Thực hư thông tin mẹ bầu ăn ốc con bị chảy dãi?
Nhiều người cho rằng, khi mẹ bầu ăn ốc, con sinh ra sẽ có nhiều nhớt dãi. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của các chị em.
Khi mang thai, mẹ bầu rất quan tâm đến việc ăn uống bởi điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Có rất nhiều chị em băn khoăn quanh chủ đề bà bầu ăn ốc được không. Bởi theo dân gian, mẹ bầu ăn ốc khi mang thai, em bé sinh ra sẽ bị bệnh chảy nước dãi, chậm nói hoặc nóng cơ thể...
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được những "lời đồn" trên là đúng. Thức ăn sau khi được nuốt xuống dạ dày thì sẽ được các dịch vị dạ dày nhào trộn và biến chúng thành các chất dinh dưỡng khác nuôi cơ thể.
Tác dụng của việc ăn ốc đối với thai nhi và mẹ bầu
Thai phụ từ tháng thứ ba cho đến khi sinh, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng lên rất nhiều. Ăn ốc trong thời kỳ mang thai có rất nhiều lợi ích, giúp mẹ bầu bổ sung nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
1. Ăn ốc chữa được nhiều bệnh
Trong Đông y, thịt ốc vị ngọt, tính hàn, có tác dụng chữa được một số bệnh như phù thũng, bệnh gan, vàng da, nhiễm trùng, trĩ... Ốc là phương thuốc phục hồi sức khỏe nhanh chóng, giúp khí huyết lưu thông.
2. Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu
- Vitamin E: Đây là một loại vitamin cần thiết đối với các mẹ khi mang thai, chuyển hóa vitamin K và bảo vệ tế bào trước tác hại của gốc tự do, ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Magie: Trung bình trong 85g ốc sẽ có chứa khoảng 212mg magie cung cấp tới 68% lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ. Magie trong ốc sẽ tham gia điều hòa các chất dinh dưỡng như Kẽm, Kali, Canxi, Vitamin D... giúp cải thiện đau nhức cơ.
- Canxi: Khi mang thai, cơ thể mẹ cần 1.200mg Canxi/ngày. Chính vì vậy ốc là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của mẹ bầu. Canxi giúp cho thai nhi phát triển hệ xương và răng khỏe mạnh, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hệ thống tim mạch và thần kinh của thai nhi. Trong trường hợp thiếu canxi, thai phụ thường thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, trong trường hợp lượng canxi xuống quá thấp có thể bị chuột rút, tê chân tay thậm chí nặng có thể co giật.
- Selen: Selen giúp hỗ trợ chức năng hệ thống nội tiết và tăng miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh đó, Selen còn có khả năng chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, viêm khớp, nhiễm trùng...
- Phốt pho: Có 231mg phốt pho trong khẩu phần 85g ốc tương đương 33% lượng phốt pho được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Công dụng của phốt pho là hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, duy trì mật độ xương và điều hòa các chất dinh dưỡng.
- Sắt: Ăn ốc giúp mẹ bầu chống thiếu máu, giúp mẹ năng động, khỏe khoắn hơn.
Những lưu ý khi mẹ bầu ăn ốc
Theo bác sĩ Lê Thị Hải: "Đứng trên góc độ dinh dưỡng, thịt ốc giàu giá trị dinh dưỡng cung cấp canxi cho mẹ và thai nhi khỏe mạnh. Vấn đề là ăn ốc như thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm". Vì thế khi ăn ốc, mẹ bầu cần chú ý những điều sau đây:
- Ốc sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Nếu không chế biến kỹ khi ăn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường ruột như bệnh tả, tiêu chảy, ngộ độc... Điều này cực kỳ có hại cho mẹ bầu và thai nhi.
Vì vậy nên rửa sạch ốc trước khi chế biến rồi sau đó ngâm khoảng hai giờ bằng nước gạo, chanh, giấm. Có thể cắt vào ngâm vài quả ớt để ốc sẽ nhả hết chất bẩn. Nấu ốc kỹ, không nên ăn chưa chín bởi trong ốc có thể chứa các loại vi sinh vật sống ký sinh không tốt cho sức khỏe bà bầu.
- Không nên ăn ốc quá nhiều bởi có thể dễ dẫn tới đầy bụng, bị rối loạn tiêu hóa. Vì thế dù thèm đến mấy mẹ bầu cũng chỉ nên ăn 1-2 bữa/tuần.
- Một số loại ốc chứa hàm lượng độc tố lớn như ốc mặt trăng, ốc hương Nhật Bản, ốc cối, ốc bùn nóng... Mẹ bầu nên tránh ăn những loại ốc như vậy.