Thực đơn cơm cữ vừa ngon vừa đầy đủ dinh dưỡng, "đẹp chẳng nỡ ăn" của mẹ Việt ở Nhật
Các mẹ bỉm đều nhận định cơm cữ tại viện Nhật là điều khiến họ khó quên nhất khi trải nghiệm sinh đẻ tại đây.
Sau khi trải qua quá trình sinh con, sản phụ cần phải có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để hồi phục sức khỏe. Bởi vậy, thực đơn cơm cữ là yếu tố vô cùng quan trọng. Mới đây, Nhiêu Trang (33 tuổi, hiện sống ở Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản) đã chia sẻ về thực đơn cơm cữ của bản thân khiến ai nấy trầm trồ.
Nhiêu Trang hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật, bà mẹ 2 con đã có 2 lần được trải nghiệm sinh đẻ tại đây. Có lẽ mọi người cũng đã biết, đã xem qua hoặc từng thấy ở đâu đó các món ăn được bày biện chỉn chu, đầy đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn của người Nhật. Không khác gì các bữa ăn hàng ngày, phần cơm trong bệnh viện cũng được chăm chút kỹ lưỡng, được các chuyên gia dinh dưỡng riêng của từng bệnh viện lên thực đơn mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Những phần cơm ấy sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, giúp họ mau hồi phục sức khoẻ.
Những món ăn của Nhiêu Trang tại viện, bữa nào cũng rất ngon mắt, đầy đủ đồ ăn với các món hấp dẫn.
Không chỉ bài trí, từ màu sắc đến hàm lượng dinh dưỡng của các món ăn đều được tính toán rất tỉ mỉ.
Nói đến phần cơm trong bệnh viện ở Nhật thì chắc chắn không thể không kể đến những mâm cơm dành cho các sản phụ. Nhiêu Trang thú thật sau hai lần sinh nở tại Nhật, bà mẹ trẻ thích nhất là giờ cơm. Mỗi ngày Trang đều trông ngóng đến giờ được các nhân viên trong nhà bếp bưng bê mâm cơm đến phòng, cứ như "em bé chờ mẹ đi chợ về mang theo vài cái kẹo bánh". Thậm chí có người còn đùa rằng mong được đi đẻ chỉ để ăn cơm bệnh viện.
Bữa cơm trong bệnh viện khi sinh ở Nhật hầu như không kiêng cữ bất cứ món gì. Có những món khi ở cữ bên Việt Nam thường sẽ kiêng ăn như bắp cải, măng, đồ lạnh, đồ chua, đồ hải sản,... thì tại đây họ cho ăn tất tần tật, mùa nào thức nấy. Và đặc biệt không sợ bị mất sữa. Cứ ăn ngon, ăn đầy đủ, có sức khoẻ thì sẽ luôn có sữa dồi dào cho con.
Ở Nhật, các mẹ ít khi kiêng khem, sinh xong có thể ăn ngay đồ lạnh hay dưa muối, các món ăn này đều do chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn.
Nhờ ăn uống đầy đủ nên Nhiêu Trang có nhiều sữa cho bé.
Chia sẻ thêm về câu chuyện đi sinh tại Nhật, Nhiêu Trang cho biết: "Mình sang Nhật hơn 10 năm rồi. Lúc mang bầu cũng không có gì vất vả, vẫn đi công tác bằng máy bay, đi làm đến 32 tuần thì nghỉ thai sản, sinh đẻ cũng thuận lợi vì mình có tìm hiểu và lên kế hoạch trước về việc tìm và chọn bệnh viện sinh.
Theo đánh giá của mình thì bệnh viện mình vừa sinh rất tốt. Tuy nhiên ở Nhật cũng như các nơi khác, cũng có bệnh viện thế này, bệnh viện thế nọ không nơi đâu giống nhau cả. Mình có 2 bé rồi, tất cả đều sinh bên Nhật, tại hai bệnh viện khác nhau nhưng bệnh viện nào cũng rất tốt, từ y bác sĩ cho đến dịch vụ chăm sóc.
Nhiều chị em tâm sự, cũng muốn thử được trải nghiệm sinh đẻ ở Nhật vì những mâm cơm cữ quá đỗi ngon mắt này.
Nếu có sinh nữa mình vẫn chọn sinh bên Nhật, mặc dù sinh bên đây không hề có người nhà chăm sóc. Tuy hơi vất vả vì chăm con 1 mình nhưng mình thấy tâm trạng rất thoải mái, không phải kiêng cữ nhiều trong việc ăn uống, tắm gội và không cần quan tâm đến các ý kiến trái chiều xung quanh".
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng dinh dưỡng của mẹ sau khi sinh con có ảnh hưởng tới số lượng và thành phần của sữa mẹ. Cụ thể, nếu chế độ ăn uống của người mẹ sau sinh con bị thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin A, D và B1 thì sữa mẹ cũng sẽ thiếu các vitamin này. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu đời, lượng kháng thể của trẻ được cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho người mẹ sau sinh con sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật tốt nhất cho bé.
Để đảm bảo khẩu phần ăn của người mẹ sau sinh, cần cung cấp đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng. Nên kết hợp đa dạng các loại thực phẩm để nâng cao chất lượng khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, những thực phẩm sử dụng trong khẩu phần nên lựa chọn thực phẩm theo mùa chứ không nhất thiết chỉ ăn rau ngót sau sinh.