Nghe mẹ Việt ở Canada kể về quá trình chăm sóc thai
Khác với ở Việt Nam, việc theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thường ở Canada không nhất thiết phải do bác sĩ sản đảm trách mà bác sĩ gia đình hoặc nữ hộ sinh cũng có thể làm việc này.
Độc giả Hoàng Anh hiện đang sống ở Canada, có một cô con gái nhỏ 9 tháng tuổi được bố mẹ gọi yêu là Chíp. Chị sẽ chia sẻ với độc giả toàn bộ kinh nghiệm về quá trình mang thai và chăm sóc em bé ở đất nước bạn.
Đúng với phương châm “Sinh đẻ là chuyện quá bình thường”, khác với ở Việt Nam, việc theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thường bên này không nhất thiết phải do bác sĩ sản đảm trách mà bác sĩ gia đình hoặc nữ hộ sinh cũng có thể làm việc này. Bác sĩ sản khá hiếm, chủ yếu chỉ giải quyết các vấn đề phức tạp như thai kỳ ở phụ nữ nhiều nguy cơ (tiểu đường, béo phì, có trục trặc về nhiễm sắc thể …), các ca sinh khó, mổ đẻ, nạo hút thai, chữa vô sinh… Quá trình theo dõi thai kỳ cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng, hạn chế các can thiệp không cần thiết, ngay cả siêu âm cũng chỉ 2 lần 2D đen trắng trong suốt 40 tuần mang thai. Các nghiên cứu bên này đã chỉ ra rằng, siêu âm và xét nghiệm nhiều hơn không mang lại kết quả tốt hơn. Chỉ cần bác sĩ có chuyên môn kiểm tra đúng vào những thời điểm quan trọng là đủ.
Quy trình theo dõi thai kỳ chuẩn ở Canada với một thai kỳ bình thường:
Còn nhớ lúc mới biết mang thai Chíp, mình đi gặp bác sĩ, người ta cho về và bảo 1 tháng nữa nếu vẫn tốt thì quay lại đây, làm mình hơi “choáng” một tí. Bên này hoàn toàn không có chuyện siêu âm tìm tim thai, xem túi thai hàng tuần lúc thai còn nhỏ như ở nhà mình, trừ trường hợp người mẹ có bệnh lý đặc biệt. Những việc trên chỉ tốn công tốn của mà lại hoàn toàn không cần thiết, chưa kể mang lại nhiều nỗi lo lắng không đáng có cho thai phụ.
2. Khám thai định kỳ mỗi tháng một lần từ tuần thứ 8 đến tuần 28; sau đó hai tuần một lần đến tuần 36; rồi một tuần một lần cho đến lúc sinh. Mỗi lần khám thai cũng rất đơn giản, bác sĩ đo cân nặng, huyết áp của mẹ, nghe tim thai và đo độ cao tử cung để xem thai nhi có phát triển đúng chuẩn không (từ tuần thứ 20 trở đi, độ cao tử cung = số tuần tuổi thai). Từ tuần 32, bác sĩ sẽ chú ý đến tư thế thai nhi để chuẩn bị cho cuộc sinh nở. Ở những tuần cuối (34-38), bác sĩ sẽ cho xét nghiệm thử xem có Streptococcus B hay không. Đây là loại vi khuẩn không gây hại cho người mẹ nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ sơ sinh ngay khi vừa chào đời, với tỉ lệ thai phụ mắc phải lên đến 10%. Vấn đề này cực kỳ được chú ý ở các nước có nền y tế phát triển. Nếu kết quả dương tính, thai phụ sẽ được truyền kháng sinh liên tục ngay trước lúc sinh để hạn chế lây sang con.
Tóm lại cái quan trọng nhất trong các buổi khám định kỳ là bác sĩ hỏi thăm sức khỏe người mẹ, phát hiện các triệu chứng bất thường nếu có và tư vấn, giải đáp các thắc mắc của mình. Bác sĩ cũng kê đơn, nhắc nhở các xét nghiệm quan trọng sắp tới. Mỗi lần khám rất gọn nhẹ, chỉ khoảng 15-20 phút thôi. Hồi đó lần nào mình cũng mang một danh sách các câu hỏi đến để hỏi bác sĩ cho yên tâm, mặc dù ở nhà cũng tìm hiểu khá nhiều qua sách vở, internet.
3. Thử máu 2 lần vào tuần thứ 13 và 28. Trong đó tuần 13 chú trọng đến công thức máu của mẹ, xem có bệnh gì không, có thiếu máu không và tình hình thai nhi qua nồng độ các hooc môn. Còn tuần 28 thì đặc biệt chú ý đến vấn đề tiểu đường thai kỳ của người mẹ. Mẹ tiểu đường em bé thường rất nặng cân (trên 4 kg) nhưng có nhiều vấn đề sức khỏe, mẹ thì sinh khó, dễ có biến chứng. Tiền sản giật (huyết áp cao và có đạm trong nước tiểu, có thể làm thai nhi chậm phát triển do bánh rau hoạt động kém hoặc gây nguy hiểm cho mẹ khi sinh); nhiễm trùng tiết niệu (gây sinh non) cũng được quan tâm ở giai đoạn này. Toxoplasmosis (đã nói ở bài trước) không nằm trong chẩn đoán bắt buộc khi thử máu như ở Pháp vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Canada khiến ấu trùng này ít có cơ hội tồn tại và phát tán.
Nhìn chung thì việc theo dõi thai kỳ bên này nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra rất đầy đủ, bài bản, thống nhất. Bác sĩ thì thận trọng trong từng xét nghiệm và đặc biệt quan tâm đến tâm lý bà bầu nên mình cảm thấy rất yên tâm. Ngoài sự theo dõi của bác sĩ chính, mình còn được y tá của trung tâm y tế đến nhà hàng tháng thăm khám, tư vấn, giải đáp thắc mắc mọi vấn đề xoay quanh quá trình mang thai, sinh nở và sau này là nuôi Chíp trong 6 tháng đầu tiên. Họ cũng mang coupon trứng, sữa, nước cam, vitamin và rất nhiều tài liệu tham khảo hay cho mình đọc. Thêm một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng tư vấn cho mình chế độ ăn uống và theo dõi cân nặng trong suốt giai đoạn mang thai nữa.
Hai vợ chồng mình cũng tham gia một lớp học tiền sản dành cho các ông bố bà mẹ tương lai. Thông tin mà nó đem lại thì phải nói là vô cùng thiết thực và bổ ích. Lớp học diễn ra trong 6 tuần, mỗi buổi xoay quanh một chủ đề khác nhau do y tá, bác sĩ và chuyên gia khách mời hướng dẫn. Nội dung chính bao gồm: Các vấn đề của thai kỳ, quá trình vượt cạn, tâm lý làm cha mẹ, chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ. Sau khi khóa học kết thúc, một buổi gặp mặt sau sinh được tổ chức rất vui. Mọi người mang em bé của mình đến gặp nhau, kể lại quá trình vượt cạn của bản thân và trao đổi thêm về kinh nghiệm chăm sóc em bé.