai. Anh xã chị đi làm, còn chị nghỉ ngơi ở nhà và làm tranh vải cho bé. Chị rất thích làm món đồ chơi này để sau vừa cho bé chơi vừa dạy bé học. Chị chia sẻ: “Mình đang làm thì thấy bụng đau râm ran, lẩm nhẩm, mình đi tắm rồi lục đục vào viện Hansarang. Ngày đó, anh xã phải đi công tác nên không về đưa mình đi được. Mình gọi điện ngay cho bác sĩ và hai mẹ con lỉnh kỉnh đồ vào viện”.
Chị tâm sự: “Mình nhớ như in cảm giác sinh nở. Hạnh phúc, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu. Rồi em bé cũng ra đời khỏe mạnh”.
Vào bệnh viện, sau khi được các bác sĩ, y tá kiểm tra, chị bị... trả về vì chưa đến thời điểm. Sang ngày mùng 9, cơ thể có hiện tượng ra máu, chị mới tức tốc nhập viện. Các bác sĩ tiêm thuốc, truyền nước và dạy cách thở đều, rặn nhịp nhàng, tuyệt đối không khóc lóc, gào thét, ảnh hưởng tới em bé.
Nhưng sau một thời gian, chị đau bụng dữ dội, chị xin bác sĩ cho mổ nhưng bác sĩ vẫn khuyên sinh thường, bởi sức khỏe của chị hoàn toàn sẵn sàng để chào đón bé ra đời một cách tự nhiên. Để ủng hộ tinh thần cho chị, các y tá luôn ngồi cạnh giường trò chuyện, có lúc còn thở cùng chị.
Chồng chị vào viện sau, tại Hàn Quốc, nếu bà bầu sinh thường, các bác sĩ khuyến khích cho người chồng vào để động viện vợ, cắt dây rốn cho bé.
Khi những cơn đau đẻ lên đến đỉnh điểm, chính bác sĩ trưởng khoa đã vào đỡ đẻ cho chị, người thì ở bên cạnh động viên, người thì ấn bụng cho bé xuống, người thì thở cùng… Thật may mắn, Young cũng chào đời an toàn. Sau sinh nở, chị còn được các y tá tận tay vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo mới và gen bụng...
Chị tâm sự: “Mình nhớ như in cảm giác sinh nở. Hạnh phúc, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu. Rồi em bé cũng ra đời khỏe mạnh”.
Chăm con sau sinh
Young ra đời nặng 3,3 cân. Cũng trong những ngày sau sinh, hai vợ chồng chị được các y tá ở đây hướng dẫn cách tắm cho bé, cách pha sữa cho con và thay tã bỉm cho con. Đến ngày thứ 4 thì chị được xuất viện.
Chị chia sẻ, khi bé nằm trong bụng mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định nhưng ngay sau khi ra đời, trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ môi trường thấp hơn. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được giữ ấm. Phòng trẻ nằm phải ấm (26-28 độ C), thoáng, không có gió lùa.
Ra đời, bé Young trộm vía rất nhiều tóc
Những khi trời nắng đẹp, nắng dịu, cha mẹ cần cho bé ra tắm nắng mỗi ngày khoảng 15 phút. Tắm nắng là một hành động rất tốt cho bé, không những giúp trẻ có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm nguy cơ bị vàng da.
Rốn của trẻ phải được chăm sóc kỹ từ lúc mới sinh đến khi rốn rụng. Không nên băng kín rốn vì băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Để hở rốn sau khi chăm sóc, quấn tã dưới rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng. Bé nhà chị sau 5 ngày là rụng rốn. Rốn mới rụng phải giữ khô sạch cho tới khi lên sẹo.
Chị bảo: “Dù các bác sĩ dặn nên cho bé bú càng nhanh càng tốt để tận dụng nguồn sữa non và các chất kháng khuẩn song phải đến ngày thứ 4 sữa mẹ mới về”. Chị Linh chia sẻ thêm, cho trẻ bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ tiết nhiều sữa cho con. Người mẹ bế trẻ sao cho: Tư thế đầu và thân trẻ thẳng hàng, bụng trẻ áp sát bụng mẹ, mũi trẻ đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và mông trẻ. Để giảm bớt nôn trớ, sau khi trẻ bú, bế trẻ đứng 5-10 phút, đến khi trẻ ợ hơi xong mới cho trẻ nằm. Khi trẻ mới bú xong, tránh các thao tác thay tã hay quần áo vì dễ làm trẻ ọc sữa.
Sau khi có bé Young, chị Linh và chồng dành rất nhiều thời gian cho con. Được cái, ở Hàn Quốc, phụ nữ mang bầu đều được hưởng một khoản trợ cấp 500.000 won (khoảng 10 triệu) để dưỡng sức và sau khi sinh được thêm 300.000 won (khoảng 6 triêu) mỗi tháng. Vì vậy, chị Linh thêm an tâm khi toàn tâm toàn ý ở nhà chăm bé. Hiện hai anh chị đang ở quãng thời gian hạnh phúc nhất bên thiên thần nhỏ của mình.
Bé Young đáng yêu
Dù lần đầu làm mẹ nhưng Hồng Trang luôn thể hiện là một bà mẹ lý trí, sắc sảo và vô cùng hiện đại trong cách dạy con.