Thực hư bức ảnh tay bé gái 9 tháng tuổi be bét máu vì chuột cắn trong đêm
Mới đây, bức ảnh một em bé được cho là bị chuột cắn khi đang ngủ với bàn tay đầy máu được một tài khoản Facebook chia sẻ đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên cộng đồng mạng khiến các bố mẹ có con nhỏ hoang mang lo lắng.
Bé gái tay đầy máu vì chuột cắn trong đêm?
Cách đây mấy tiếng, một bà mẹ trẻ có tài khoản Facebook là N.P.P ở Đà Nẵng đã chia sẻ hai bức ảnh: một bức chụp lại bàn tay đã được băng bó của con gái đang được mẹ bế, người mẹ bê bết máu, một ảnh là cảnh những vết máu loang lổ trên ga giường. Nguyên nhân khiến con gái chị rơi vào tình cảnh đáng thương này, theo người mẹ là do bị chuột cắn khi đang ngủ trong đêm.
Theo những chia sẻ trên trang cá nhân thì tối ngày 9/8, khi cả nhà đang ngủ trong phòng bật điều hòa, khoảng 1 giờ đêm thì con gái chị N.P.P ngồi dậy khóc thét lên. Thấy vậy, người mẹ giật mình tỉnh giấc, vội vàng cho con bú nhưng bé gái vẫn khóc nức nở mà mẹ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Người mẹ quay sang bế con dậy vỗ về cho con ngủ song bé vẫn khóc. Thấy lạ, mẹ N.P.P đã bật đèn lên và thấy cảnh tượng kinh hoàng xảy ra: giường đầy máu, bàn tay con gái cũng đầm đìa máu.
Vội vã, người mẹ đã bế con đi rửa tay nhưng máu không hết mà vẫn tuôn ra. Mẹ N.P.P cùng gia đình nhanh chóng đưa con gái vào bệnh viện cấp cứu. Theo chia sẻ của bà mẹ này, khi sơ cứu đã xác định được nguyên nhân dẫn đến vết thương bất ngờ trên tay con là do bị chuột cắn. Mẹ bé gái cho biết, hiện tại bé vẫn đang nằm trong bệnh viện và sốt đến 40 độ.
Điều đáng nói là phòng ngủ được đóng kín vì bật điều hòa, có tất cả 4 người ngủ trong phòng nhưng con chuột đã "nhằm" tay em bé để cắn gây ra vết thương đáng sợ trên. Có thể do cơ thể trẻ có mùi sữa thêm nên chuột đã "đánh hơi" và cắn bé.
Bé gái bị thương ở tay được cho là do chuột cắn.
Câu chuyện của mẹ N.P.P đã lan tỏa với mức độ chóng mặt trong cộng đồng mạng với hơn 12 nghìn lượt like, hơn 6 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm comment. Không chỉ bày tỏ sự xót thương với tai nạn của bé gái mà rất nhiều mẹ bỉm sữa còn
chia sẻ câu chuyện như một lời cảnh báo với các gia đình có con nhỏ cần phải cẩn trọng và đề phòng tình huống này xảy ra, tránh để chuột gây thương tích cho trẻ.
Một mẹ khác theo dõi câu chuyện của mẹ N.P.P cũng bình luận rằng chính con chị hồi bé cũng đã từng rơi vào trường hợp tương tự. Và nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng đó, chị như muốn xỉu.
Chiếc ga giường đầy máu mà mẹ N.P.P chia sẻ.
Làm gì khi trẻ bị chuột cắn?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trường hợp trẻ bị chuột cắn nghiêm trọng như thế này rất ít xảy ra. Dù hiếm nhưng các gia đình có con nhỏ cũng cần đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ do chuột gây ra. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho rằng, điều cần thiết nhất nếu trẻ bị chuột cắn là phải lập tức sơ cứu ngay, bởi chuột là loại động vật động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người như bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết… Các bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. Các loại vi khuẩn lại sống trong nước bọt của chuột. Khi bị chuột cắn, vi khuẩn này sẽ theo vết cắn, nhiễm vào máu và gây nên hiện tượng sốt cho trẻ nhỏ.
Khi trẻ bị chuột cắn, bố mẹ cần nhanh chóng rửa vết thương cho trẻ trực tiếp bằng xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng. Tiếp đến phải cho trẻ đi tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế.
Sau khi đã sơ cứu, trẻ bị chuột cắn cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh. Bác sĩ Thường nhấn mạnh, chuột rất hiếm khi nhiễm virus dại nhưng nếu bị chuột cắn thì vẫn cần tiêm phòng dại.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các mẹ, khi con còn nhỏ, trong phòng ngủ nên dùng đèn ngủ có ánh sáng mờ để kịp để ý con trong đêm, tránh trường hợp con bị chuột cắn lâu mới phát hiện ra.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh và tai nạn từ chuột gây ra
- Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình và tránh không bị các bệnh truyền nhiễm do chuột gây ra là bố mẹ nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh để những vật dụng bừa bãi trở thành làm nơi ẩn náu và sinh sống cho chuột.
- Tránh tiếp xúc với chuột hay các chất thải của chuột. Đặc biệt không nên sử dụng các loại thực phẩm mà chuột đã gặm nhấm.
- Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc.
- Dùng hóa chất sát khuẩn nơi có chuột sinh sống.
- Sau khi tiếp xúc với chuột, phải dùng găng tay, đeo khẩu trang và rửa sạch tay chân bằng xà phòng.